Khó khăn trong nâng cấp hạ tầng giao thông tại Cao Bằng

Nhiều năm qua, tỉnh Cao Bằng nỗ lực phát triển kinh tế bằng những mũi nhọn là cửa khẩu, nông nghiệp và du lịch với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,13%. Tuy nhiên, hệ thống giao thông (HTGT) phát triển thiếu đồng bộ đang là một cản trở lớn, đòi hỏi sớm được hỗ trợ, tạo điều kiện nhằm xây dựng, nâng cấp trong thời gian tới.

Giao thông từ lâu là một trở ngại lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng. Cách đây 10 năm, khi những tuyến quốc lộ (QL) nội tỉnh đầu tiên được nâng cấp xây mới đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương trong tỉnh. Chị Nông Thanh Huyền, tiểu thương ở chợ thị trấn Trùng Khánh chia sẻ: “Từ ngày QL3 được cải tạo, giao thông thông suốt nên gia đình tôi buôn bán đông khách hơn, nhất là khách du lịch”. Huyện Trùng Khánh là địa phương giáp biên có khu kinh tế cửa khẩu Pò Peo, lại nổi tiếng với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Thiền viện Trúc Lâm Bản Giốc và đặc sản hạt dẻ. Tiềm năng là vậy, nhưng phải chờ khi QL3 đoạn qua địa phương được xây mới, huyện mới phát triển được kinh tế hàng hóa, kinh tế du lịch, đời sống của người dân khấm khá lên. Hiện nay, Trùng Khánh đang là tâm điểm phát triển kinh tế du lịch của Cao Bằng, trung bình đón khoảng 60 nghìn lượt khách/năm, doanh thu ước hơn hai tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân đạt 14,91%/năm. Pò Peo, nhờ giao thông thông suốt, cũng trở thành một trong sáu cửa khẩu phụ, điểm thông quan ở biên giới Cao Bằng được lựa chọn thực hiện thí điểm tái xuất hàng hóa thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu của Chính phủ.

Thế nhưng, đây chỉ là câu chuyện riêng của Trùng Khánh. Hiện nay, HTGT kết nối quan trọng để giúp Cao Bằng “trở mình” vẫn đang ì ạch đổi mới. Tuyến đường từ cửa khẩu Trà Lĩnh đến TP Cao Bằng kết nối hai tuyến hành lang trung tâm theo QL 3 và QL 4A với các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, TP Hà Nội; Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng đều là loại đường cấp thấp (cấp IV miền núi), đã xuống cấp. QL4A hằng ngày oằn mình “phục vụ” lưu lượng xe tải, xe công-ten-nơ hạng nặng đưa hàng từ Lạng Sơn sang Cao Bằng đang hư hỏng nặng. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Bằng Hoàng Văn Thạch cho biết: “Con đường này không những xuống cấp từ nhiều năm mà còn quá hẹp, chỉ cần một chiếc xe tải trọng lớn gặp hỏng hóc thì tắc đường có khi nhiều ngày mới giải tỏa được. Nguy cơ tai nạn, gián đoạn giao thông thường xuyên dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế cho tỉnh”.

Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đề ra nhiều giải pháp mạnh mẽ để cải cách hành chính, thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, nhất là phát triển kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp, du lịch… Thế nhưng, tiêu chuẩn đường vẫn ở mãi vị trí “cấp thấp”, khiến giao thông Cao Bằng rơi vào “bế tắc”, không thể đáp ứng đủ và an toàn cho nhu cầu vận tải. Hơn nữa, Cao Bằng vốn chỉ có một loại hình kết nối giao thông duy nhất là đường bộ, các loại hình giao thông khác không phát triển được do điều kiện tự nhiên không cho phép hoặc chưa được đầu tư. HTGT phục vụ kết nối Cao Bằng với các tỉnh khác gồm năm tuyến quốc lộ dài 536 km, trong khi HTGT nội tỉnh dài khoảng 4.000 km. Ông Hoàng Văn Thạch nói: “Giao thông trên QL4A và nhiều tuyến khác đang quá tải trầm trọng, việc nâng cấp là rất cấp thiết để đáp ứng nhu cầu hiện tại và nhiều năm tiếp theo”.

Cao Bằng đang rất cần liên kết vùng để giảm khó khăn, phục vụ phát triển kinh tế. Tiềm năng của địa phương dễ nhận thấy nhưng do đặc thù địa hình địa lý, việc đến với Cao Bằng luôn bị trở ngại khi QL3 rất hiểm trở, QL4A từ Lạng Sơn sang lại hư hỏng. Lợi thế về mặt địa lý nằm trên lộ trình gần nhất kết nối phía tây Trung Quốc và các nước ASEAN, khả năng phối hợp cùng các địa phương khác trong vùng Tây Bắc hình thành cực phát triển đối trọng và kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của tây và tây nam Trung Quốc ngày càng bị lu mờ chỉ bởi giao thông “chậm tiến”. Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho tiếp tục triển khai nâng cấp toàn tuyến QL4A theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có lộ trình triển khai xây dựng tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng, nhất là đoạn kết nối Trà Lĩnh - Đồng Đăng, xây dựng mới tuyến đường nối cao tốc Chợ Mới (Bắc Cạn) lên Cao Bằng và đầu tư nâng cấp QL34, đường vành đai và kè sông, suối biên giới. Đây là lối mở cho phát triển kinh tế - xã hội Cao Bằng trong tương lai.

Trước những mong muốn cấp thiết của Cao Bằng, tháng 1-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc trực tiếp tại tỉnh đã đồng ý về chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, QL4A mới chỉ được bố trí vốn bảo trì đường bộ để sửa chữa mặt đường. Ông Hoàng Văn Thạch nhấn mạnh: “Chúng tôi bảo đảm chỉ cần giao thông thông suốt sẽ trở mình mạnh mẽ bởi Cao Bằng có đủ tiềm năng, có đủ khát khao phát triển”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32800002-kho-khan-trong-nang-cap-ha-tang-giao-thong-tai-cao-bang.html