Khi xăng gánh thuế môi trường

Dư luận xôn xao với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính vừa công bố. ..

Theo đó, đối tượng chịu thuế bên cạnh những sản phẩm, xăng dầu đã nêu ở luật còn bổ sung thêm xăng E5 và xăng E10. Đáng chú ý, ngoại trừ sản phẩm dầu hỏa, khung mức thuế tính trên mỗi đơn vị xăng, dầu đã tăng đáng kể so với quy định hiện hành tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường. Theo đó, khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay. Nhiên liệu bay bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 - 3.000 đồng/lít.Dầu diezel từ mức hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít thì dự kiến bị đẩy lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg. Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700 - 7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít xăng E10. Một loại sản phẩm khác là túi ni-lông cũng bị đẩy mức thuế bảo vệ môi trường lên rất cao, từ 30.000 - 50.000 đồng/kg lên 40.000 đồng - 80.000 đồng/kg.

Vẫn biết xăng dầu khi chạy máy, xe sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng liệu ô nhiễm môi trường chỉ do xăng dầu gây ra? Xét về mặt công bằng xã hội, những thứ khác gây ô nhiễm môi trường có phải đóng thuế?

Ở một góc độ khác, mặt hàng xăng dầu đang gây ảnh hưởng cho môi trường không khí nhưng nó là một phần của cuộc sống phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vậy liệu chúng ta đã có giải pháp nào bảo vệ môi trường không khí ngoài chuyện hạn chế tối đa phương tiện vận chuyển cá nhân? Hơn nữa, khi tăng thuế áp với mặt hàng xăng dầu sẽ có những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân. Giá xăng tăng sẽ kéo theo các mặt hàng khác tăng theo, chưa kể chuyện “tát nước theo mưa” đến cắt tóc cũng tăng khi giá xăng dầu tăng.

Người dân không tính được 1 năm Bộ Tài chính sẽ thu được bao nhiêu tiền từ thuế bảo vệ môi trường, chắc chắn là không nhỏ nhưng câu hỏi đặt ra là khi thuế môi trường từ túi người dân sẽ làm gì, có chi cho việc bảo vệ môi trường không và liệu môi trường có được bảo vệ tốt hơn, ô nhiễm giảm hẳn bằng các khảo cứu chính xác từ các nhà khoa học?

Xã hội đang cần sự rành mạch và để có được lòng tin của người đóng thuế lại rất cần sự công khai minh mạch. Công khai và minh bạch ngay trong dự thảo đề án khi chưa đi vào thực hiện. Dự thảo cần đánh giá một cách chi tiết chứ không thể nói chung chung là tăng thuế để bảo vệ môi trường dù ai cũng hiểu nguyên tắc người xả thải phải trả tiền trong bảo vệ môi trường,

Theo dõi qua các năm, từ năm 2012 - 2016, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định (tổng số thu thuế BVMT năm 2012 là 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng; năm 2016 đạt 40.168 tỉ đồng) chiếm tỉ trọng 1,5%-4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỉ trọng 0,3%-0,9% trên GDP hằng năm. Trong khi đó, năm 2010, tổng chi sự nghiệp môi trường là 6.200 tỉ đồng, năm 2011 chi 7.600 tỉ đồng, năm 2012 tăng lên 9.000 tỉ. Đến năm 2014, tổng chi sự nghiệp môi trường là gần 10 ngàn tỉ đồng và năm 2015 là hơn 11 ngàn tỉ đồng còn số chi năm 2016 khoảng 12.200 tỉ đồng.

Rõ ràng chuyện hiệu quả trong sử dụng thuế bảo vệ môi trường là chuyện cần bàn và làm rõ. Khi có chênh lệch thu chi nói trên cũng là vấn đề gây băn khoăn trong dư luận cần được xem xét, nhất là khi thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng xăng dầu chỉ là một phần trong nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường. Khi sự băn khoăn của dư luận chưa được sáng tỏ thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường qua giá xăng càng là điều khó thuyết phục để có được niềm tin trong xã hội.

Lê Quý

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khi-xang-ganh-thue-moi-truong-n127297.html