Khó xử hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Kết quả điều tra người tiêu dùng (NTD) năm 2016 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) vừa công bố cho thấy, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt đang là vấn đề nhức nhối.

Điều này khiến không ít DN mất thị trường, thậm chí phá sản.
Mua hàng Trung Quốc dán nhãn mác hàng Việt
Mới đây, lực lượng chức năng TP Hà Nội qua kiểm tra phát hiện Nguyễn Huy Thọ (quận Nam Từ Liêm) đã sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng…, sau đó dán nhãn mác mang thương hiệu của một số DN Việt Nam sản xuất để tiêu thụ.
Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc kém chất lượng "đội lốt" hàng Việt là hàng nhập lậu thì nay đã xuất hiện tình trạng DN kinh doanh thương mại Việt Nam chủ động sang Trung Quốc đặt hàng, rồi dán nhãn hàng Việt Nam đi đường tiểu ngạch nhập lại vào nội địa để ăn chênh lệch giá. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý NTD, dẫn đến sản xuất của nhiều DN trong nước giảm sút.

Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện vụ sản xuất bao bì giả tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoài Nam

Trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện gần 1.500 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó có không ít vụ hàng Trung Quốc nhập lậu nhưng nhái nhãn hiệu hàng của DN Việt Nam, kể cả những thương hiệu chất lượng cao như Bóng đèn Rạng Đông... Không chỉ có hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu nhập lậu từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt để tiêu thụ, một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng phát hiện tại các chợ đầu mối một lượng lớn hàng nông, thủy sản do Trung Quốc sản xuất nhưng được gắn mác hàng Việt Nam được bày bán công khai.
Đáng lo ngại là đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh trong nước, mà còn tác động không nhỏ tới sự tồn tại và phát triển của DN Việt Nam.
Quy định xử lý chồng chéo
Theo ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, các quy định về hành vi buôn lậu, dán nhãn mác giả... còn chồng chéo nên việc phát hiện xử lý người làm giả xuất xứ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, muốn xử lý đối tượng vi phạm đòi hỏi lực lượng chức năng bắt quả tang nơi sản xuất hàng giả. Nhưng thực tế cho thấy, việc xác định nguồn gốc một lượng lớn hàng nhập lậu "đội lốt" hàng Việt không dễ dàng. Thậm chí, trong quá trình vận chuyển, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, các chủ hàng chấp nhận bỏ của chạy lấy người.
Thực tế chống hàng giả, hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt trong thời gian qua cho thấy, những thông tin, đặc điểm nhận biết giữa hàng thật và hàng giả hiện vẫn chưa được DN cung cấp đầy đủ đến các cơ quan chức năng và NTD, trong khi các phương thức làm giả ngày càng tinh vi. Kiến thức về hàng hóa, sở hữu trí tuệ đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, các công cụ hỗ trợ, thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa chưa được trang bị đầy đủ…
Vì vậy, để từng bước đẩy lùi hàng giả, tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, ngoài nỗ lực của nhà sản xuất, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, bảo đảm huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành. Các nghị định xử phạt hành chính phải thống nhất với Luật Xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, chính bản thân các DN phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối… Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình điều tra hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả mạo nhãn hiệu Việt.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kho-xu-hang-trung-quoc-doi-lot-hang-viet-282548.html