Khó 'quản' sâm Ngọc Linh giả

Sâm Ngọc Linh ở cả 2 địa bàn Quảng Nam và Kon Tum đang bị kẻ gian tuồn đồ giả vào để 'đánh lận con đen', khiến cho công tác quản lý và thẩm định chất lượng của cơ quan chức năng lẫn người dân đều gặp khó.

“Gọt tỉa” tam thất thành sâm

Thông tin loài đặc hữu sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum thậm chí bị giả đến cả… cây giống được đưa ra tại phiên họp giữa tỉnh Quảng Nam và Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Thanh Niên đã thông tin) khiến nhiều người lo lắng, vì không khéo tốn bộn tiền để mua lại… uống nhầm đồ giả.

Thứ mà gian thương “sử dụng” để đánh lừa người tiêu dùng chính là tam thất, cả củ lẫn cây con.

Theo Sở Công thương quảng Nam, kết quả kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ, điều kiện sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh thời gian qua của các sở, ngành, địa phương liên quan đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm nhằm góp phần bảo vệ danh tiếng, uy tín sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam trên thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Triều, Phó tổng giám đốc Công ty CP thương mại dược sâm Quảng Nam, hiện nay nhiều thương lái chủ yếu từ miền Bắc xuất hiện tại Quảng Nam và Kon Tum (nơi có trồng sâm Ngọc Linh), mang theo củ tam thất để bán nhưng lại quảng cáo là sâm núi Ngọc Linh.

Một gốc sâm núi Ngọc Linh “khủng” được tìm thấy hồi năm 2016 ở Trà Linh, H.Nam Trà My - Ảnh: C.T.V

Để đánh lừa người mua hang, gian thương “gọt tỉa” củ tam thất cho giống củ sâm Ngọc Linh, sau đó cất công đưa hang giả lên vùng trồng sâm rồi thuê người dân địa phương… đưa ngược hang giả về xuôi để bán.

“Có nhiều người thuê xe biển số Quảng Nam lên Kon Tum bán củ tam thất và rêu rao đây là sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Và ngược lại, họ thuê xe biển số Kon Tum đưa củ tam thất bán ở Quảng Nam và cũng khẳng định đây là sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Điều này khiến nhiều người bị mắc lừa, mất tiền mua phải sâm giả”, ông Triều cảnh báo.

Cũng theo ông Triều, sâm củ Ngọc Linh vốn dĩ rất hiếm do nuôi trồng manh mún, nhưng thực tế “cả nước có bán sản phẩm từ sâm Ngọc Linh” thì rõ ràng nguồn hàng bán ra một cách rộng rãi như thế rất dễ bị làm giả.

Xác định theo… cảm nhận

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam, cho rằng hiện nay việc xác định sâm Ngọc Linh thật hay giả chủ yếu dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm thực tiễn của người dân và cán bộ có kinh nghiệm. Tuy nhiên, không thể lấy kết quả “từ cảm nhận” này để làm cơ sở xử lý vi phạm theo quy định.

Ông Sơn cũng thừa nhận việc kiểm định, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm sâm Ngọc Linh từ khâu sản xuất đến khi sản phẩm lưu thông trên thị trường còn khá lúng túng.

“Cả nước hiện chỉ có một trung tâm chuyên kiểm nghiệm sâm đặt tại TP.HCM. Mình nói thiệt, bắt 2 - 3 củ gọi là sâm, rồi đi máy bay vô ra TP.HCM vài lần để nhận kết quả kiểm nghiệm thật - giả, chưa kể không có cơ sở xử lý vi phạm, mà ngay chuyện kinh phí đã thấy... lổ rồi, kinh phí này ai tính đây?”, ông Sơn nói.

Chưa hết, lực lượng quản lý thị trường đang gặp khó trong công tác chống hàng giả đối với sâm Ngọc Linh, do chưa có quy định thế nào là sâm giả - sâm thật để xử lý, xử phạt. Hiện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chưa cấp phép sử dụng sản phẩm sâm Ngọc Linh cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào và cũng chưa có tem chống giả nên chưa có cơ sở để kiểm định.

“Ví dụ bây giờ có các cơ quan khác bắt được vụ vận chuyển mua bán sâm rồi chuyển cho lực lượng quản lý thị trường, thì chắc bên tui cũng không dám giữ, vì đâu có cơ sở nào để chúng tôi giữ mấy củ sâm này”, ông Sơn nói thêm.

Mặc dầu vậy, trước nạn sâm Ngọc Linh bị làm giả, lãnh đạo ngành Công thương Quảng Nam quả quyết đang vào cuộc đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại. Đặc biệt, tập trung làm rõ nguồn gốc sâm núi Ngọc Linh được dùng để chế biến tại các cơ sở chế biến; kiểm tra các đơn vị, cá nhân rao bán sâm núi Ngọc Linh trên internet và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/kho-quan-sam-ngoc-linh-gia-876216.html