Khó thực hiện gấp gáp

Chính phủ buộc các DNNN thoái vốn khỏi NH từ nay đến năm 2015, nhưng việc này cần nhiều thời gian hơn thế.

“Tắc” phía người mua

Sau hơn một năm chào bán, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa thể rút vốn hoàn toàn khỏi ABBank. Tính đến thời điểm hiện nay, EVN còn sở hữu khoảng 16% cổ phần tại NH này. Với nhiều DNNN khác, khả năng thoái vốn ngoài ngành vẫn chưa có nhiều triển vọng sáng sủa tại thời điểm hiện nay. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cũng đang nỗ lực bán toàn bộ 24 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,7% tại Techcombank bằng hình thức đấu giá. Hay Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang đứng trước sức ép thoái 80 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn OceanBank.

QĐ 51 đã có hiệu lực, nhưng quá trình thoái vốn của DNNN diễn ra rất chậm

Trước diễn biến chậm chạp của tiến trình thoái vốn, trong Quyết định 51/2014/QĐ-TTg (QĐ51) của Chính phủ ban hành mới đây ghi rõ, DNNN sở hữu hoặc cùng DNNN khác sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại các NH sẽ được NHNN xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu, hoặc chỉ định một số NHTM Nhà nước mua lại theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với từng trường hợp.

Đối với vốn Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực NH sau khi xử lý theo quy định vẫn không bán được hoặc không bán hết, DNNN báo cáo chủ sở hữu vốn Nhà nước, đề nghị Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xem xét, thỏa thuận mua số cổ phần, phần vốn Nhà nước còn lại theo mức giá không cao hơn giá khởi điểm khi bán thỏa thuận không thành công, hoặc không cao hơn giá bán thỏa thuận thành công.

Tuy nhiên, lãnh đạo của ABBank chia sẻ, thực tế việc thoát vốn khỏi NH của các tập đoàn, tổng công ty dù được “cởi trói: bằng QĐ51, nhưng không thể hoàn thành trong năm 2015 bởi thủ tục rất phức tạp. Cụ thể, để tổ chức mỗi đợt bán đấu giá cổ phần, đơn vị thoái vốn phải mất hơn 1 năm để hoàn thiện thủ tục và các cấp có thẩm quyền liên quan phê duyệt. Trong năm 2014, ABBank và EVN đã cố gắng hoàn tất việc chào bán cổ phần, nhưng chỉ bán được khoảng 6% cổ phần trong tổng số 22% cổ phần mà EVN nắm giữ.

Về chuyện không có người mua cũng rất quan trọng, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, nếu chỉ đầu tư tài chính đơn thuần, việc mua lại cổ phần NH thời điểm này chưa đủ sức hấp dẫn. Do, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các NH rõ ràng là không cạnh tranh với DN ở các lĩnh vực khác. Hoạt động kinh doanh của các NH cũng đang đối mặt nhiều thách thức, đồng thời mức cổ tức NH chia hàng năm không bằng lãi suất gửi tiết kiệm.

Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2014, OceanBank có lợi nhuận sau thuế 46 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ; Techcombank - một trong những NH tư nhân được đánh giá có hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam - có lợi nhuận hợp nhất trước thuế chỉ ở mức 673 tỷ đồng, đạt 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2014…

Cần nỗ lực cả bên bán

Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của nhiều NH khá cô đặc và chồng chéo. Đơn cử tại OceanBank, 4 cổ đông tổ chức chiếm tới 66,65% cổ phần, gồm CTCP Đầu tư và xây dựng Sông Đà hiện sở hữu 26,6 triệu cổ phần, tương ứng 6,65%; CTCP Tập đoàn Đại Dương sở hữu 80 triệu cổ phần, chiếm 20%; Công ty TNHH VNT chiếm 20%; PVN chiếm 20%. Nhiều thông tin cho rằng, chính áp lực tăng vốn giai đoạn vừa qua làm gia tăng sở hữu chéo trong hệ thống NH, kéo theo khó khăn cho việc thoái vốn của NH hôm nay.

Một điểm nữa là độ công khai của các NH vẫn chưa đủ để thuyết phục được NĐT, cùng với áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng lớn… khiến sức hút của NH đang giảm đi nhiều. Ví dụ, OceanBank công bố nợ xấu 6 tháng đầu năm là 5,03%. Hay, dù không công bố con số nợ xấu nhưng ông Đỗ Tuấn Anh, quyền Tổng giám đốc Techcombank nói rõ: “Vì tỷ lệ nợ xấu khá cao nên Techcombank có tỷ lệ dự phòng trên lợi nhuận cao kể từ năm 2012 đến nay”.

Từ những rắc rối hiện hữu, việc thoái vốn tại các NH vẫn chỉ đang ở kế hoạch. Trả lời báo giới, lãnh đạo ABBank lấp lửng: “Lộ trình đến năm 2015 EVN sẽ thoái vốn khỏi NH theo yêu cầu của Thủ tướng, nhưng việc thực hiện đến đâu thì tôi không thể công bố”.

Theo một số chuyên gia, các DNNN muốn bán cổ phần phải chấp nhận lỗ và đây là rào cản của việc thoái vốn Nhà nước. Giả thiết, thời điểm này chẳng bên nào chịu thiệt thì chuyện thoái vốn vẫn sẽ tiếp tục chậm. Thống kê của Bộ Tài chính đến ngày 20/6, số vốn các DNNN thoái khỏi lĩnh vực tài chính là 168,5 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực NH chỉ khoảng 73 tỷ đồng. Các chuyên gia ước lượng, hiện số vốn của các DNNN còn sở hữu tại TCTD khoảng 10.000 tỷ đồng, cho thấy quá trình thoái vốn của DNNN đang diễn ra khá chậm.

Đề cập vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với tình hình trước mắt, mục tiêu tái cấu trúc ngành NH, xóa sổ tình trạng DNNN sở hữu cổ phần nhằm lành mạnh hóa hệ thống sẽ mất thời gian nhiều hơn dự tính. Bởi ngoài việc các NH giờ còn phải tìm kiếm đối tác có năng lực, họ còn phải tìm cách nâng cao năng lực của chính mình.

Quỳnh Chi

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-kho-thuc-hien-gap-gap-25744.html