Khi trái bom chực nổ

Liên tiếp trong những ngày vừa qua, một loạt diễn biến đáng lo ngại đã hiện diện trong khu vực giao nhau giữa các quốc gia Iran, Pakistan và Afghnistan. Phải chăng căn bệnh ung thư đã đến hồi kịch phát?

Ở Pakistan, trong hai tuần gần đây, các cuộc tấn công khủng bố liên tục diễn ra. Theo một thống kê của tờ L'Express, chỉ trong vòng 12 ngày, gần 200 người đã là nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố ở Pakistan. Đáng sợ hơn nữa là những vụ này lại được tổ chức một cách chặt chẽ, được phối hợp hành động và nhắm vào cơ sở của các cơ quan quân đội hoặc cảnh sát hoặc những cơ quan chống khủng bố nước ngoài tại Pakistan: một doanh trại quân đội ở Islamabad, một loạt các cơ sở của cảnh sát ở Lahore và một cơ sở của CIA ở gần Peshawa. Trong một diễn biến khác, sự kiện gây chấn động dư luận thế giới trong mấy ngày qua là vụ tấn công tự sát nhắm vào một nhóm chỉ huy cao cấp của lực lượng cận vệ cách mạng Iran khi các ông này đang dự một cuộc họp với các thủ lĩnh bộ lạc thuộc khu vực Sistan-Baluchistan. Kết quả là 42 người thiệt mạng trong đó có Nouri-Ali Shoushtari, nhân vật số 2 chỉ huy lục quân của cận vệ cách mạng. Cần phải nhớ rằng vệ binh cách mạng là cột trụ của lực lượng quân sự ở Iran, chịu sự chỉ huy trực tiếp của giáo chủ và là lực lượng chính tham gia vào việc bảo vệ các cơ sở hạt nhân của nước này. Vụ tấn công tự sát đã châm ngòi cho một không khí căng thẳng mới khi Iran chỉ đích danh Mỹ và Pakistan đứng sau biến cố đẫm máu này và trong ngày thứ hai vừa qua đã gửi thư lên Hội đồng Bảo an đề nghị Liên hợp quốc đề nghị tổ chức quốc tế này "lên án mạnh mẽ" hành động man rợ nói trên. Nouri-Ali Shoushtari, Phó chỉ huy lục quân của cận vệ cách mạng Iran cũng bị thiệt mạng. Ảnh: Reuters Nhìn một cách rộng hơn, toàn bộ khu vực ráp ranh giữa Afghanistan, Iran và Pakistan đều có một điểm chung: hội đủ điều kiện cho những khuynh hướng ly khai và cực đoan phát triển. Đây là một vùng núi non vô cùng hiểm trở, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, dân cư lại sống trong tình trạng bộ lạc, với quyền tự trị rất lớn và khả năng quản lý rất hạn chế của các chính quyền trung ương. Không những thế, ở đây lại tiềm ẩn những mâu thuẫn không dễ gì giải quyết về mặt sắc tộc (người thiểu số ở các vùng núi cao và sắc dân đa số), tôn giáo (người Hồi giáo Shi'a và Sunni). Ngoài ra, còn có những "tồn tại lịch sử". Nếu liên kết tất cả các "đầu mối" của những vụ tấn công khủng bố nói trên, có thể nhận thấy mối liên hệ của những tên này với hai tổ chức chính: Al-Qaeda và phong trào Taliban Pakistan. Theo một nghiên cứu công bố trên tờ L'Express, Taliban Pakistan là một "liên quân" gồm lực lượng Taliban Pakistan của Baitullah Mehsud, người mới bị giết hồi tháng 8 vừa qua, các nhóm của Jalaluddin Haqqani và những nhóm từ Afghanistan. Rất nhiều chỉ huy cao cấp hoặc chiến binh của những nhóm này từng là những "anh hùng" trong cuộc "thánh chiến" hồi thế kỷ trước và cho đến tận rất gần đây, giới thạo tin vẫn nói về những hỗ trợ của lực lượng an ninh Pakistan cho những nhóm này (một tình thế kiểu "nuôi ong tay áo", khởi âm binh nhưng lại không "quản" được âm binh). Tất cả những diễn biến cho thấy sau những nỗ lực của Mỹ và đồng minh, các lực lượng cực đoan không hề suy yếu, thậm chí còn mạnh lên và đủ sức chủ động thách thức các lực lượng chính phủ. Và theo một quy luật chung, chủ nghĩa ly khai và cực đoan không bao giờ chấp nhận giới hạn trong một địa bàn hạn chế. Tình hình trong khu vực càng trở nên phức tạp hơn khi trong tuần trước, mặc dù mới nhận được giải Nobel Hòa bình nhưng Tổng thống Obama vẫn phải quyết định hỗ trợ thêm một lực lượng hơn một vạn người cho Afghanistan, một giải pháp trung dung trước đòi hỏi một đợt tăng quân gần 4 vạn từ phía những chỉ huy chiến trường Mỹ và theo thông báo mới nhất của các cơ quan điều tra thuộc Liên hợp quốc thì đã có hơn 100.000 phiếu bầu có dấu hiệu gian lận trong cuộc bầu cử ở Afghanistan vừa qua. Điều đó cho thấy hiệu quả của những gì mà phương Tây đã tiến hành ở khu vực này là hết sức khiêm tốn. Đó là chưa kể tới sự hiện diện của hai sức mạnh lớn mà trong nhiều điểm không hề đồng thuận với Mỹ và đồng minh: Nga và Trung Quốc. Vậy mà, hai trong số các quốc gia đang có bất ổn nói trên lại đang sở hữu năng lượng hạt nhân. Trước tình hình hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu các siêu cường có chấp nhận hy sinh quyền lợi của mình cho một giải pháp win-win để giải quyết về cơ bản các vấn đề của khu vực này, nếu không, chắc chắn khu vực này sẽ trở thành một trái bom đang chực nổ tung. Lương Xuân Hà

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20091021042150290p30c86/khi-trai-bom-chuc-no.htm