Khoa học công nghệ phải là động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Với chủ đề 'Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai' và 'Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia', Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5 năm nay được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Đây cũng là dịp nhằm biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ; tuyên truyền, phổ biến các thành tựu khoa học công nghệ, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế của khoa học công nghệ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ (bìa trái) và Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú (thứ hai từ trái sang) tham quan các sản phẩm khoa học, công nghệ. Ảnh: LỆ VĂN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ (bìa trái) và Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú (thứ hai từ trái sang) tham quan các sản phẩm khoa học, công nghệ. Ảnh: LỆ VĂN

Nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam 18/5, Báo Phú Yên phỏng vấn ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN về vai trò của khoa học, công nghệ (KH-CN) trong phát triển KT-XH của tỉnh thời gian qua và những định hướng phát triển trong thời gian tới…

* Thưa ông, cách đây 11 năm, Chính phủ lấy ngày 18/5 là Ngày KH&CN Việt Nam. Ngày này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành KH-CN?

- Cách đây hơn 50 năm, vào trung tuần tháng 5/1963, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Đại hội đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và có bài phát biểu quan trọng định hướng cho hoạt động KH-CN của nước nhà. Người nói “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân”. Bài phát biểu rất ngắn gọn, súc tích nhưng dễ hiểu, dễ tiếp thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nguyên lý, phương châm và sứ mệnh cao cả của KH-CN.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ trí thức, các nhà KH-CN của cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng đã luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng lao động và sáng tạo để đưa KH-CN vào cuộc sống.

Từ ý nghĩa lịch sử đó, ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH-CN được thông qua và thống nhất chọn ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Đây chính là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học. Đồng thời cũng là cơ hội để tuyên truyền về vai trò của KH-CN, đường lối, chính sách, pháp luật phục vụ phát triển KH-CN như là quốc sách hàng đầu; phổ biến rộng rãi các thành tựu KH-CN, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH-CN; động viên, khích lệ thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Nông dân tham quan mô hình Ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác rau ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: LỆ VĂN

Nông dân tham quan mô hình Ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác rau ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: LỆ VĂN

* Ông cho biết trong thời gian qua, lĩnh vực KH-CN của tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào?

- Sở KH&CN là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND về lĩnh vực KH-CN. Thời gian qua, lĩnh vực KH-CN của tỉnh đã được cơ cấu theo hướng cùng với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo thì việc tăng cường khoa học ứng dụng nhằm đi tắt đón đầu, nhanh chóng đưa các tiến bộ KH-CN áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững luôn được ưu tiên và đặt lên hàng đầu…

Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp có các đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống sắn năng suất tinh bột cao, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Phú Yên; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng hệ thống quan trắc tự động, cảnh báo môi trường nuôi tôm hùm; Xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng tiến bộ KH-CN nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm; Nghiên cứu quy trình nhân giống invitro và bảo tồn loài dược liệu quý, cây cam thảo Đá Bia và trà Mã Dọ; Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp Phú Yên; Số hóa cơ sở dữ liệu vùng trồng làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Ở lĩnh vực y tế, đến nay tỉnh đã thực hiện và chuyển giao 2 kỹ thuật phẫu thuật cột sống và đặt stent mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên; triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng mô hình y tế thông minh, sử dụng bệnh án điện tử; nghiên cứu 2 sản phẩm thuốc tương đương điều trị là Pimenem (500m và 1g); Maxapin (1g và 2g)…

Những đề tài này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân, mà còn tăng cường sự hợp tác giữa địa phương với các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ, cũng như cải thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

* Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đối với hoạt động KH-CN của Phú Yên trong năm 2024 là gì, thưa ông?

- Năm 2024, mục tiêu mà ngành KH-CN đặt ra là tiếp tục thực hiện hoàn thành Kế hoạch 209 của UBND tỉnh và Nghị quyết 11 ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển KT-XH tỉnh gắn với Quy hoạch tỉnh Phú Yên. Trong đó, sở tập trung vào các nhiệm vụ như: Tham mưu đổi mới cơ chế chính sách; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai nhiệm vụ KH-CN; tăng cường công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, thông tin KH-CN, an toàn bức xạ hạt nhân; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, rào cản ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp...

Năm 2024, tỉnh tiếp tục tổ chức lựa chọn các nhiệm vụ KH-CN theo hướng trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KH-CN phục vụ trực tiếp cho sản xuất nói chung và nông nghiệp nói riêng, phát triển nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong sản xuất kinh doanh, ưu tiên kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành việc thực hiện các quy định của Nhà nước về chất lượng hàng hóa, bảo đảm đo lường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

* Xin cảm ơn ông!

Thời gian đến, Phú Yên cần quan tâm hơn nữa công tác nghiên cứu ứng dụng các công nghệ nuôi trồng, chế biến thủy hải sản để nâng cao giá trị, chủ động đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung khai thác tài sản trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, gắn nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực mà Phú Yên có thế mạnh, không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn cho thị trường quốc tế. Đồng thời, ngành KH-CN Phú Yên tiếp tục đồng hành, tạo động lực cùng tỉnh đưa hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, góp phần đắc lực để tỉnh phát triển KT-XH trong tương lai.

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt

VĂN TÀI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/316493/khoa-hoc-cong-nghe-phai-la-dong-luc-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html