Khó khăn tuyển sinh đại học: Nhiều trường chấp nhận 'lỗ'

Việc mở trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề ồ ạt thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy. Một số trường đã phải đóng cửa vì nhiều năm không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, có trường chấp nhận đào tạo 'lỗ' để duy trì ngành đào tạo… Ngoài ra, để tuyển sinh đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã hạ điểm chuẩn khiến dư luận xã hội băn khoăn về chất lượng đầu ra của những cử nhân, kĩ sư tương lai.

Nhiều trường đại học đã dùng mọi biện pháp nhưng cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Ảnh: Thu Dịu.

Khó khăn hơn năm ngoái

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội là 2.500, tuy nhiên, hiện trường này mới tuyển sinh được 80% chỉ tiêu. Nhà trường cũng đã thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 2 là 300 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh đến nhập học cho chỉ tiêu bổ sung không nhiều. Đặc biệt, ngành Công nghiệp và Phát triển Nông thôn của trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội mới chỉ có 10 thí sinh đến nhập học, trong khi đó, chỉ tiêu của ngành này là 45. Ông Trần Văn Chứ, Hiệu trường trường Đại học Lâm nghiệp chia sẻ: “Với số lượng thí sinh đến nhập học ngành Công nghiệp và Phát triển Nông thôn quá ít, nhưng nhà trường vẫn chấp nhận đào tạo “lỗ”, nhằm đáp ứng nguyện vọng của thí sinh cũng như để nhà trường giữ ngành đào tạo”.

Thầy Trần Văn Chứ cho biết thêm: “Năm nay, nhiều trường rơi vào tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh, thậm chí khó khăn hơn năm ngoái. Chỉ một số ít trường đại học tốp đầu là dễ tuyển. Còn một số trường như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủy lợi cũng xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần hai hàng nghìn chỉ tiêu. Theo tôi, để khắc phục tình trạng này, sang năm chúng ta phải thay đổi phương thức tuyển sinh”.

Tương tự tình cảnh này, trường Đại học Tài nguyên Môi trường mới chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của trường là hơn 2.000. Ông Trần Duy Kiều, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên Môi trường chia sẻ: “Hiện nhà trường cũng đang tuyển sinh nguyện vọng bổ sung lần 2, nhưng kết quả không mấy khả quan. Một số ngành năm ngoái tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng năm nay lượng thí sinh đến xác nhận nhập học lại khá ít. Ví dụ, ngành Khí tượng thủy văn biển, ngành Khoa học chỉ có khoảng 5-6 thí sinh đến xác nhận nhập học nhưng nhà trường vẫn đào tạo những ngành này và chấp nhận “lỗ”. Còn một số ngành truyền thống như: Kế toán, Quản trị Du lịch và Lữ hành, Công nghệ thông tin thì nguồn tuyển tương đối ổn. Nhìn chung, công tác tuyển sinh năm nay khó khăn hơn năm ngoái”.

Cũng lâm vào tình trạng khó khăn chung, mùa tuyển sinh năm nay, trường Đại học Mỏ Địa chất cũng tuyển bổ sung khoảng 1.000 chỉ tiêu, tuy nhiên, việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu là điều vô cùng khó khăn. Nhiều trường như: Trường Đại học Tây Nguyên, trường Đại học Tây Bắc, trường Đại học Hùng Vương... cũng thông báo tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu và cũng có những ngành chỉ có vài thí sinh đến nhập học.

Nguyên nhân nhiều trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh một phần do cơ chế, chính sách tuyển sinh, một phần do địa điểm xây dựng trường ở một số địa phương. Ngoài ra, uy tín và điều kiện học tập của một số trường chưa đủ hấp dẫn để thu hút người học, dẫn đến việc nhiều trường không tuyển đủ sinh viên làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Cần giải thể những trường “chết lâm sàng”

Trường Đại học Hà Hoa Tiên được thành thập theo Quyết định số 1276/QĐ-TTg ngày 25/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Trường thuộc Công ty Cổ phần Hà Hoa Tiên đã từng được kỳ vọng là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận. Theo đề án khi thành lập, trường sẽ có khoảng 20.000 sinh viên theo học mỗi năm, nhưng sau vài năm hoạt động, trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 2016, Hội đồng quản trị trường Đại học Hà Hoa Tiên đã quyết định bán lại tài sản gắn liền với đất của trường này cho Tổng cục Chính trị (Bộ Công an).

Phân hiệu trường Trung cấp Y Dược Hà Nam tại Ninh Thuận được thành lập theo Quyết định số 1671 ngày 15/8/2013 của UBND tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, vừa qua UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định giải thể Phân hiệu này sau 4 năm hoạt động. Lý do của việc giải thể là vì khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Theo ông Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), nguyên nhân một số trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong những năm vừa qua các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề được mở ồ ạt. “Hiện một số trường đã “chết lâm sàng”, Nhà nước nên thanh lý sớm để thu hồi vốn và đầu tư cho các cơ sở đủ mạnh và có chất lượng”, ông Nhớ nêu quan điểm.

Ông Thái Bá Cần, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, nhiều năm nay phương thức tuyển sinh của các trường chủ yếu lựa chọn, tìm kiếm những thí sinh có điểm cao vào học các trường đại học tốt. “Tôi không tin những em điểm cao sẽ trở thành những sĩ quan tốt, bác sĩ giỏi, thầy giáo tốt, kỹ sư tốt… Vì vậy, các trường cần nghĩ đến một cách tuyển sinh mới hơn, để học sinh không ngộ nhận về bản thân, xã hội. Từ đó, xã hội không còn suy nghĩ thí sinh đạt 29 điểm mà trượt đại học là một việc phi lý”, ông Cần nhấn mạnh.

Theo quan điểm của GS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.HCM, các trường muốn hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng, Nhà nước cần phải đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng tại các trường. “Công tác đảm bảo chất lượng phải luôn được thực hiện ở các trường, đồng thời, các yếu tố và điều kiện để các trường đạt được kiểm định chất lượng phải thường xuyên được rà soát, kiểm tra và đổi mới. Từ đó, các trường muốn có chất lượng thật sự, cần phải có đầu tư bài bản cho các chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Vì các trường chỉ đầu tư cho thời điểm ban đầu mà sau đó không tiếp tục đầu tư hoặc bỏ lỏng thì sẽ không bền vững”, ông Thành nhấn mạnh.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kho-khan-tuyen-sinh-dai-hoc-nhieu-truong-chap-nhan-lo.aspx