Khó khăn trong triển khai quy hoạch điểm đỗ xe công cộng

Theo Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh phải đạt từ 2 đến 5% diện tích đất xây dựng đô thị. Thế nhưng, tổng diện tích các điểm đỗ xe hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,21% diện tích đất xây dựng đô thị. Nguyên nhân là do tiến độ triển khai xây dựng các điểm đỗ quá chậm, không đáp ứng mục tiêu, yêu cầu.

Dự án kiên cố hóa kênh mương làm bãi đỗ xe trên phố Nguyễn Khánh Toàn bị biến thành nhà hàng, quán ăn. Ảnh: ĐĂNG ANH

Năm 2003, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 165/2003/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020. Theo quyết định này, đến năm 2020, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh phải đạt từ 2 đến 5% diện tích đất xây dựng đô thị, tức là khoảng 796 ha.

Ngoài việc xác định chỉ tiêu diện tích này, quy hoạch đề xuất 34 điểm đỗ xe trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy và Tây Hồ nhằm từng bước thay thế các điểm đỗ xe dưới lòng đường. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, sau gần 15 năm quy hoạch được phê duyệt, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh vẫn rất thấp và số dự án điểm đỗ được triển khai cũng ít về số lượng và chậm về tiến độ.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, trong số 34 điểm được đề xuất xây dựng bãi đỗ xe công cộng, chỉ có bốn điểm đã được đầu tư, bảy điểm đã chuyển đổi chức năng có lồng ghép bãi đỗ xe ngầm hoặc là chuyển đổi hẳn mục đích sang làm công viên, đường giao thông. Sáu điểm khác đã có nhà đầu tư, nhưng chưa triển khai thực hiện và còn lại 16 điểm thì vẫn “nằm trên giấy”. Bên cạnh quy hoạch này, các cơ quan chức năng và các quận, huyện đã xác định vị trí triển khai khoảng 95 dự án bãi đỗ xe. Nhưng hiện tại cũng chỉ có 21 dự án đã hoàn thành, 15 dự án đang triển khai thi công, còn lại 59 dự án chưa đầu tư. Trong số này, có nhiều dự án đã được các nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu hoặc đã được thành phố chấp thuận chủ trương từ nhiều năm trước, nhưng chưa được triển khai đầu tư.

Bức xúc hơn nữa khi có những dự án giao cho nhà đầu tư thực hiện nhưng đã bị triển khai sai mục đích, khiến hàng chục nghìn m2 đáng lẽ để làm nơi trông giữ phương tiện phục vụ nhân dân lại bị biến thành các quán ăn, nhà hàng và những dịch vụ khác. Điển hình như những sai phạm tại hai dự án cống hóa mương thoát nước làm bãi đỗ xe tại phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) và phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình). Có những dự án chuyển đổi chức năng cho dù là có lồng ghép bãi đỗ xe ngầm, nhưng thực tế không có khả năng đáp ứng nhu cầu đỗ xe công cộng. Bởi diện tích đỗ xe ấy nhiều khi còn không đủ để phục vụ nhu cầu của chính bản thân công trình.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Ngô Quý Tuấn cho biết: Quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định 165/2003/QĐ-UBND của UBND thành phố mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc bố trí điểm đỗ, xác định chỉ tiêu mạng lưới theo từng khu vực và dự báo nhu cầu quỹ đất dành cho giao thông tĩnh. Đồ án quy hoạch chưa xác định cụ thể về vị trí và quy mô từng bãi đỗ, điểm đỗ xe tại các quận, huyện cho nên để triển khai đầu tư mất rất nhiều thời gian (như phải lập quy hoạch chi tiết, thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng…).

Ngay cả những điểm đỗ đã được xác định vị trí cụ thể trong quy hoạch thì phần lớn nằm trong các khu đất đã có công trình xây dựng, do các cơ quan, tổ chức khác nhau quản lý, sử dụng. Thí dụ như các điểm tại Nhà máy Trần Hưng Đạo, Công ty Nhựa Hà Nội, Xí nghiệp xe đạp Thống nhất VIHA... Các bãi đỗ này chỉ thực hiện được khi có các nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng lại tại chính khu đất này. Với những vị trí quy hoạch làm điểm đỗ xe ngầm tuy khả thi hơn về điều kiện mặt bằng (như tại sân Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, Công viên Thống Nhất, Công viên Tuổi trẻ, vườn hoa Hàng Đậu...), thì lại rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Đó là kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu và lại chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn, cho nên nhiều nhà đầu tư e ngại không thực hiện hoặc kéo dài thời gian thực hiện.

Theo đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội, việc triển khai các điểm đỗ xe kém thu hút nhà đầu tư do thành phố gần như không còn quỹ đất sạch, doanh nghiệp muốn làm thì phải cùng các quận, huyện tiến hành giải phóng mặt bằng. Quá trình này gặp rất nhiều khó khăn, bởi có những hộ dân khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng tiến độ dự án. Bên cạnh đó, còn phải nói tới cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư (đã được HĐND thành phố quyết định năm 2013), trong đối tượng được áp dụng chưa có hình thức bãi đỗ xe trên mặt đất, ưu đãi chỉ dành cho bãi đỗ xe ngầm và đỗ xe cao tầng. Hơn nữa, các thủ tục hướng dẫn thực hiện chính sách chưa ban hành, cho nên doanh nghiệp khó được hưởng chính sách. Đối với những bãi đỗ xe đã đi vào hoạt động, doanh nghiệp cũng khó khăn do vốn đầu tư ban đầu lớn, trong khi áp dụng cơ chế thu phí trông giữ phương tiện thì rất lâu mới có khả năng thu hồi vốn…

Triển khai giám sát về vấn đề này, đoàn công tác của HĐND thành phố cũng chỉ ra những hạn chế mà UBND thành phố cần sớm khắc phục. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị của HĐND đề nghị các sở, ngành, địa phương cần làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc triển khai thực hiện quy hoạch nêu trên. Đó là những trách nhiệm về công tác tham mưu thực hiện, quản lý đất đai, quy hoạch, giám sát đầu tư, kiểm tra trật tự xây dựng...

Thời gian tới, các đơn vị cần rà soát lại toàn bộ các dự án, đề xuất thu hồi các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng “ôm đất” không triển khai. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm việc triển khai dự án đúng quy hoạch, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả. Hiện nay, các đơn vị đang triển khai xây dựng Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đề nghị phải có sự rà soát kỹ nhu cầu thực tế, hiện trạng các điểm đỗ cũng như những dự án chưa triển khai; khớp nối chặt chẽ quy hoạch ngành với các quy hoạch phân khu để bảo đảm tính hiệu quả trong đầu tư. Quá trình xây dựng chỉ tiêu, đề xuất vị trí, cần lắng nghe, xem xét các kiến nghị của chính quyền địa phương nhằm bảo đảm sát thực tế, phù hợp điều kiện cơ sở.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33042702-kho-khan-trong-trien-khai-quy-hoach-diem-do-xe-cong-cong.html