Khô khát vì hạn hán

Thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài, thiếu mưa và nhiệt độ tăng cao từ đầu mùa khô đến nay làm cho hạn hán xuất hiện ở nhiều vùng miền trên cả nước. Khả năng mất mùa vụ lúa đông xuân ở các tỉnh miền Bắc là rất có thể nếu không có các biện pháp đối phó

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, diễn biến mùa khô năm 2009-2010 từ đầu mùa đến nay được xem là năm nắng nóng, thiếu mưa lịch sử. Tính trung bình, nền nhiệt độ trong mùa đông xuân 2009-2010 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 - 2°C, nhiều nơi nhiệt độ thường xuyên trên dưới 30°C như thời tiết giữa mùa hè. Lòng sông Hồng cạn trơ đáy Tình trạng khô hạn càng trầm trọng hơn tại miền Bắc khi cùng với nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao thì lượng mưa cũng ít so với trung bình nhiều năm. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho hay tổng lượng mưa hụt so với trung bình nhiều năm từ 20%-50%, cộng thêm nắng nóng làm bốc hơi nước nhanh khiến mực nước trên các sông, hồ đều đang bước vào cao điểm của khô hạn. Ruộng, vườn cháy khô Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết kế hoạch vụ đông xuân các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm nay có tổng diện tích gieo cấy khoảng 1,13 triệu ha. Tuy nhiên, mục tiêu này đã bị đe dọa bởi tình trạng ruộng cháy khô xuất hiện khắp nơi. Hiện diện tích thiếu nước là trên 15.000 ha, tập trung vào các tỉnh, thành Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội... Trên địa bàn Hà Nội, tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây), mực nước trên sông Đà, sông Hồng rất thấp làm cho các trạm bơm không vận hành được. Mực nước hồ Đồng Mô cũng thiếu hụt 20 triệu m³, nếu không có các trạm bơm tiếp nguồn hỗ trợ thì dung tích nước còn lại chỉ đủ cho ba đợt tưới dưỡng. Đặc biệt, 4.000 ha ở Quốc Oai chưa có nước làm đất, do địa phương gieo cấy lệch lịch thời vụ. Ngoài ra, còn hơn 1.000 ha ở Đan Phượng vẫn chưa có nước. Tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, 50% diện tích gieo cấy là 6.650 ha lúa bị chậm tiến độ do các trạm bơm Đại Định và Bạch Hạc “đắp chiếu” vì mực nước sông Hồng và sông Lô xuống dưới cốt từ 1-1,5 m. Nhiều nông dân trong vùng cho biết từ mấy chục năm qua chưa từng thấy cảnh khô hạn như hiện nay. Để đối phó với tình trạng thiếu nước, nhiều nông dân tại xã Bình Dương, Thượng Trưng, Tân Cương, Cao Đại... đã đào giếng nước giữa ruộng và dùng máy bơm nhỏ hút tưới. Cách làm này phần nào đã giải cơn khát của hàng trăm hecta lúa đến thời vụ gieo cấy. Công ty thủy lợi trên địa bàn cũng tăng cường lắp đặt máy bơm dã chiến tại trạm bơm đầu mối để bơm nước chuyển tiếp từ sông Hồng và sông Lô vào hệ thống kênh chính... Tuy nhiên, nhiều vùng cuối nguồn không còn cách nào khác phải chuyển đổi sang trồng đậu nành và rau màu. Tại Thanh Hóa, do mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm, mực nước các con sông trên địa bàn như sông Mã, sông Bưởi... đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm dẫn đến nhiều máy bơm không thể hoạt động, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới chăm bón 6.000 ha lúa chiêm xuân của huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Để giải cơn khát cho hàng ngàn hecta lúa, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ngăn sông Mã lấy nước chống hạn. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, khó khăn hiện nay là nguồn nước sông Lèn, sông Báo Văn đã bị nhiễm mặn dẫn đến nhiều trạm bơm chỉ hoạt động được 3-5 giờ/ngày... Để bảo đảm nước tưới và tránh mất mùa vì khô hạn, Bộ NN-PTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực VN xả nước đợt ba từ ngày 24 đến 27-2 ở các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang. Tuy nhiên, do mực nước sông Hồng tại Hà Nội vào thời điểm xả chỉ còn 0,2 m nên nhiều máy bơm chỉ đạt được 10.000 m³/giờ. Hỗ trợ nông dân phòng trừ dịch bệnh hại lúa Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, điều đáng lo ngại khác là tình trạng sâu bệnh hoành hành có thể tái diễn như năm 2009. Qua giám định các mẫu lúa ở một số địa điểm tại Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình... đều có triệu chứng của bệnh lùn sọc đen. Các loài rầy hại lúa cũng đã xuất hiện ở Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng... Nhiều loại bệnh hại lúa lần đầu xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc với diễn biến phức tạp và lây lan rất nhanh. Hiện đã có 18 tỉnh, TP thuộc Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc đã phát hiện có lúa nhiễm bệnh, với tổng diện tích lúa bị thiệt hại nặng hơn 30.000 ha. Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng thất thường và nguy cơ đe dọa mất mùa, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ phòng, trừ bệnh hại lúa trên phạm vi cả nước (thời gian hỗ trợ là từ nay đến hết năm 2010). Theo đó, ngân sách Trung ương sẽ chi 100% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ dịch bệnh hại lúa. Hỗ trợ 12 kg gạo/người/tháng để cứu đói cho các hộ nông dân bị thiệt hại do dịch bệnh trên lúa gây ra, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng... Đồng thời, mức hỗ trợ cho các hộ nông dân ở các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) có diện tích lúa bị tiêu hủy do nhiễm bệnh là 4 triệu đồng/ha. Nhiệt độ tăng kỷ lục Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết từ đầu tháng 2 đến nay, tình trạng nắng nóng, nhiệt độ tăng cao phổ biến trên cả nước. Trong đó, nắng nóng đỉnh điểm là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đặc biệt, trong 10 ngày đầu tháng 2, tại miền Bắc, đã xuất hiện đợt nắng ấm kỷ lục chưa từng xảy ra từ trước đến nay, với nhiệt độ cao hơn 7°C so với trung bình hằng năm. Tại khu vực Nam Bộ, nhiệt độ cũng tăng kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm, với nhiệt độ cao hơn 3°C. Ông Hải dự báo trong 10 ngày tới, trên khắp cả nước hầu như không có mưa, nắng nóng và nhiệt độ tiếp tục cao. Các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao như Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ có nhiệt độ 33-36°C, khu vực khác nhiệt độ trên dưới 30°C. T. Dũng Kỳ tới: Đồng khô cỏ cháy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2010022810383579p0c1002/kho-khat-vi-han-han.htm