Khi tội ác nhân danh tình… mẫu tử

Thương con, hết lòng vì con là đức tính tốt đẹp mang tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Thế nhưng lại có những người mẹ quên đi mất rằng mình cũng là một con người, nhân danh tình cảm mẹ con của mình mà sẵn sàng đạp đổ mọi đúng sai, trái phải, lương tri của một con người…

Theo mẹ Hồ Duy Trúc, lỗi là do những người đeo đồ trang sức, đi xe máy đẹp…

Bi kịch gia đình có 2 mẹ con mang trọng án

Trại giam Xuân Nguyên (huyện Thủy Nguyên) trong ngày đặc xá nhân dịp Quốc khánh năm 2013, không khí thật náo nhiệt. Phía bên ngoài cổng, người thân của phạm nhân tập trung đông nghịt từ sáng sớm. Còn ở bên trong, hàng trăm phạm nhân được đặc xá cũng đang mong ngóng đến lượt mình nhận quyết định mãn hạn tù trở về đoàn tụ với gia đình. Trong số những phạm nhân được đặc xá lần này có một phạm nhân còn rất trẻ.

Có lẽ đây là phạm nhân trẻ nhất được tha tù lần này. Đó là Lương Quốc K., sinh 1992, ở phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, đã phạm phải tội Giết người. Kể lại tội lỗi của mình, K. cho biết đó là vào năm 2007, khi đó K. mới vừa tròn 15 tuổi. Một lần cùng đám bạn ngồi uống bia trên đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) với cả một người bạn của bố K. nữa. Sau một hồi chén tạc, chén thù, giữa K. và người bạn của bố xảy ra to tiếng, dẫn đến xô xát. Tiện con dao gọt hoa quả để trước mặt, K. vơ lấy xông vào đâm một phát chí mạng khiến cho người bạn bố mình thiệt mạng. K. bị TAND thành phố Hải Phòng xử phạt 11 năm tù và buộc phải bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 125 triệu đồng.

Dường như cuộc sống tù tội đã làm cho tính cách K. dạn dĩ hơn so với tuổi của mình. K. tỏ ra hết sức bình thản khi những bạn tù hầu hết đều có những người thân trong gia đình đến đón, còn mình thì không có ai. K. hiểu rõ vì lý do gì, nhưng đến khi hỏi bố mẹ đi đâu mà không sang đón thì K. trả lời cụn lủn là do bận công việc, rồi lảng sang chuyện khác…

Không lâu sau khi gặp Lương Quốc K., trong một lần đến trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng, tôi có dịp gặp Trần Thị Nhung, sinh 1969, ở phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng đang mang án tử hình. Ngồi đối diện với Trần Thị Nhung, không ai có thể hình dung được người đàn bà có vóc dáng nhỏ bé cùng giọng nói nhẹ nhàng, thậm chí có thể nói là… dịu dàng lại có thể điều hành một đường dây buôn bán ma túy lớn. Và thật bất ngờ khi biết rằng, Lương Quốc K. chính là đứa con trai duy nhất của một bà trùm ma túy đất Cảng.

Ngày K. được đặc xá trở về cũng chính là ngày Trần Thị Nhung “chấp nhận” bản án tử hình. Song, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chứ hoàn toàn không có nghĩa cái chết của người mẹ đổi lại được sự “trở về” của đứa con. Lương Quốc K. được giảm án và tha tù trước thời hạn 5 năm do chấp hành kỷ luật và cải tạo tốt. Còn Trần Thị Nhung nói đi buôn ma túy lấy tiền bồi thường nạn nhân, mong cho con được giảm án chỉ là cách biện minh cho tội lỗi của mình đã gây ra. Vì thế, khi đã quá biết tội ác của mình không những đáng 1 lần chết mà phải là nhiều lần chết thì chính Nhung đã xin rút đơn kháng cáo.

Có thể hiểu, trong hoàn cảnh của Trần Thị Nhung, khi đứa con duy nhất bị tù tội thì không ai là không xót xa. Thế nhưng không thể đi mang tội ác để đổi lấy cái gọi là… tình mẫu tử. Trần Thị Nhung đã đang tâm gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội khiến bao nhiêu người chết, bao gia đình nhà tan, cửa nát vì ma túy. Không những thế, Nhung còn lôi kéo chính những người ruột thịt, người thân của mình lao theo con đường tội lỗi.

Đầu tiên là người bạn thân của Nhung là Nguyễn Kim Oanh, tức Oanh “cận”, sinh 1970, cùng ở phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng. Nhung mua chuộc Oanh “cận” bằng cách cho vay tiền để trả nợ, sau đó rủ rê cùng tham gia buôn bán ma túy. Để tiện cho việc làm ăn, Nhung tiếp tục rủ thêm chị dâu là Hoàng Thị Tuyến, sinh 1963, ở phường Dư Hàng Kênh, Lê Chân cùng hai cháu ruột (con của Tuyến) là Trần Đình Chung và Trần Thị Ánh Tuyến cùng tham gia. Sau đó Oanh “cận” còn rủ em trai là Nguyễn Mạnh Hùng, sinh 1972, ở C56 phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, nhập vào đường dây làm ăn…

Những ngày cuối đời còn lại, trong phòng biệt giam, người đàn bà tội lỗi Trần Thị Nhung tụng kinh niệm phật, những mong rũ sạch quá khứ để tìm chút bình yên trong tâm hồn. Thế nhưng khi đôi tay đã trót nhúng chàm thì việc rũ bỏ những ám ảnh tội lỗi dằn vặt dường như không dễ. Nhung tâm sự, mình tụng kinh niệm phật ngày đêm chỉ mong phần nào cõi lòng được nhẹ nhàng. Để rồi ngày mai nếu phải đưa đi thi thành án, sang thế giới bên kia, lòng mình sẽ có chút được thanh thản.

Không thể nhân danh tình mẫu tử…

Vào cuối tháng 12-2013, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên xử sơ thẩm các bị cáo trong băng cướp khét tiếng do Hồ Duy Trúc, sinh 1993, ở Quy Nhơn, cầm đầu. Trúc bị tử hình vì phạm tội tổ chức đồng bọn gây ra nhiều vụ án cướp của mà vụ án khiến hắn sa vào lưới pháp luật là vụ chặt gần đứt lìa bàn tay một cô gái để cướp chiếc xe SH. Thế nhưng, bản án vừa được tuyên, người mẹ già của Trúc ngã vật xuống đất khóc nức nở và liên tục gọi tên con. Cả gia đình bị cáo chửi bới các bị hại, rượt đánh luật sư, đe dọa thẩm phán…

Có thể nói, trong mọi thứ tình cảm giữa con người và con người với nhau, có lẽ tình mẫu tử luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, làm xúc động lòng người nhất và được thấu hiểu nhất. Trong cơn đau đớn cùng cực, người mẹ đáng thương của Trúc đã thốt ra những điều tưởng chừng như còn… dã man hơn chính tội ác của con mình. Người mẹ này cho rằng, con bà chỉ chặt tay cướp của chứ đâu có giết người, sao lại tử hình. Nếu biết trước con bà bị tử hình thì bà đã chuẩn bị dao để giết chết nạn nhân…

Có thể tha thiết, có thể gào khóc, có thể tuyệt vọng, có thể nông nổi. Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Đòi giết nạn nhân là một chuyện đi quá xa khỏi đạo đức của một con người, và nó bộc lộ rõ ràng một sự vô lương tri. Đến lúc này thì mọi người không ai còn thắc mắc vì sao mới chỉ 20 tuổi mà Trúc đã có thể dã man, tàn ác đến như thế. Người mẹ tội nghiệp kia vẫn khăng khăng đưa ra lý lẽ rằng, con bà chỉ có chặt tay cướp của chứ có giết người đâu mà phải chịu án tử hình. Cũng theo người mẹ này, lỗi là do những người đeo đồ trang sức, đi xe máy đẹp…

Đúng là chỉ có người mẹ mới bào chữa cho những hành vi tàn ác hòng giảm nhẹ tội cho con mình theo kiểu như vậy, chỉ trái tim người mẹ mới mù quáng mà cho rằng con mình không làm gì quá nguy hiểm cho xã hội. Người mẹ đó chắc hẳn từ khi sinh con ra đã nuông chiều, tìm mọi cách bao che cho con mỗi khi mắc lỗi để đến bây giờ nó trở thành kẻ tàn ác đáng ghê sợ…

“Con hư tại mẹ”, câu thành ngữ này đã được đúc kết từ muôn đời nay như một điều cảnh tỉnh, nhắc nhở những người làm mẹ. Không hiếm những người như bà mẹ của Hồ Duy Trúc sẵn sàng bao che, giấu giếm, bào chữa cho những hành vi tội lỗi của con mình. Đơn giản hơn thì “làm gương”, ủng hộ, thúc đẩy con làm những điều ích kỷ, sống thủ đoạn, sống tàn nhẫn với con người. Tai ương cho xã hội là điều đương nhiên khi những đứa con ấy lớn lên và sống như đã được giáo dục, dạy dỗ. Và tai họa sẽ giáng xuống cả người mẹ đó khi phải chấp nhận những sự trả giá của con mình, những trả giá của chính mình khi và giọt nước mắt của tình mẫu tử không hề nhận được một lời cảm thông, chia sẻ hay thương xót nào.

Theo ANHP

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/khi-toi-ac-nhan-danh-tinh-mau-tu-post115337.info