Khoan hòa là hóa giải

TP - Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Quan họ Đặng Xá tổ chức buổi hát ở sân đình Cống Vị (Hà Nội), mừng sự kiện hai di sản vừa được UNESCO vinh danh. Khách gần xa đến thưởng thức đông đúc.

Cùng lúc, ở trạm y tế phường kế bên đình, đội văn nghệ phường tập đàn tập hát ầm ĩ. Cổ nhạc cần sự tĩnh lặng để phô bày vẻ đẹp tinh tế nghìn năm của ông cha, trong cảnh ấy đã bị giảm giá trị. Trước khi diễn, đại diện Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long có lời xin đội văn nghệ phường hoãn buổi tập nhưng họ quyết không chịu. Hiển nhiên, đội văn nghệ phường có quyền đàn hát như họ đã làm. Nhưng sẽ khó giải thích êm xuôi, có khi cả với con cháu của chính họ, tại sao họ lại nỡ cư xử như thế với tinh hoa văn hóa dân tộc? Xung đột văn hóa là xung đột cấp thượng tầng. Thế giới vẫn tồn tại nhiều đối kháng giữa con người, các nhóm người, các quốc gia với những suy nghĩ, cảm nhận và hành động khác nhau. Trước những vấn đề chung, đòi hỏi các bên phải hợp tác để tìm ra giải pháp. Sự khoan hòa dẫn đến nụ cười. Khoan hòa là chia sẻ, thương yêu nhau, chỉ có thương yêu nhau mới đưa tới hạnh phúc. Khoan hòa diễn ra khi mọi người ngưng suy nghĩ về bản thân, về những công trạng, về những ham muốn, mà cố gắng nghĩ đến người khác. Khoan hòa quyết không ở chỗ giành lý lẽ hay chứng tỏ quyền lực. Quyền lực khi cố chứng tỏ sẽ trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi; càng cố chứng tỏ càng dễ phơi bày nhược điểm lớn của nó là hành động không kể đến chính nghĩa. Khát vọng chứng tỏ quyền lực là khát vọng lố bịch và trơ trẽn nhất trong thời đại hiện nay. Nên rất ngạc nhiên ở Cống Vị tối hôm ấy, khi có người sang sân đình, gọi Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long Phạm Thị Huệ ra chất vấn: Tại sao dám biểu diễn nhiều bài mà không xin phép, tụ tập đông người, lại có cả người nước ngoài, nhà báo. Rồi lãnh đạo phường đã đình chỉ sinh hoạt Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long tại Cống Vị, vốn mở ra từ một năm trước, sinh hoạt tuần một lần. Đâu như, những người đang nhân danh quyền lực lại cố quên một thứ quyền lực tối thượng đó là vốn di sản văn hóa dân tộc. Văn hóa đích thực là khoan hòa, là chữ “thứ” như Khổng Tử nói “Đó là sự đồng cảm, hiểu biết và nhân nhượng nhau. Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, Khổng Tử nói về chữ “thứ” như vậy. Và ông khẳng định: “Chữ thứ có thể dẫn dắt hành xử trọn đời”. Sự việc cụ thể trên nó đã vượt ra ngoài tầm chữ “thứ”. Nó mang tầm chữ “thẩm” và tầm văn hóa hành xử vậy.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=174688&channelid=19