Khoác áo 'nhân sĩ' giở trò phỉ báng lịch sử

Trong clip tung lên mạng xã hội dài hơn 5 phút với sự tham gia của một số 'nhân sĩ trí thức' có tên trong nhóm tự xưng 'Văn đoàn độc lập', hình ảnh anh hùng Võ Thị Sáu đã bị số này bóp méo bằng những thông tin rất kệch cỡm.

Để lôi kéo người xem tin là thật, clip này được dàn dựng với sự xuất hiện của những cái tên được nói là “người sống cùng thời” từng diện kiến chị Sáu, song thực chất là sự thêu dệt hòng đánh lừa những người thiếu hiểu biết.

Với chiêu trò bịa ra các “nhân vật biết chuyện”, clip đã cố tình dàn dựng, xuyên tạc nghiêm trọng hình ảnh cao đẹp của chị Võ Thị Sáu. Chỉ riêng chi tiết chị Võ Thị Sáu được giao nhiệm vụ ném lựu đạn để giết hại nhân vật Bé Bê (con người đàn ông Pháp và người phụ nữ gốc Hoa tại Sài Gòn, làm nhiệm vụ tiếp phẩm cho lính Pháp như các đối tượng tự dựng nên) ở khu chợ khiến toàn dân thường bị chết mà clip dẫn chứng đã thấy đây là chi tiết gán ghép hết sức kệch cỡm mà họ cố tính đưa vào để xuyên tạc. Huyền thoại và những việc làm dũng cảm của chị Võ Thị Sáu đã được lịch sử chứng ghi với các tài liệu cụ thể.

Lịch sử ghi rõ, Đội Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp(14-7-1948), do tỉnh trưởng Lê Thành Tường tổ chức tại Đất Đỏ. Để bảo vệ cuộc lễ, địch đã tăng cường lực lượng bảo vệ canh phòng, chăng dây thép gai quanh khu mít tinh, lập trạm gác các ngả đường về Đất Đỏ trước đó 3 ngày. Võ Thị Sáu xin được trực tiếp đánh trận này. Chị nhận lựu đạn ém vào góc chợ sát khán đài từ nửa đêm. Buổi sáng hôm ấy, địch lùa đồng bào vào sân.

Khi xe của tỉnh trưởng vừa tới, chị Sáu tung lựu đạn về phía khán đài - nơi trống, không có người để uy hiếp giải tán cuộc mít tinh. Hai tổ công an xung phong chốt gần đấy đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh, đồng thời hỗ trợ cho chị Sáu rút an toàn. Các cơ sở của ta được bố trí trong đoàn người mít tinh hô to: “Việt Minh tiến công” và hướng dẫn đồng bào giải tán. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và chị được giao nhiệm vụ diệt tề trừ gian.

Người đồng đội của chị Sáu từng được báo chí phỏng vấn là ông Nguyễn Văn Huê, nguyên trinh sát Công an Đất Đỏ cho biết, toàn bộ Đội của ông đã đặt trong tình trạng báo động sau khi chị Sáu bị bắt, vì lo sợ chị không chịu được tra tấn, sẽ khai ra căn cứ, nhưng chị đã thể hiện bản lĩnh kiên trung. Tổ chức đã nhiều lần tìm cách giải cứu chị Sáu nhưng địch liên tục thay đổi nơi giam giữ, bởi vậy họ rất cảm phục sự kiên cường của chị Sáu.

Tháng 4-1950, chị Võ Thị Sáu bị giam ở khám Chí Hòa. Thực dân Pháp mở phiên tòa xử chị án tử hình khi chị chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. 4h sáng 21-1-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo. Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo cất cao tiếng hát bài “Tiến quân ca”. Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm”! Khi đó, chị Võ Thị Sáu chưa đầy hai mươi tuổi.

Người con gái trẻ măng

Giặc đem ra bãi bắn

Đi giữa hai hàng lính

Vẫn ung dung mỉm cười

Ngắt một đóa hoa tươi

Chị cài lên mái tóc

Đầu ngẩng cao bất khuất

Ngay trong phút hy sinh…

Hình ảnh đó đã đi vào sử sách, đi vào thơ ca, nghệ thuật và trở thành biểu tượng huyền thoại trong lòng dân tộc. Một người lính Pháp sau đó đã khóc mà sám hối rằng: “Cô ta tin vào chính nghĩa dân tộc, bình thản đến lạ lùng, yêu đời đến phút chót, dũng khí tỏa ra cả khi ngã xuống. Đó mới chính là anh hùng”.

Ngày nay, với Đất Đỏ, với Côn Đảo anh hùng đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống và du lịch tâm linh, bao lớp người Việt Nam thành kính thắp hương trước mộ chị Võ Thị Sáu, bày tỏ sự ngưỡng mộ, biết ơn người anh hùng kiên trung, bất khuất. Vậy mà, trong clip nêu trên, họ đã dựng lên một nhân vật Bé Bê chỉ là kẻ tiếp lương cho quân Pháp rồi bịa tạc, vu cáo chị Sáu không giết được Bé Bê thì giết dân mình… Hình ảnh chị Sáu hiên ngang ra pháp trường, bất khuất không sợ cái chết đã trở thành huyền thoại, ấy vậy mà những “nhân sĩ” này lại xuyên tạc, dựng chuyện thì còn gì lố bịch hơn.

Nội dung trò xuyên tạc này không mới, từng được những đám cơ hội chính trị dựng lên đối với một số sự kiện lịch sử nhưng đã nhanh chóng bị lật tẩy nên đã “chết yểu”. Nay, qua miệng lưỡi của một số văn sĩ từng có chỗ đứng trong lòng công chúng “diễn lại”, nó lập tức được không ít người, vì nhiều lý do, đã tung hô với lời lẽ thái quá, một số ít bày tỏ thái độ hả hê...

Để hiện thực hóa mưu đồ chống Đảng, chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước, các thế lực thù địch không từ bất cứ một thủ đoạn nào, trong đó có chiêu bài xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, nhạo báng tiền nhân... nhân các sự kiện văn hóa, chính trị trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, việc một số văn nghệ sĩ một thời có tiếng tăm, từng được Đảng và nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, nâng đỡ để có được chỗ đứng, trước đây có những đóng góp nhất định cho văn học nghệ thuật nước nhà, nay lại phỉ báng lịch sử, chế nhạo sự hi sinh xương máu của những anh hùng liệt sĩ, là hành động trái với đạo lý làm người.

Văn hóa dân tộc không thể chấp nhận sự cười nhạo trên xương máu của tiền nhân. Máu xương của cha anh đã tan vào đất đai xứ sở mãi là giá trị thiêng liêng, trường tồn cùng lịch sử, không thể vì bất cứ lý do gì nhạo báng, bỡn cợt.

An Nhi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/khoac-ao-nhan-si-gio-tro-phi-bang-lich-su-454771/