Khơi dậy nội lực

LTS: Bất định là từ được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước dùng để nói về tình hình kinh tế-xã hội thế giới trong năm 2017. Trên cái nền giả định bất định ấy, bức tranh kinh tế của nước ta trong năm 2017 sẽ như thế nào? Quan trọng hơn, làm thế nào để gam màu sáng có thể nổi bật, trong năm 2017 và trong cả dài hạn. TBKTSG trao đổi với các chuyên gia kinh tế: TS. Phạm Thế Anh, TS. Vũ Sỹ Cường và ThS. Đinh Tuấn Minh.

Năm 2016 vừa đi qua là một năm nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng tương đối cao và môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định trong bối cảnh khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do hạn hán và sự cố môi trường biển miền Trung. Ảnh TL

TBKTSG: Nhìn lại những gì đã đạt được trong năm 2016 và giai đoạn gần đây, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, theo ông, thuận lợi và khó khăn nhất của nền kinh tế của nước ta trong năm 2017 sẽ là gì?

“Ai làm tốt việc của người nấy”. Chính phủ tập trung xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ doanh nghiệp”, doanh nghiệp phải đối diện với cạnh tranh, phải vươn ra ngoài... ThS. Đinh Tuấn Minh

- Ông Đinh Tuấn Minh: Năm 2016 là một năm nền kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tương đối cao và môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định trong bối cảnh khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do hạn hán và sự cố môi trường biển miền Trung. Điều quan trọng hơn cả trong năm 2016 là những tín hiệu về quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng với vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới. Đây chính là những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam trong năm 2017.

Khó khăn lớn nhất mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2017 có lẽ sẽ là tính bất ổn của nền kinh tế thế giới. Tổng thống mới của Mỹ, ông Donald Trump, là một người khó đoán định. Các quyết định của ông không rõ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Mỹ và nền kinh tế toàn cầu theo hướng nào. Ngoài ra, tình hình chính trị của châu Âu cũng chứa đựng nhiều bất ổn, đặc biệt sau sự kiện Brexit vừa rồi. Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ có những biến chuyển tiêu cực trong năm tới khi mà nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đỡ cho nền kinh tế nước này hạ cánh mềm đang tiến gần mức giới hạn với mức nợ công đã lên tới 250% GDP.

Thực hiện tốt khẩu hiệu “Kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình” ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Chỉ cần thực hiện tốt các vấn đề này thì chúng ta đã giải quyết được nhiều thách thức. TS. Vũ Sỹ Cường

- Ông Vũ Sỹ Cường: Thuận lợi trong năm 2016 là điều hành chính sách đã không còn độ trễ như năm đầu của thời kỳ năm năm. Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%. Kinh tế thế giới cũng có một số khởi sắc nhất định, tăng trưởng kinh tế một số quốc gia như Nga, Brazil có thể phục hồi sau thời gian dài suy giảm.

Tuy nhiên, khó khăn là kinh tế Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều thách thức khi ổn định kinh tế chưa bền vững, phục hồi không đều, tăng trưởng dựa nhiều vào khu vực FDI. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, khai khoáng và rất nhiều lĩnh vực dịch vụ khác đang có dấu hiệu đi xuống, công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn dang dở. Khó khăn nhất vẫn sẽ là tái cơ cấu kinh tế như thế nào để tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ như mục tiêu dự kiến trong khi hàng loạt vấn đề cũ vẫn còn như nợ xấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hiệu quả đầu tư công...

Cần phải có cuộc cải cách toàn diện - thiết kế lại cơ chế khuyến khích trong mọi lĩnh vực sao cho nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. TS. Phạm Thế Anh

- Ông Phạm Thế Anh: Những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2016 và trước nữa vẫn còn nguyên đó trong năm 2017. Chúng ta chưa giải quyết được những vấn đề tồn đọng trong quá khứ, trong khi những khó khăn và bất ổn mới lại xuất hiện.

Nhìn từ góc độ các yếu tố sản xuất thì những yếu kém đó có thể bao gồm: năng suất thấp, công nghệ lạc hậu hoặc chậm đổi mới; lao động thiếu kỹ năng, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở hạ tầng yếu kém; phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên và đất đai xây dựng. Nếu xét theo khu vực kinh tế thì đó là sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài; khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nhiều về số lượng nhưng yếu về chất lượng, dễ tổn thương trước các cú sốc và đa số chưa đủ khả năng cạnh tranh với thế giới; khu vực doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả và tiêu tốn nguồn lực. Ở góc độ quản lý nhà nước thì đó là một bộ máy cồng kềnh thiếu hiệu quả; tình trạng tham nhũng cả lớn lẫn nhỏ hiện diện trên mọi lĩnh vực; các chính sách quản lý thiếu minh bạch và thiếu hiệu quả; hệ thống tài chính - tín dụng rủi ro với hàng loạt những vụ việc sai phạm và nợ xấu ở mức cao chưa được giải quyết; thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng trầm trọng khiến Nhà nước thiếu nguồn lực can thiệp vào nền kinh tế khi cần thiết.

Trong khi đó, thế giới càng trở nên bất ổn và khó lường hơn. Thế giới có nguy cơ bị chia cắt bởi các xung đột về lợi ích kinh tế - chính trị; kinh tế thế giới hồi phục chậm và chưa chắc chắn; các hiệp định kinh tế - thương mại có nguy cơ bị đổ vỡ và tình trạng bảo hộ có thể xuất hiện trở lại...

Nói tóm lại, kinh tế Việt Nam trong năm 2017 còn nguyên những vấn đề nội tại của những năm trước nhưng lại phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn từ thế giới bên ngoài.

TBKTSG: Theo ông, đâu là điểm nghẽn tăng trưởng trước mắt và dài hạn đáng quan tâm và cần giải pháp nhất hiện nay?

- Ông Vũ Sỹ Cường: Báo cáo của GS. Haussman (Đại học Harvard)đã chỉ ra ba điểm nghẽn tăng trưởng trong ngắn hạn. Có lẽ điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là vấn đề thể chế và bộ máy.

Hiệu lực thực thi chính sách hiện còn nhiều hạn chế. Việt Nam có nhiều chính sách tốt ở cấp trên nhưng khi triển khai vào thực tiễn lại gặp rất nhiều vấn đề. Theo tôi chính sách đất đai hay chi phí tài chính cao cũng có hệ quả phần nào từ vấn đề thể chế hiểu theo nghĩa rộng gồm cả cách chơi, luật chơi và người chơi. Nếu thể chế cho phép quan hệ theo kiểu tư bản thân hữu tạo ra lợi nhuận cao thì rất khó hướng các nguồn lực của nền kinh tế vào những lĩnh vực và ngành nghề cần nhiều hơn tri thức và sự sáng tạo và ngược lại.

Cần tuân thủ nguyên tắc nếu vấn đề gì thị trường làm tốt thì hãy để thị trường làm. Cải cách thủ tục hành chính và minh bạch hóa cần tiếp tục được thực hiện mạnh hơn trong điều hành kinh tế.

Vấn đề dài hạn của Việt Nam là vốn xã hội (văn hóa, tổ chức xã hội, ý thức của mọi người...) hiện còn thấp, lòng tin giữa các cá nhân, lòng tin của người dân vào chính sách... cần phải được cải thiện. Năng suất lao động thấp cũng là hệ quả của nhiều yếu tố trong đó vai trò của vốn xã hội.

TBKTSG: Theo ông, trong năm 2017, biến số vĩ mô nào khó ổn định theo mục tiêu nhất? Sự biến động của biến số đó quan hệ như thế nào với các biến số khác và tình hình kinh tế vĩ mô nói chung?

- Ông Vũ Sỹ Cường: Năm 2017, biến số khó ổn định nhất có thể là lạm phát. Lạm phát đã khá ổn định giai đoạn vừa qua song sẽ có thể không ổn định trong giai đoạn tới. Lạm phát thay đổi dĩ nhiên sẽ tác động tới tỷ giá và lãi suất.

- Ông Đinh Tuấn Minh: Có lẽ bởi vì Việt Nam đã sống quá lâu trong môi trường lạm phát cao nên người ta hay nghĩ rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là yếu tố khó ổn định nhất. Kỳ thực thì đấy lại là yếu tố dễ ổn định nhất vì về cơ bản đây là chỉ số phụ thuộc vào khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu NHNN luôn coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu thì chắc chắn khả năng ổn định CPI trong khoảng 3-4% là trong tầm tay.

Trong khi đó, tỷ giá là yếu tố biến động không chỉ theo yếu tố cung - cầu về ngoại tệ của thị trường trong nước mà còn cả tỷ giá của các quốc gia khác trên thế giới. Với những diễn biến kinh tế - chính trị toàn cầu khó lường của năm 2017 thì tỷ giá có thể sẽ có nhiều biến động bất ngờ, khó đoán định.

TBKTSG: Như vậy thì Chính phủ cần ưu tiên việc gì trong công tác điều hành để có thể hỗ trợ doanh nghiệp lèo lái con tàu kinh tế giữa biển lớn đầy sóng lớn từ các nước lớn như hiện nay?

- Ông Vũ Sỹ Cường: Có rất nhiều việc phải làm nhưng theo tôi, cần thực hiện tốt khẩu hiệu “Kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình” ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Chỉ cần thực hiện tốt các vấn đề này thì chúng ta đã giải quyết được nhiều thách thức.

Về giải pháp cụ thể, có lẽ đã đến lúc cần có chính sách để duy trì và đẩy mạnh cầu nội địa thay vì chỉ tập trung nhiều cho xuất khẩu như trước đây. Cải cách hệ thống phân phối, hệ thống logistics cần được quan tâm nhiều hơn. Nông nghiệp cũng cần được đầu tư nhiều hơn thay vì các dự án công nghiệp kém hiệu quả như giai đoạn vừa qua.

- Ông Đinh Tuấn Minh: Nếu có thể nói gọn trong một câu thì đó sẽ là “ai làm tốt việc của người nấy” tự khắc mọi việc sẽ tốt. Chính phủ hãy tập trung làm tốt công việc xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ doanh nghiệp” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi. Doanh nghiệp trong nước cần phải vươn ra ngoài, cần phải đối diện với cạnh tranh ngày càng gay gắt, không phải chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà với cả doanh nghiệp nước ngoài, thì mới trưởng thành được. Như thế, Chính phủ phục vụ doanh nghiêp có nghĩa là tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho mọi doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy thì “sóng lớn” biết đâu lại là cơ hội để nâng “con tàu” Việt Nam đi nhanh hơn và xa hơn!

Thiết kế lại cơ chế khuyến khích trong mọi lĩnh vực

Việt Nam đang nhìn thấy một Chính phủ có thiên hướng đổi mới và hành động. Tuy nhiên, cũng còn có quá nhiều rào cản để những mong muốn hay cải cách đó có thể phát huy hiệu quả thực sự. Chúng ta mong muốn phát triển kinh tế thị trường và khu vực tư nhân nhưng lại đang tạo ra những “khuyến khích” làm cho kinh tế thị trường bị méo mó và khu vực tư nhân chậm phát triển; các chính sách nhiều khi bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.

Rất khó có thể chọn ra đâu là chính sách ưu tiên cho Việt Nam lúc này bởi vấn đề nào cũng trầm trọng và cấp bách cả. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải có một cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, cả tư duy lẫn hành động, từ lựa chọn ngành nghề ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư, đào tạo lao động, cải thiện môi trường kinh doanh lẫn môi trường tự nhiên, đến phân bổ và phân cấp tài khóa, giám sát và ổn định tài chính tiền tệ, cổ phần hóa các DNNN,...

Do nguồn lực là hữu hạn do vậy Nhà nước không thể can thiệp để trực tiếp giải quyết các vấn đề của nền kinh tế. Tôi cho rằng điều quan trọng là Nhà nước phải tạo ra các cơ chế khuyến khích (incentives) để nguồn lực được phân bổ một cách đúng đắn.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có những khuyến khích tồi khiến kinh tế thị trường bị bóp méo, nguồn lực bị phân bổ một cách sách lầm. Ví dụ như các doanh nghiệp chọn sản xuất thép hay khai thác tài nguyên thay vì đầu tư vào công nghệ hay sản xuất nông nghiệp là bởi vì họ được khuyến khích bởi việc không phải trả đầy đủ các chi phí xả thải, được ưu đãi giá đầu vào thấp giả tạo hay được bảo hộ bởi các chính sách của Nhà nước. Nguồn lực của nền kinh tế được hướng vào lĩnh vực phát triển bất động sản bởi ngoài nhu cầu lớn của thị trường thì các doanh nghiệp còn được khuyến khích bởi khả năng xây dựng vượt tầng, vượt mật độ xây dựng cho phép hay bởi vị thế độc quyền và kém minh bạch trong việc tiếp cận đất đai. Các tỉnh/thành phố thay nhau kêu khó để xin thêm ngân sách từ trung ương, tài trợ cho các dự án không thực sự cần thiết bởi họ không có động cơ tiết kiệm hay tự chủ tài chính. DNNN chậm đổi mới, cổ phần hóa bởi họ không có các khuyến khích phải làm như vậy...

Cơ chế khuyến khích tồi đã dẫn đến một nền kinh tế với nguồn lực được sử dụng kém hiệu quả, năng suất thấp và tạo ra đầy rẫy những rủi ro và bất công trong xã hội. Tôi cho rằng, muốn kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững thì Việt Nam cần phải có cuộc cải cách toàn diện- thiết kế lại cơ chế khuyến khích trong mọi lĩnh vực - để sao cho nguồn lực được hướng tới những lĩnh vực tốt nhất và được sử dụng hiệu quả nhất.

TS. Phạm Thế Anh

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/155419/khoi-day-noi-luc.html/