Khi Trung Quốc loay hoay tìm lối thoát

Hầu hết các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đều thừa nhận rằng việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong tương lai là điều chắc chắn. Đó là lý do Trung Quốc cần một lối thoát ở thời điểm hiện tại, và có vẻ như nước này đang chọn giới khởi nghiệp (startup) như một giải pháp khả dĩ để thoát khỏi tình trạng bị bao vây bởi các khó khăn kinh tế hiện nay.

Lufax là một startup tài chính hoạt động trực tuyến trên internet ở Trung Quốc

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua những ngày tồi tệ nhất trong vòng hơn 25 năm trở lại đây, khi tăng trưởng GDP đạt mức thấp nhất kể từ năm 1990 trong khi các sức ép về tài chính, thị trường chứng khoán (TTCK), nợ công và thoái vốn đầu tư đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới như Stiglitz hay George Soros đều thừa nhận rằng việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong tương lai là điều chắc chắn. Đó là lý do Trung Quốc cần một lối thoát ở thời điểm hiện tại, và có vẻ như nước này đang chọn giới khởi nghiệp (Startup) như một giải pháp khả dĩ để thoát khỏi tình trạng bị bao vây bởi các khó khăn kinh tế hiện nay. Nhưng, liệu hy vọng đó có thực sự khả thi?

Có nhiều lý do để giải thích vì sao Trung Quốc lại chọn các công ty khởi nghiệp (startup) như một giải pháp khả dĩ cho nền kinh tế nước này ở thời điểm hiện tại. Do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi thị trường (theo thống kê khoảng 1.000 tỉ USD trong năm 2015) dẫn đến sức ép về tỷ giá đồng nội tệ, các nhà máy thì đóng cửa và tình trạng thất nghiệp gia tăng. Mặc dù các tập đoàn và doanh nghiệp lớn Trung Quốc đã tích cực đầu tư ra thị trường nước ngoài, nhưng các thương vụ chủ yếu là mua lại các thương hiệu lớn này không thể giải quyết được các vấn đề nội tại trong nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Trong tình thế đó, việc đầu tư vào giới startup có thể là một giải pháp hiệu quả để giải quyết phần nào các vấn đề trên của Trung Quốc. Các công ty khởi nghiệp với lĩnh vực hoạt động đa dạng, mới mẻ, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ với tiềm năng lớn về giá trị gia tăng và tạo công ăn việc làm có thể cùng lúc giải đáp phần lớn các vấn đề trên. Tiềm năng của giới startup là điều không thể phủ nhận, chẳng hạn như giới startup Ấn Độ trong năm 2015 đã đem về lợi nhuận khoảng trên 7 tỉ USD. Chưa có con số thống kê cụ thể ở Trung Quốc về mức độ lợi nhuận, nhưng chắc chắn giới startup của nước này đang nhận được mức đầu tư từ các quỹ tài chính thuộc diện cao nhất trên thế giới.

Theo thống kê của Tech in Asia, tổng giá trị các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc trong năm 2015 đã lên tới 41,8 tỉ USD, trong khi tổng mức đầu tư vào giới startup trong phần còn lại của châu Á chỉ là 13,5 tỉ USD. Có thể hình dung được con số đầu tư vào giới startup Trung Quốc này lớn đến thế nào khi so sánh với tổng giá trị quỹ hỗ trợ mà chính phủ Ấn Độ vừa công bố cho giới startup nước này chỉ là 1,5 tỉ USD, mà còn là tổng mức đầu tư sẽ được rải dần trong vòng 5 năm tới.

Tiềm năng của các công ty khởi nghiệp vì thế đang nhận được sự quan tâm lớn của chính phủ Trung Quốc vừa như một lối thoát cho nền kinh tế, vừa như một bước trong kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức của nước này. Theo đó, Trung Quốc thậm chí còn đi trước Ấn Độ trong việc thiết lập nền tảng hỗ trợ giới startup, khi vào đầu năm 2015 chính phủ nước này công bố một quỹ khởi nghiệp trị giá 6,5 tỉ USD.

Một thứ trưởng của Bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc cho biết trong một buổi họp báo rằng nước này tính đến năm 2014 đã có tới 1.600 vườn ươm công nghệ trên khắp toàn quốc, với 80.000 dự án khởi nghiệp tạo ra khoảng 1,75 triệu việc làm. Vào tháng 6.2015 bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc đã công bố danh sách 281 vườn ươm công nghệ sẽ nhận được ưu đãi về thuế. Đồng thời, chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng đang đưa ra những đề nghị trợ cấp trị giá hơn 600.000 nhân dân tệ (khoảng 100.000 USD) cho các công ty công nghệ đạt chuẩn.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng lớn lao vào giới startup này của chính phủ Trung Quốc cũng đang đối mặt với những thách thức lớn. Tiềm năng lớn của giới startup Trung Quốc là không thể phủ nhận, nhưng nó cũng đang đối mặt với những khó khăn rất lớn và nhất là có vẻ như nó đang bị thổi phồng về tiềm năng một cách hơi quá đà.

Đầu tiên là nguồn vốn đầu tư rót vào các công ty khởi nghiệp của nước này đang thấp hơn nhiều so với con số thống kê trên giấy tờ. Chẳng hạn như tại Thượng Hải, lượng vốn đầu tư rót vào các dự án startup tại thành phố này trong năm 2015 chỉ đạt khoảng 18% con số được cam kết. Thực trạng này được xem là gần giống với việc các dự án đầu tư đang rút khỏi thị trường Trung Quốc ồ ạt trong năm vừa qua, chủ yếu là do nền kinh tế nước này giảm tốc dẫn đến các khoản đầu tư nước ngoài đều bị giảm mạnh trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong giới startup.

Hai thách thức lớn khác đối với giới startup Trung Quốc là sức ép cạnh tranh từ phía khu vực doanh nghiệp nhà nước, và các tập đoàn công nghệ lớn của nước này mà điển hình là 3 gã khổng lồ Baidu, Alibaba và Tencent. Trước hết là sức ép cạnh tranh từ phía khu vực doanh nghiệp nhà nước. Ở thời điểm hiện tại, khối quốc doanh đang thực sự là một kẻ khổng lồ trong nền kinh tế Trung Quốc, với tổng số 155.000 doanh nghiệp, với tổng giá trị khoảng 16.000 tỉ USD, chiếm 17% việc làm tại các đô thị, 22% doanh số công nghiệp và 38% giá trị công nghiệp của cả nước.

Lĩnh vực hoạt động của khối quốc doanh Trung Quốc trải rộng khắp các lĩnh vực, từ sản xuất thép cho tới kinh doanh khách sạn và thậm chí là cả công nghệ. Bất kỳ một ý định tham gia nào vào lĩnh vực đang có mặt của các doanh nghiệp quốc doanh của giới startup cũng sẽ nhanh chóng bị đè bẹp. Đây được xem là bất lợi lớn mà chỉ giới startup Trung Quốc gặp phải, do trong hầu hết các nền kinh tế lớn, ít có quốc gia nào sở hữu một hệ thống doanh nghiệp nhà nước đồ sộ như ở Trung Quốc.

Nhưng thách thức lớn nhất với giới startup Trung Quốc lại đến chính từ những người tiền nhiệm của nó, những tập đoàn công nghệ khổng lồ vốn cũng từng có xuất phát điểm là các startup và giờ đây đang nắm quyền chi phối toàn bộ nền công nghệ của nước này. Điển hình là 3 ông trùm đầy quyền lực Baidu, Alibaba và Tencent. Dù cả 3 tập đoàn này đều tập trung vào một mảng thế mạnh của mình, như Baidu là tìm kiếm, Alibaba là thương mại điện tử, còn Tencent là truyền thông xã hội; nhưng về cơ bản 3 gã khổng lồ này đều mở rộng phạm vi kinh doanh rất đa dạng.

Nếu như giới startup Mỹ bị chi phối bởi bộ tứ khổng lồ là Facebook, Google, Amazon và Apple, thì sự chi phối của bộ ba tập đoàn được mệnh danh là “BAT” ở Trung Quốc cũng tương tự, thậm chí là có mức chi phối lớn hơn. Với quy mô khổng lồ và trình độ công nghệ cao, 3 tập đoàn này dễ dàng sao chép ý tưởng của các công ty khởi nghiệp cho các sản phẩm của mình và tung ra mạnh mẽ hơn nhằm chiếm lấy thị trường.

Ở Mỹ thì các startup còn có thể được bảo vệ về bản quyền trí tuệ bởi luật pháp, còn ở Trung Quốc thì khó khăn hơn nhiều để các startup nhỏ bé chống lại các tập đoàn công nghệ đầy quyền lực và có nhiều quan hệ với các quan chức. Ngoài ra, các startup mới khởi nghiệp cũng dễ dàng bị ba gã khổng lồ trên thâu tóm nếu muốn. Sự chi phối của nhóm BAT này đang khiến cho thị phần và cơ hội của các startup Trung Quốc đang rơi vào tình trạng méo mó.

Ngoài ra, dường như tiềm năng của giới startup trong việc giải quyết các vấn đề của nền kinh tế cũng không lớn như những gì chính phủ Trung Quốc mong đợi. Hai giám đốc điều hành quỹ Changwei Capital là Sha Ye và Eric Li cho rằng: “Internet có thể làm tăng lưu lượng thông tin của xã hội và tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, nhưng vẫn chưa chắc chắn được việc nó có hiệu quả tới mức nào trong việc tăng năng suất và việc làm”.

Trên thực tế, số nhân lực hoạt động tại thung lũng Silicon ở Mỹ vốn được xem là hình mẫu của một trung tâm công nghệ cao trên toàn cầu cũng chỉ có khoảng 1 triệu nhân viên công nghệ. Vì thế kỳ vọng vào giới startup trong việc tạo nhiều công ăn việc làm và ổn định nền kinh tế là khá mơ hồ, kể cả một quốc gia đứng đầu thế giới về startup như Mỹ thì động lực chính của nền kinh tế và giải quyết công ăn việc làm vẫn là sản xuất công nghiệp và dịch vụ, chứ không phải là công nghệ.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/Khampha, Bizlive)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/khi-trung-quoc-loay-hoay-tim-loi-thoat-285324.html