Khó xử lý triệt để vì thẩm quyền chồng chéo

Từ đầu năm đến nay, các ngành, địa phương của TP Hà Nội đã tích cực ra quân thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị 2017. Thế nhưng, chuyển biến mới chỉ được thấy trên lòng đường, vỉa hè. Trên cao, hàng loạt biển quảng cáo quá khổ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, phá vỡ và thách thức các quy định của pháp luật do những vướng mắc trong việc xử lý.

Nhiều thương hiệu lớn vi phạm, thách thức pháp luật

Vừa qua, đoàn công tác liên ngành của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội ra quân thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo ngoài trời. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều vi phạm về kích cỡ của nhiều thương hiệu. Điển hình là biển quảng cáo tại các cửa hàng của Công ty Cổ phần Thế giới di động, ngoài màu sắc nổi bật với nền biển màu đen và dòng chữ "thegioididong.com" màu vàng nằm ở giữa, hầu hết các biển quảng cáo này đều ít nhiều có kích thước lớn hơn so với quy định. Cụ thể, theo quy định của Bộ Xây dựng, biển quảng cáo mặt tiền diện tích không vượt quá 20m², nhưng tại cửa hàng ở địa chỉ số 470 và 472 đường Lê Duẩn, quận Đống Đa, biển quảng cáo của thương hiệu này lại có kích thước lên đến 122,4m², lớn gấp hơn 6 lần so với quy định.

Ngoài ra, một số biển quảng cáo tại các cửa hàng của Công ty Cổ phần Thế giới di động cũng vi phạm quy định như: Cửa hàng ở số 163 đường Đại La (quận Hai Bà Trưng), biển hiệu được bố trí ôm trọn mặt tiền dài hàng chục mét; cửa hàng tại số 233 đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), biển quảng cáo đua ra chiếm gần như trọn vẹn vỉa hè…

Theo ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, các trường hợp xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt hơn 20m² kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. “Quy định như thế, nhưng khi đoàn thanh tra, kiểm tra đến thì không cửa hàng nào của thương hiệu này xuất trình được giấy phép xây dựng. Nguy hiểm hơn, biển quảng cáo thường được làm từ xốp, có hệ thống đèn, dây dẫn điện… nên nếu xảy ra cháy thì thiệt hại rất lớn, giống như vụ cháy tại quán ka-ra-ô-kê 168 đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy”-ông Bùi Minh Hoàng chia sẻ.

Biển quảng cáo của Siêu thị điện máy HC tại số 549 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên (TP Hà Nội) phủ kín mặt tiền tầng 2, chạy dọc cửa hàng.

Ngoài Công ty Cổ phần Thế giới di động, đi trên các tuyến phố của thủ đô Hà Nội, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những tấm biển quảng cáo lớn của các thương hiệu như: Siêu thị điện máy HC (Công ty TNHH Thương mại VHC), Mediamart (Công ty Cổ phần Mediamart), Kangaroo (Tập đoàn Kangaroo), Pico (Công ty Cổ phần Pico) và TranAnh (Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh)… Điểm nổi bật, đồng thời là điểm chung của các biển quảng cáo này là kích thước cực lớn, choán hết bề mặt cửa hàng. Thậm chí, nhiều biển quảng cáo còn trùm lên cả nóc nhà, bao quanh hông nhà. Ngoài vi phạm về Luật Quảng cáo, biển quảng cáo của các hãng trên còn vi phạm Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Gỡ rối trong xử lý vi phạm

Theo ông Bùi Minh Hoàng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan về biển quảng cáo là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, công tác thanh tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, chồng chéo. Theo đó, mức xử phạt đối với mỗi biển quảng cáo vi phạm theo quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ chưa đến 10 triệu/lần/bảng vi phạm.

Ngoài ra, theo luật, ngành văn hóa chỉ chịu trách nhiệm về nội dung trên biển quảng cáo. Do đó, khi phát hiện sai phạm, đoàn thanh tra văn hóa chỉ có thể cuốn bạt nội dung lên, còn phần khung sắt lại thuộc thẩm quyền xử lý của ngành xây dựng. “Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội không phải là đơn vị cấp phép biển quảng cáo, chỉ có thỏa thuận thông báo chấp nhận lô-gô, tên thương hiệu trên biển. Theo luật, các biển quảng cáo từ 20m² trở lên phải được ngành xây dựng cấp phép nhưng lâu nay, Sở Xây dựng TP Hà Nội không hề cấp phép. Chính điều này đã tạo kẽ hở trong xử lý, vì không cấp phép nên không thể thu hồi, điều chỉnh và cưỡng chế được”-ông Hoàng phân tích.

Bên cạnh những vướng mắc trên, một số cán bộ trong đoàn thanh tra, kiểm tra cho rằng, điểm vướng mắc lớn nhất dẫn đến khó xử lý tận gốc vấn đề này là do thẩm quyền chồng chéo. Theo đó, một hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục như buộc tiêu hủy, buộc tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Như thế mới có thể xử lý tận gốc. Tuy nhiên, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, không có quyền ra quyết định xử phạt. Thẩm quyền đó của Chủ tịch UBND các cấp. Chính vì vậy, từ trước tới nay, mỗi lần ra quân xử phạt, ngành văn hóa chỉ phủ bạt che nội dung là xong.

Như đã nêu ở trên, biển quảng cáo quá khổ không đơn thuần chỉ vi phạm quy định về kích cỡ, gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu xảy ra hỏa hoạn. Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần ngồi lại với nhau để phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong cấp phép, quản lý, xử lý vi phạm. Cùng với đó cần nâng chế tài xử phạt, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/kho-xu-ly-triet-de-vi-tham-quyen-chong-cheo-508612