Khó khăn của phòng thí nghiệm trọng điểm

Các phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu những hướng mũi nhọn, có tính chiến lược. Thế nhưng hiện nay, sau nhiều năm hoạt động, thiết bị tại các PTNTĐ đều đã quá cũ, lạc hậu, không đáp ứng hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học.

Hiện Việt Nam có 16 PTNTĐ đang được khai thác sử dụng, hoạt động theo hình thức được Nhà nước cấp kinh phí hằng năm; được hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển để thực hiện các dự án đầu tư do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cơ chế đặt hàng trực tiếp từ Nhà nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH và CN)... Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều năm nay các PTNTĐ đều phải tự "bươn chải" để duy trì hoạt động. Số tiền Nhà nước cấp cho mỗi PTNTĐ mỗi năm trung bình hơn một tỷ đồng, chỉ đủ trả lương và thực hiện những đề tài nhỏ. Thậm chí tại một số PTNTĐ, các hệ thống, máy móc đều quá cũ và hư hỏng nặng, không thể sử dụng.

PGS, TS Chu Hoàng Hà, Giám đốc PTNTĐ Công nghệ gien cho rằng, các PTNTĐ mới chỉ được đầu tư trang, thiết bị trọng điểm, chứ không phải là đầu tư cho hoạt động của một PTNTĐ, cho nên hiệu quả không như mong đợi. Riêng đối với nghiên cứu về gien có tính đặc thù thường mất thời gian dài (từ 10 đến 15 năm) và cần máy móc hiện đại. Thế nhưng tại Việt Nam, việc thực hiện đề tài, dự án lại theo "giai đoạn" khoảng 5 năm, kinh phí còn thấp, máy móc lạc hậu, vì vậy khó có thể có được những nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Thậm chí với cơ chế đặt hàng từ Nhà nước, hầu như các PTNTĐ đều không nhận được, một vài đơn vị "kêu" nhiều quá thì được giao từ một đến hai đề tài rồi... thôi.

Hiện các PTNTĐ đều đang hoạt động "cầm chừng", hằng năm sử dụng một phần tiền được cấp để "cứu sống" một số thiết bị cần thiết phục vụ cho nghiên cứu. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến việc nghiên cứu, khai thác sử dụng các thiết bị tại các PTNTĐ còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở mức một phòng thí nghiệm của ngành.

PGS, TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc PTNTĐ Công nghệ lọc, hóa dầu cho rằng, nhiều thiết bị được đầu tư, sử dụng hơn 13 năm cho nên đã quá lạc hậu, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nghiên cứu. Việc duy tu bảo dưỡng cũng gặp nhiều khó khăn, bởi với những thiết bị giá trị lớn, tiền sửa chữa tốn hàng trăm triệu đồng mỗi năm và vì thế PTNTĐ cho dù hoạt động có hiệu quả cũng khó có đủ nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu lớn khi hàng loạt thiết bị đã xuống cấp trầm trọng. Nguyên Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân cho biết thêm, hoạt động của các PTNTĐ yếu kém do quá trình đầu tư dài, dẫn đến các trang, thiết bị cũ và mới không tương thích, phù hợp trong nghiên cứu. Bởi vậy, các PTNTĐ đang hoạt động "cầm chừng" rất khó để có thể thực hiện được những mục tiêu nghiên cứu đúng tầm PTNTĐ quốc gia.

Để tăng hiệu quả hoạt động của các PTNTĐ, ngày 8-7-2008, Bộ KH và CN ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của PTNTĐ, quy định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và nguyên tắc hoạt động của PTNTĐ. Trong đó, quy định PTNTĐ hoạt động theo phương thức mở; phải thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH và CN công lập theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ; có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng. Tuy nhiên, mặc dù quy chế được Bộ KH và CN ban hành, hầu hết các PTNTĐ đều chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện một phần. Một lãnh đạo Bộ KH và CN cho biết, cơ chế "mở" của PTNTĐ để phục vụ tất cả các nhà khoa học có nhu cầu vào nghiên cứu. Tuy nhiên, các PTNTĐ từ trước đến nay vẫn hoạt động theo phương thức "đóng", chưa có quy chế để các nhà khoa học thuộc nhiều đơn vị khác nhau có thể sử dụng chung thiết bị, chưa quy định điều kiện sử dụng, mức phí... vì thế không thể khai thác và sử dụng hiệu quả trang, thiết bị, cơ sở vật chất mới, dẫn đến tình trạng "đóng" như hiện nay.

Theo một lãnh đạo Bộ KH và CN, sắp tới Bộ sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành rà soát toàn bộ hoạt động các PTNTĐ, xác định lại phòng thí nghiệm nào đáp ứng được theo lĩnh vực ưu tiên của giai đoạn phát triển sắp tới của nền kinh tế thì tiếp tục hoàn thiện và để lại, còn phòng nào không phù hợp thì bàn giao cho đơn vị chủ trì để tiếp tục khai thác theo hoạt động thường xuyên của ngành khoa học công nghệ. Ngoài ra, Bộ KH và CN đang tiến hành xây dựng tiêu chí, phương pháp đánh giá các PTNTĐ, sau đó sẽ xây dựng danh mục Phòng thí nghiệm ưu tiên và đề xuất Chính phủ hỗ trợ, đầu tư tập trung cũng như giao những nhiệm vụ KH và CN quan trọng quốc gia để triển khai thực hiện, tạo ra những kết quả nghiên cứu xứng tầm PTNTĐ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/33758702-kho-khan-cua-phong-thi-nghiem-trong-diem.html