Khởi đầu cho một hành trình mới

Trại sáng tác văn học "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" mở tại thành phố biển Nha Trang khai mạc vào ngày 1/10/2011. Hoạt động văn hóa ý nghĩa này của lực lượng Công an nhân dân được giao cho Chi hội Nhà văn Công an trực tiếp tổ chức. Buổi lễ diễn ra trang trọng trong phần nghi thức và thân tình trong phần phát biểu...

Trong khuôn khổ ngày khai mạc còn có đêm thơ "Vì bình yên cuộc sống". Người dự gồm các cây bút của trại văn và một số tác giả ở Khánh Hòa. Đêm thơ hôm trước như chất men cho buổi tọa đàm văn học "Vì bình yên cuộc sống" chiều hôm sau. Thành phần vẫn là các trại viên của trại văn và các nhà văn, các cây bút của Khánh Hòa. Cuộc tọa đàm vỡ vạc nhiều vấn đề. Ai cũng biết đề tài Công an nhân dân là hấp dẫn, phong phú. Không có đề tài loại hai hoặc cận văn chương như ai đó từng đánh giá. Bình yên cuộc sống là vấn đề cần quan tâm của cả xã hội, trong đó có văn học. Phẩm chất văn chương của mỗi người là khâu quyết định giá trị của tác phẩm. Còn điều khó tiếp cận trước một số chuyên án, trước các nội dung chưa thể công khai - âu đó cũng là chuyện bình thường của những công việc mang tính đặc biệt.

Trại sáng tác mở trong gần một tháng. Thời gian không thể nói là dài nhưng đã có những gặt hái nhất định. Gặp gỡ, giao lưu, tọa đàm, tranh luận về đề tài mình đang viết là chất men kích thích các nhà văn trong những phút ngoại khóa. Thành tích mở đầu của trại sáng tác lần này trước tiên ghi công hai cuộc sinh hoạt văn chương qua một đêm thơ và một buổi chiều tọa đàm. Tuy vậy, cái kết thúc của một cuộc hội tụ văn học cho dù ngắn hay dài thì vẫn là những tác phẩm, những trang viết với những tác giả cụ thể. Xin phép được lược trích một thống kê mang tính số học về các tác phẩm đã hoàn thành của các thành viên tham dự Trại sáng tác văn học Nha Trang năm nay.

Nhà văn Hữu Ước và một số đại biểu tham dự Trại sáng tác.

Nhà văn Lương Sĩ Cầm - người cao tuổi nhất dự trại lần này đã viết được hơn sáu chục trang truyện ký về An ninh T4 Sài Gòn có tên "Đội biệt động B5". Nhà văn Trần Công Tấn đã xong những chương đầu của tiểu thuyết "Dưới chân núi Chứa Chan" mô tả cuộc chiến đấu của đội An ninh vũ trang Long Khánh, Đồng Nai. Nhà văn Văn Phan đã hoàn tất hai chương của cuốn tiểu thuyết dài hơi có tên là "Bến Gạo" đề cập tới an ninh trật tự trong một vùng nông thôn đổi mới. Nhà văn Nguyễn Quang Hà đã có bản tóm tắt tiểu thuyết "Mỹ nữ Mộng Huyền" và "trình làng" trước chương IV và chương V nói về sự tha hóa của một người đẹp. Nhà văn Khổng Minh Dụ có ký sự lấy tên "Những khoảnh khắc bí ẩn" và bài thơ "Nỗi niềm đồng đội". Nhà văn Dương Duy Ngữ đã hoàn thành các truyện ngắn "Hoa cái cụ đi đâu", "Chiếc ngai nhà thánh", "Đặc sắc" có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống qua vẻ đẹp của một số loài hoa. Nhà thơ Lê Hoài Nguyên ngoài việc hoàn thiện kịch bản phim truyện "Thung lũng tử thần" còn có bút ký "Cuộc chiến tranh tâm lý 20 năm". Nhà văn Mai Vũ tiếp tục sửa chữa truyện lịch sử viết về An ninh Lào - Việt có tên gọi "Cuộc vượt ngục thần kỳ". Nhà văn Trần Diễn có hai tác phẩm dài là tiểu thuyết "Tình án" và kịch bản truyền hình dài 30 tập mang tiêu đề "Yêu thật, yêu giả" đang trong thời kỳ chỉnh sửa. Nhà văn Tôn Ái Nhân tiếp tục sửa chữa và hoàn chỉnh kịch bản sân khấu mang tên "Đột biến trước vành móng ngựa". Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải từng thành công ở mạch văn tư liệu, lần này lại tiếp tục cảm xúc đó trong một nhân vật làm công tác ngoại giao ở một số nước châu Phi, ở Chilê… với nhiều sự kiện đặc biệt. Tác phẩm có tên "Chuyện đời đại sứ". Nhà thơ Nguyễn Xuân Thái có một chùm thơ mới và một truyện ngắn kể về tình yêu người chiến sĩ Biên phòng sau những hiểm nguy trắc trở mang tên "Vầng trăng tròn đầy", một truyện ngắn khác có tên "Ký ức tháng giêng" và một kịch bản phim phóng sự truyền hình tiêu đề "Bát ngát màu xanh quê tôi".

Nhà thơ Nguyễn Xuân Hải khi về trại viết đã bắt tay vào viết tiếp kịch bản phim truyền hình nhiều tập "Những đứa con biệt động Sài Gòn" mà phần một hiện đang trình chiếu trên tivi, đồng thời có truyện ngắn "Ngõ hai nhà và cái lỗ thủng" in trên Văn nghệ Công an. Nhà thơ Lê Khánh Mai có một chùm thơ, trong đó một bài đã được giới thiệu trên Văn nghệ Công an số gần đây. Ngoài ra, chị còn có một truyện ngắn lấy tên "Những con thiêu thân" phê phán tệ nạn nghiện ngập và hoang tưởng dẫn đến những hệ lụy gia đình, xã hội. Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên đã hoàn thành hai truyện ngắn: Truyện "Khúc vĩ thanh cuộc sống" viết về sự hy sinh của một chiến sĩ An ninh và truyện "Một khúc sông cong" nói về nỗi buồn cùng sự thức tỉnh của một cô gái.

Nhà văn Thu Trang đã có được 50 trang truyện ký "Vẫn một chữ Tâm" viết về một cựu chiến binh cao tuổi đi tìm mộ đồng đội. Ngoài ra, chị còn hoàn tất hai truyện ngắn "Soi bóng sông Hồng", "Chuyện của người khác" và một chùm thơ. Nhà văn Bạch Lê Vân Nguyên có truyện ngắn "Ngọn lửa" viết về đời sống đầy buồn vui của một sĩ quan hình sự và phẩm chất quyết liệt của anh trước tội ác, cùng một truyện ngắn về đề tài phòng chống tệ nạn ma túy ở nông thôn lấy tên "Ngày về". Nhà văn Vân Hạ - tác giả từng đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn và ký Cây bút vàng (do Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an tổ chức) trước đây, lần này tham gia một truyện ký có tên "Bụi đời hay nghiệp lang thang" và một truyện ngắn dung dị giàu nữ tính có tên "Đôi khi". Tác giả Kim Cương đã viết được ba chương tiểu thuyết về cuộc đời và hoạt động của một sĩ quan cao cấp qua các thời kỳ có tên "Có một thời như thế" và gửi trại ba truyện ngắn và truyện ký: "Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng", "Lỗi hẹn", "Khi giám đốc vào tù". Tác giả Phùng Phương Quý có chùm bốn truyện ngắn "Ông lão lượm đinh", "Vay trả cuộc đời", "Thằng lùn trong dinh thừa tướng" và "Con suối chảy qua cuộc đời", trong đó truyện ngắn "Ông lão lượm đinh" viết về một người dân chống đinh tặc ở Nam Bộ đã được in trên Văn nghệ Công an số gần đây. Ngoài ra, anh còn có kịch bản phim "Tình huống bất ngờ". Tác giả Nông Huyền Sơn có truyện ký dài mang tên "Người đối đầu với CIA" viết về nhà tình báo Mười Hương cùng một số bài báo về đề tài an ninh trật tự. Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Sương đang viết tiểu thuyết có tên là "Hèn" và truyện ngắn "Cái chết và con mãnh hổ" viết về sự quả cảm của con người trước những hiểm nguy. Tác giả Đào Thị Thanh Tuyền có hai truyện ngắn "Nếu thật thì đó là bình an" và "Cuộc chiến". Tác giả Phan Thế Hữu Toàn tập trung hoàn thành tập truyện ngắn khá dày dặn mang tên "Bông huệ trắng", trong đó nội dung đa phần về an ninh trật tự. Tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn có truyện ngắn "Đời sơn nữ" và một truyện ngắn phản ảnh cuộc đấu tranh chống phong tục cổ hủ ở một miền rừng núi có tên "Thanh Bình một bến sông". Tác giả Lê Đức Quang có truyện ngắn "Mánh bụi đời" và "Góc khuất cuộc sống". Tác giả Trâm Oanh có nỗi niềm của người mẹ với đứa con trốn lệnh truy nã trong "Nhà tù của mẹ"...

Thời gian 25 ngày cho những trang viết chẳng thể gọi là nhiều. Cũng có thể đó chỉ là những giây phút khởi động cho những công trình dày dặn sau này. Tuy vậy, Trại sáng tác đã thu hoạch được trên 30 truyện ngắn, trong đó có những truyện hoàn chỉnh, tay nghề chắc, cũng có những truyện có ý hay, tứ hay nhưng cách viết chưa phù hợp hoặc chưa đầy đặn về chi tiết, bố cục. Thoảng hoặc cũng có truyện còn sơ sài. Có những chùm thơ hình thành ở trại như một động tác văn chương xen canh gối vụ cho dù ai cũng hiểu làm được một câu thơ hay không phải dễ. Với các tác phẩm dài hơi thì biểu đồ của công việc vẫn là những trang được nhích lên theo số lượng. Trong phần "công nghiệp nặng" này của trại viết, hy vọng nó sẽ trở thành hiện thực trên trang in, trên sân khấu, trên truyền hình nay mai.

Trại sáng tác văn học "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" tại thành phố biển Nha Trang đã kết thúc. Các tác giả tham dự trại đã có những ngày sống và viết trong sự chăm sóc tận tình của các cán bộ, nhân viên Nhà nghỉ dưỡng 378 - Bộ Công an. Các cuộc đi tìm hiểu thực tế lấy tài liệu ở Công an huyện Cam Lâm, Phòng PA61 đã cho thấy sự quan tâm chu đáo của các anh các chị ở Công an Khánh Hòa đối với các cây bút về dự trại. Cuộc du khảo về vùng Văn hóa Chăm của Phan Rang - Tháp Chàm trong sự đón tiếp và chỉ dẫn nồng hậu của các anh các chị Công an Ninh Thuận đã lưu lại trong lòng người viết nhiều ấn tượng tốt đẹp. Hy vọng tất cả những kỷ niệm đó sẽ là nguồn động viên, khích lệ để các tác giả tiếp tục có nhiều sáng tác về đề tài Công an nhân dân sau khi kết thúc trại viết trở về…

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/doisongvanhoa/2011/11/56545.cand