Khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh qua chương trình giáo dục địa phương

Chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) được các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện với nhiều nội dung phong phú, gần gũi, góp phần giáo dục lòng tự hào, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh.

100% cơ sở giáo dục thực hiện chương trình

Mục tiêu của nội dung giáo dục địa phương là giúp học sinh khám phá và lĩnh hội các tri thức cơ bản, thời sự về địa phương góp phần hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, năm học 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa Chương trình giáo dục địa phương vào chương trình dạy học đại trà và chính khóa đối với các cấp học trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đối với cấp THCS có thời lượng 35 tiết/năm học và 18 tiết đối với cấp THPT, riêng cấp tiểu học, nội dung giáo dục tài liệu địa phương được thực hiện lồng ghép giảng dạy vào các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và môn tiếng Việt… Cùng với đó, giáo viên vận dụng linh hoạt nội dung tài liệu địa phương dạy học lồng ghép tình hình thời sự văn hóa, kinh tế, xã hội... của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn có liên quan đến bài học.

Học sinh tiểu học xem tranh về văn hóa, lễ hội tiêu biểu ở địa phương.

Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình nội dung giáo dục tài liệu địa phương, quan tâm giáo dục bảo tồn văn hóa địa phương với các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10 và lớp 11. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn sử dụng nội dung giáo dục tài liệu giáo dục địa phương cho tất cả các đơn vị bao gồm 10 Phòng GD&ĐT và 28 trường THPT. Cùng với đó, linh động bố trí cán bộ, giáo viên phụ trách các chủ đề lịch sử, địa lý, ngữ văn, mỹ thuật, âm nhạc và lồng ghép các hoạt động về nguồn và giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng cho học sinh. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đã chú trọng tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham quan thực tế các danh lam, thắng cảnh, các hoạt động về nguồn, di tích văn hóa lịch sử địa phương Bình Thuận. Điển hình như di tích Trường Dục Thanh, tháp Posahnu, văn hóa dân tộc Chăm, làng nghề truyền thống, các danh nhân Bình Thuận (Ung Chiếm, Trương Gia Mô), Khu căn cứ Tỉnh ủy…

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, qua triển khai thực hiện chương trình giáo dục địa phương, không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên, hun đúc niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, trách nhiệm công dân mà còn là cách giúp học sinh nhận thức sâu sắc thêm lịch sử dân tộc.

Học sinh THPT tham quan Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm.

Còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, chương trình giáo dục địa phương còn gặp khó khăn. Đó là công tác bồi dưỡng, đào tạo chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chưa đồng bộ, hiện tại giáo viên dạy âm nhạc cấp THPT, toàn tỉnh chỉ có 1 giáo viên đủ tiêu chuẩn dạy bộ môn này. Việc bố trí giáo viên dạy chương trình giáo dục địa phương chưa đồng đều giữa các đơn vị, do số lượng giáo viên thừa thiếu cục bộ ở một số môn học. Mặt khác, việc phát hành sách vào đầu mỗi năm học chưa kịp thời do nhiều nguyên nhân khách quan như chưa có nhiều kinh nghiệm trong biên soạn, thẩm định tài liệu, việc thu thập tài liệu để viết sách; tìm và gặp gỡ các nghệ nhân; đi thực tế tại các làng nghề truyền thống, một số nội dung còn thiếu; trong quá trình viết chủ đề tác giả có thay đổi linh hoạt theo tình hình thực tế...

Để thực hiện tốt nội dung giáo dục địa phương, đặc biệt là việc giảng dạy bộ môn lịch sử và lịch sử địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị tỉnh quan tâm tổ chức các Cuộc thi và phổ biến trong toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, để thu hút và lan tỏa niềm đam mê môn lịch sử và lịch sử đảng bộ tỉnh nhà. Cùng với đó, đa dạng hóa hình thức giáo dục, học tập, trải nghiệm, giúp học sinh, hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử địa phương; hình thành ở học sinh ý thức việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc sử dụng các thiết chế văn hóa dùng chung cho học sinh có điều kiện vui chơi, giải trí, thể thao, dã ngoại kết hợp với các hoạt động về nguồn tại các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề, khu du lịch... góp phần đưa di tích, lịch sử, văn hóa địa phương gần gũi hơn với các em học sinh.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/khoi-day-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc-cho-hoc-sinh-qua-chuong-trinh-giao-duc-dia-phuong-118998.html