Khóa kỹ sư Công nghệ cơ điện công trình đầu tiên HAU ra trường, có thuận lợi gì?

Giảng viên, SV năm cuối chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình của Trường ĐH Kiến trúc HN đã chia sẻ về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm.

Năm 2024, khóa sinh viên chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình (ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị) đầu tiên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tốt nghiệp.

Để tìm hiểu về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm đối với chuyên ngành trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiển, Trưởng Bộ môn Công nghệ cơ điện và các sinh viên năm cuối của chuyên ngành này.

Nội dung chương trình đào tạo về phần kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành. (Ảnh: cắt màn hình)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiển, khi tốt nghiệp ra trường, các tân kỹ sư chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình sẽ là những kỹ sư tham gia vận hành hệ thống cơ điện cho tất cả các tòa nhà, công trình ở trong đô thị và khu công nghiệp...

Chia sẻ về sự cải tiến trong khung chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên, thầy Hiển cho hay, chuyên ngành được đào tạo theo hình thức tín chỉ tiếp cận CDIO (tên viết tắt 4 chữ cái đầu của Conceive – Design – Implement – Operate, có khởi nguồn từ Viện công nghệ MIT của Mỹ, được hiểu là hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện, và vận hành. Đây là dự án hướng tới sinh viên ngành kỹ thuật trên toàn thế giới, với mong muốn mang tới cho họ một nền giáo dục nhấn mạnh về nền tảng kỹ thuật qua 4 khâu quan trọng từ đầu vào cho tới đầu ra).

"Trong khung chương trình đào tạo năm 2022, nhà trường đã rà soát và có cải tiến hơn năm 2020, đó là tăng thời lượng phần thực hành theo hướng thực tế ứng dụng (Thực tập công nhân và Thực tập tốt nghiệp, tăng thêm 5 tín chỉ)", thầy Hiển chia sẻ.

Về điểm khác trong chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, so với chương trình đào tạo của một số trường đại học, thầy Hiển cho biết, chương trình đào tạo của nhà trường tập trung vào 3 mảng chính là điện, nước và điều hòa thông gió theo tỉ lệ cơ bản 30%-30%-30%, 10% còn lại là chuyên đề (ưu tiên sức sáng tạo, tự nghiên cứu của sinh viên).

Đây là điểm khác biệt của nhà trường so với các trường đại học khác. Theo đó, chương trình đào tạo của nhà trường trong tất cả các lĩnh vực thuộc ngành cơ điện được trang bị đầy đủ, cân đối, không bị lệch về một mảng.

Ví dụ cụ thể, có trường đại học đào tạo chuyên ngành trên tập trung mảng điều hòa thông gió chiếm 55-60% chương trình đào tạo, hay có trường đại học đào tạo tập trung mảng điện động lực và điện chiếu sáng cho công trình.

Sinh viên Công nghệ cơ điện công trình đi tham quan công trình thực tế. (Ảnh: NTCC)

Về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, Trưởng Bộ môn Công nghệ cơ điện cho biết, đội ngũ giảng viên cơ hữu và đội ngũ chuyên gia thỉnh giảng của nhà trường có kinh nghiệm từ 10 - 22 năm, với 3 tiến sĩ (chiếm 38%), 5 thạc sĩ (chiếm 62%) và 2 thạc sỹ chuyên gia thỉnh giảng chuyên ngành Điều hòa thông gió; 1 phó giáo sư, tiến sĩ chuyên gia thỉnh giảng chuyên ngành cơ điện tử.

"Nhìn chung đội ngũ giảng viên của Bộ môn đầy đủ, có kinh nghiệm, đúng chuyên ngành cơ điện, nhiệt huyết trong giảng dạy và luôn chủ động nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy gắn lý thuyết với thực hành, thực tiễn", thầy Hiển chia sẻ.

Chia sẻ thêm về cơ sở vật chất, thầy Hiển cho biết, nhà trường đầu tư xây dựng đổi mới hằng năm cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu học tập, thực hành của sinh viên (giảng đường, phòng thí nghiệm, khu thể thao, trung tâm thư viện, phòng học máy tính...).

Khóa sinh viên Công nghệ cơ điện công trình tốt nghiệp đầu tiên được đánh giá ra sao?

Chia sẻ về quá trình học tập, sinh viên được thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế ra sao, Trưởng bộ môn Công nghệ cơ điện cho biết, bộ môn đã thỏa thuận hợp tác với các đơn vị sản xuất, tư vấn, quản lý dự án bên ngoài trường, để sinh viên có thể tham quan, thực tập theo hướng thực tế ứng dụng cơ điện công trình.

Đồng thời, hằng năm bộ môn tổ chức hội thảo, định hướng nghề nghiệp cho toàn bộ sinh viên và mời các công ty, chuyên gia cơ điện về dự, thuyết trình, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế tới sinh viên.

Đánh giá về khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, thầy Hiển chia sẻ, các em chăm chỉ học tập, có khả năng làm việc nhóm, tích cực và chủ động trao đổi với giảng viên về chuyên môn, kiến thức máy tính, ngoại ngữ tốt...

Sinh viên Công nghệ cơ điện công trình tham gia cuộc thi do nhà trường tổ chức. (Ảnh: NTCC)

Tuy nhiên, sinh viên khóa đầu tiên chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình vẫn còn một số hạn chế.

Đó là hạn chế trong việc tiếp cận nguồn tài liệu tham khảo để học tập. Mức so sánh, đối chứng về kiến thức, khả năng thích ứng với thị trường, mức thu nhập sau khi ra trường vẫn đang ở mức tự đánh giá.

Về cơ hội việc làm sinh viên học chuyên ngành trên, thầy Hiển cho biết, tân cử nhân có thể làm việc tại các công ty thiết kế, công ty thi công và lắp đặt, giám sát, quản lý dự án cơ điện công trình; Tham gia vận hành hệ thống cơ điện cho tất cả các tòa nhà, công trình ở trong đô thị và khu công nghiệp; Làm việc tại các công ty thương mại thiết bị công nghệ kỹ thuật; Công tác trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ phận nghiên cứu phát triển của những tập đoàn, công ty trong và ngoài nước...

Đối với mức lương của sinh viên chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình khi mới ra trường, mức lương bình quân cho một kỹ sư cơ điện hiện nay khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

Về công tác tuyển sinh chuyên ngành trên, thầy Hiển nói, phổ điểm chuẩn vào chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình xét theo phổ điểm của Khoa Kĩ thuật hạ tầng & Môi trường đô thị.

"Từ năm 2020 - 2023, ngưỡng xét tuyển luôn duy trì ở mức ngày càng cao hơn (từ 19 - 22 điểm, theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông dựa trên các tổ hợp và xét theo học bạ từ 18 - 20,5 điểm, dựa trên tổ hợp 3 môn, 5 kì học cấp III của thí sinh)", Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiển, Trưởng Bộ môn Công nghệ cơ điện chia sẻ.

Sinh viên năm cuối có những chia sẻ gì?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về quá trình học tập, em Bùi Văn Tùng (sinh viên năm 4 chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình) cho hay, trong hai năm đầu đại học, em và các bạn được học kiến thức cơ bản đại cương, đến năm ba được học kiến thức liên quan đến chuyên ngành.

Tuy nhiên, nam sinh cho rằng, chương trình đào tạo liên quan đến chuyên ngành nên được thiết kế đào tạo vào năm hai để sinh viên có cái nhìn tổng quan, định hướng nghề nghiệp sớm hơn.

"Hết học kỳ này, em sẽ đi thực hành. Em sẽ đợi nhà trường bố trí cho nơi thực tập hoặc sẽ tự tìm một công ty để nhằm giúp bản thân được tiếp cận với nghề, và có cái nhìn tổng quan hơn về nghề sau khi ra trường. Đến cuối năm nay, em sẽ tốt nghiệp ra trường", Bùi Văn Tùng chia sẻ.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, Vũ Minh Lương (sinh viên năm 4 chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình) cho biết, do là khóa đào tạo đầu tiên nên bản thân em cũng như các bạn còn bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn trong chương trình học tập.

"Chuyên ngành của chúng em tập trung vào bộ môn là điện, nước, điều hòa thông gió nên khối lượng học tương đối nhiều", Lương chia sẻ.

Nam sinh viên chia sẻ tiếp, bên cạnh khó khăn nêu trên, còn là một số môn còn mới chưa có trường đại học đào tạo nên sinh viên khó tìm kiếm tài liệu. Tuy nhiên, Lương cũng như các bạn được thầy cô nhiệt tình chỉ bảo.

Về cơ hội việc làm, Vũ Minh Lương cho hay, chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình là tương đối mới nên cơ hội việc làm rộng mở. Với bản thân Lương, em dự định trong một, hai năm đầu ra trường sẽ tập trung vào lĩnh vực điện, nước và sau đó học hỏi thêm về về lĩnh vực điều hòa.

"Sau khoảng năm, sáu năm, khi đã nắm rõ các hệ thống trong công trình, em có thể chủ trì mảng thiết kế các hệ thống cơ điện trong công trình", Vũ Minh Lương chia sẻ.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khoa-ky-su-cong-nghe-co-dien-cong-trinh-dau-tien-hau-ra-truong-co-thuan-loi-gi-post242319.gd