Khó yên với bất cập quản lý kinh doanh vận tải

Để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải yên tâm phục hồi tốt hơn nữa thay vì 'phập phồng lo âu' thì điều quan trọng trong lúc này là cần tránh tồn tại những bất cập trong khâu chính sách quản lý liên quan lĩnh vực này. Và nhất là cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý để không xảy ra trường hợp 'con sâu làm rầu nồi canh' ở một số hãng xe có nhiều vi phạm.

Trong lưu ý mới đây của Cục Đăng kiểm Việt Nam, vẫn còn 31 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và Tp.HCM có nguy cơ ùn tắc phương tiện đến kiểm định trong thời gian tới. Chưa kể, việc phân bố mật độ các trung tâm đăng kiểm không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa.

Bất cập từ đăng kiểm cho đến điều chỉnh lại luồng tuyến

Đây là điều mà các doanh nghiệp (DN) vận tải hết sức quan ngại vì dịp cuối năm và đầu năm là thời điểm nhu cầu vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao. Chính vì vậy, vào hạ tuần tháng 10/2023, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị sớm có giải pháp không để tình trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới vào dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Cần tránh tồn tại những bất cập trong khâu chính sách quản lý kinh doanh vận tải để các doanh nghiệp ở lĩnh vực này phục hồi tốt hơn.

Để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới trong thời điểm hiện nay, Vata kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới vì giá kiểm định xe cơ giới hiện hành đã ban hành từ năm 2013.

Bởi lẽ, theo Vata, qua hơn 10 năm áp dụng đến nay không còn phù hợp khi mà các chi phí đầu vào đều tăng cao như chi phí tiền lương, tiền điện và việc thực hiện một số quy định mới trong công tác kiểm định cũng làm tăng thêm một số khoản mục chi không nhỏ so với trước.

Trong khi đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho một dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Dự thảo này có đưa ra 2 điều kiện bắt buộc cho việc thành lập mới đơn vị đăng kiểm, cùng với đó là việc Sở GTVT ở địa phương thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Ngoài chuyện đăng kiểm, Bộ GTVT cũng đang lấy ý kiến các cơ quan, bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp (DN)... về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đáng chú ý, trong đó có nội dung quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hướng phân cấp, phân quyền cho các Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh.

Tuy nhiên, ngay sau khi đề xuất được đưa ra đã có nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và các DN vận tải. Một số ý kiến cho rằng việc phân cấp quản lý mạng lưới vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định cho các Sở GTVT ở các tỉnh sẽ rút ngắn được quy trình để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của các đơn vị vận tải như việc tăng tần suất chạy xe, hình thành các tuyến vận tải mới.

Tuy nhiên, song song đó là mối lo ngại nhiều hệ lụy khi điều chỉnh lại luồng tuyến vận tải khách cố định. Nhất là mối lo phá vỡ quy hoạch luồng tuyến, nguy cơ “bùng nổ” xe khách chạy xuyên tâm, đặc biệt dễ phát sinh tiêu cực như “xe dù bến cóc” có nguy cơ bùng phát trở lại.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Vata, điều quan trọng đối với các tuyến vận tải khách liên tỉnh cố định mà đã ổn định rồi thì cần phải giữ cho ổn định. Hơn nữa, cần đưa vào nguyên tắc giữa nơi xuất phát và kết thúc của các tuyến mà ở những địa phương đã có quy hoạch tuyến xe đi theo các hướng thì phải giữ vững nguyên tắc đó để vừa đảm bảo cho hoạt động vận tải thuận lợi nhưng cũng đồng thời đáp ứng đảm bảo về trật tự an toàn giao thông.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Ngoài vấn đề về mặt chính sách như trên, nhân vụ việc nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Công ty TNHH Thành Bưởi cũng đang cho thấy vẫn còn những bất cập trong quản lý kinh doanh vận tải hiện nay. Thông tin từ Sở GTVT Tp.HCM vào ngày 30/10 cho biết, Thanh tra Sở đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính công ty này 8 lỗi vi phạm bị phát hiện trong quá trình kiểm tra, sẽ bị phạt 90 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh vận tải tối đa 3 tháng.

Riêng đối với các dấu hiệu liên quan về thuế tại Công ty Thành Bưởi, Công an Tp.HCM đã tiến hành khám xét, tạm giữ nhiều tài liệu, thiết bị để xác minh phục vụ điều tra.

Từ vụ việc xe của Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chết hồi cuối tháng 9/2023 trên Quốc lộ 20 (đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai) cho đến một loạt sai phạm như nêu trên, sẽ thấy đó là bài học về sự tắc trách trong quản lý kinh doanh vận tải, nhất là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, cơ quan chuyên môn đã để nhà xe này có quá nhiều sai phạm như vậy.

Trao đổi với VnBusiness, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt 90 triệu đồng như trên cũng là quá nhẹ với nhiều vi phạm cho một nhà xe quy mô hàng trăm chiếc, mỗi ngày vận chuyển rất nhiều khách hàng. Lẽ ra việc kiểm tra sai phạm ở Công ty Thành Bưởi phải làm sớm hơn vì hãng này có quá nhiều sai phạm trong thời gian dài trong tuyến vận tải hành khách liên tỉnh Tp.HCM - Đà Lạt.

Qua vụ việc này các cơ quan quản lý cũng cần cải thiện dịch vụ ngành vận tải liên tỉnh và cũng nên kiểm tra tất cả các hãng xe khác. Nhất là cần xử lý mạnh tay đối với các DN vận tải vi phạm về luật an toàn giao thông và quá tải, quá khổ.

Mặt khác, khi hãng xe Thành Bưởi (vốn chiếm thị phần lớn tuyến Tp.HCM - Đà Lạt) bị tước giấy phép kinh doanh vận tải tối đa 3 tháng, có thể sẽ gây gánh nặng cho cơ quan chức năng trong việc đảm bảo nhu cầu lưu thông của hành khách trong mùa cao điểm cuối năm với nhu cầu đi lại tăng cao. Cho nên điều cần làm lúc này là tránh để vận tải hành khách bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến khách đi xe.

Song song các vấn đề như vậy, nếu nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê mới đây sẽ thấy các DN kinh doanh vận tải hiện đang phục hồi. Trong 10 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 3.807,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn vận tải hàng hóa của cả nước trong 10 tháng qua ước đạt 1.888,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cho nên, để cho các DN kinh doanh vận tải yên tâm phục hồi tốt hơn nữa thay vì “phập phồng lo âu” thì điều quan trọng trong lúc này là cần tránh tồn tại những bất cập trong khâu chính sách và nhất là nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý để không xảy ra những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” ở một số hãng xe có nhiều vi phạm.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kho-yen-voi-bat-cap-quan-ly-kinh-doanh-van-tai-1096264.html