Khởi động dự án chấm dứt bạo lực đối với trẻ em

Dự án Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em (EVAC) được khởi động giúp thanh thiếu niên ở 17 xã thuộc 4 huyện của hai tỉnh Yên Bái, Điện Biên tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bạo lực.

Hôm nay ngày 6/1/2017, Hội thảo Khởi động Dự án Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em (EVAC - End Violence against Children) của Tầm nhìn Thế giới Việt Nam được tổ chức thành công tại Hà Nội.

Đây là dự án của tổ chức Tầm nhìn Thế giới hướng đến việc tạo môi trường cho thanh thiếu niên dễ bị tổn thương (trong độ tuổi 12-24) được chăm sóc và bảo vệ khỏi nạn mua bán người, bị xâm hại, xao nhãng, bóc lột và những hình thức bạo lực khác thông qua sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.

Dự án được triển khai trên địa bàn 17 xã thuộc các huyện Lục Yên, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái và các huyện Mường Chà, Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên trong thời gian 4 năm (2016 - 2020).

Tổng kinh phí dự kiến của dự án là 1,56 triệu USD do Tầm nhìn Thế giới Hoa Kỳ tài trợ.

Bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam phát biểu khai mạc

Hội thảo khởi động hôm nay có sự tham gia của đại diện các đối tác trung ương và địa phương như bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, các sở, ngành chuyên môn tại các tỉnh và lãnh đạo các huyện thuộc dự án, cũng như các tổ chức phi chính phủ và quốc tế .

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam nhận định bảo vệ trẻ em - một vấn đến xã hội hết sức khó khăn, là nhiệm vụ mà không một tổ chức hay cá nhân nào có thể đơn phương giải quyết.

"Đây không lần đầu tiên chúng ta bắt tay hợp tác, Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam đã có nhiều cơ hội làm việc với các sở, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, huyện, thậm chí đến cấp xã, các tổ chức quốc tế như UNICEF, PLAN International, cũng như các quốc gia trong khu vực", bà Trần Thu Huyền nói.

"Mục tiêu của tất cả chúng ta là tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi những rủi ro dẫn đến sự xâm hại đối với trẻ em, tạo môi trường an toàn để chăm sóc và bảo vệ trẻ em", bà Huyền nhấn mạnh.

Để đối phó thành công với các vấn đề bạo lực phức tạp đang nổi lên đối với trẻ em hiện nay như tảo hôn, bóc lột lao động, buôn bán, bạo hành..., bà Trần Thu Huyền cho rằng tiêu chí quan trọng là thay đổi về tư duy và văn hóa, cũng chính là các rào cản lớn nhất trong hoạt động phát triển nói chung, và phòng chống bạo lực đối với trẻ em nói riêng.

Trao đổi về thực trạng bạo lực trẻ em, bà Thân Thị Hà, Giám đốc điều hành các chương trình của Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam cho biết gần 74% trẻ em từ 2-14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.

Qua đó, bà Thân Thị Hà nhận định: "Bạo lực trẻ em có rất nhiều hình thức. Việc bảo vệ trẻ em không chỉ là ngăn chặn bạo lực mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển sinh kế và phòng chống thiên tai".

Chia sẻ về dự án EVAC, ông Dương Ngọc Khánh, Quản lý Dự án, nhấn mạnh các kết quả mong muốn về thay đổi thái độ, hành vi của trẻ em và thanh thiếu niên để tự bảo vệ; tiếp cận dịch vụ phù hợp cho gia đình và người chăm sóc trẻ; xây dựng cộng đồng vững mạnh và làm việc cùng nhau để tạo môi trường an toàn, bảo vệ trẻ; giảm thiểu các rào cản nhằm giải quyết bạo lực trẻ em, bao gồm cả mua bán người.

Dự án sẽ đi vào các hoạt động nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, đào tạo nghề và khởi nghiệp, hỗ trợ pháp lý, vận động chính sách, đối thoại, truyền thông..., trong đó ưu tiên các trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất.

Trao đổi tại hội thảo, bà Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng 9, Cục Tham mưu cảnh sát, Tổng cục Cảnh sát bộ Công an, đánh giá cao việc dự án tập trung vào các hoạt động cụ thể và hướng về cơ sở, phù hợp với quyết tâm của Chính phủ trong các chính sách phòng chống mua bán người, trong đó có phòng chống mua bán trẻ em.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/khoi-dong-du-an-cham-dut-bao-luc-doi-voi-tre-em-d112504.html