Khởi nghiệp ở vùng lòng hồ thủy điện

Những chàng trai trẻ trong Hợp tác xã (HTX) Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai nói với chúng tôi rằng, số vốn lớn nhất họ có khi khởi nghiệp là sức trẻ và niềm đam mê kinh doanh.

Bài 1: Chuyện của cô gái Mông bán hàng rong trở thành giám đốc du lịch

Bài 2: Đưa công nghệ Israel về với người Mông

Bài 3: Làm giàu không khó

Bài 4: Khởi nghiệp ở vùng lòng hồ thủy điện

Cầu Pá Uôn, một trong những điểm đến trong tour du lịch lòng hồ của HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Ảnh: CTV

Cầu Pá Uôn, một trong những điểm đến trong tour du lịch lòng hồ của HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Ảnh: CTV

Cuộc ra mắt ấn tượng

Cuối tháng 5-2017, những chàng trai trẻ của HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai mang 25kg cá tép dầu khô về Hà Nội giới thiệu và bán sản phẩm. Lần đầu tiên ra mắt thị trường Thủ đô, số cá này được bán hết veo chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Hầu hết khách hàng lạ lẫm với món cá này, nhưng đều hứng khởi rút hầu bao ra mua cho gia đình 1-2 gói cá, bởi phong cách giới thiệu hàng chân thật và tự tin của các chàng trai 9x người dân tộc Thái đến từ huyện Quỳnh Nhai, Sơn La.

Là Văn Phong, 24 tuổi, Giám đốc HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai luôn nở nụ cười tươi khi trò chuyện với mọi người. “Đây là cá tép dầu - đặc sản của lòng hồ thủy điện Sơn La. Vào ban đêm, người dân dùng đèn dụ cá tới quây kín vó bè rồi đánh bắt. Chúng tôi thu mua của bà con, làm sạch cá, tẩm ướp gia vị đặc trưng của người Thái rồi phơi khô, đóng túi. Sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, không chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Loại cá này thịt ngọt, vị thơm. Hầu hết người đã từng sử dụng đều có phản hồi tốt” – Phong hào hứng giới thiệu. Cá tép dầu là sản phẩm thủy sản đầu tiên của HTX Thủy sản và Du lịch Quỳnh Nhai nảy sinh từ ý tưởng phải có một sản phẩm nào đó để khách du lịch mang về làm quà của Phong.

HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai ra đời từ năm 2016, xuất phát từ niềm đam mê kinh doanh của Phong và 3 người bạn Lù Văn Bình, Tòng Văn Sương, Điêu Đức Trọng. Phong kể: “Từ nhỏ, tôi đã thích làm kinh doanh rồi. Huyện Quỳnh Nhai có vùng hồ thủy điện Sơn La mênh mông với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Thú thực là để quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, tôi đã phải trăn trở, mất ngủ nhiều đêm. Khi đã định hình được hướng đi, tôi rủ các bạn có cùng sở thích kinh doanh góp vốn thành lập HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Sau đó một thời gian, HTX đăng ký kinh doanh thêm mặt hàng thủy sản. Chúng tôi chính thức được cấp phép thành lập HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai tháng 2-2017. Lúc này, thành viên của HTX tăng lên 8 người”.

Ban đầu, nghe Phong nói sẽ kinh doanh du lịch, gia đình chàng trai này phản đối quyết liệt. “Từng rất vất vả trong nghề kinh doanh nên bố mẹ định hướng cho tôi vào làm việc trong cơ quan Nhà nước. Khi tôi nói sẽ đầu tư kinh doanh, bố mẹ rất bất ngờ và lập tức phản đối. Bà con trong xóm cũng xì xào bàn tán, vì theo nếp thường những người học đại học như tôi chắc chắn sẽ được làm cán bộ Nhà nước. Điều đó càng làm cho bố mẹ tôi lo lắng. Tôi phải nhờ thầy giáo chủ nhiệm là Phó Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Tây Bắc tới thuyết phục bố mẹ hộ tôi. Cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý và tôn trọng quyết định của tôi” - Phong nhớ lại.

Chúng tôi có sức trẻ và lòng đam mê

Quá trình gây dựng thương hiệu, Phong và các cộng sự phải dành toàn bộ tâm sức cho HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Phong bảo: “Thuận lợi lớn nhất là chúng tôi có sức trẻ và lòng đam mê. Trước mắt, chúng tôi còn rất vất vả vì mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu”. 8 thành viên của HTX được chia làm 2 mảng, 4 người lớn tuổi phụ trách việc nuôi trồng thủy sản, 4 người trẻ tuổi phụ trách du lịch.

HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai hiện chuyên cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ: Thiết kế tổ chức tour du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; cho thuê thuyền du lịch lòng hồ; hướng dẫn viên và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Trong 4 sản phẩm dịch vụ này của HTX, khó nhất là đầu tư tổ chức tour du lịch lòng hồ. Để mở tua, HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai liên kết với các nhà nghỉ, nhà hàng và nhà dân làm dịch vụ homestay. Ban đầu, HTX phải thuê thuyền của dân. Đến nay, Phong và các cộng sự đã góp vốn sắm được chiếc thuyền.

Phong giới thiệu: “Hiện tại, chúng tôi mở 2 tour du lịch (một ngày và hai ngày một đêm) tham quan các danh lam của Quỳnh Nhai và du ngoạn lòng hồ thủy điện Sơn La. Du khách sẽ được đi thuyền du ngoạn lòng hồ ghé thăm đền Linh sơn Thủy từ, tới cầu Pá Uôn nối nhịp đôi bờ sông Đà. Cây cầu này được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam. Sau đó, thuyền tiếp tục đưa du khách tới thăm địa điểm trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ đang ngập sâu dưới lòng hồ. Ở vị trí này có xây dựng một tháp đánh dấu cơ quan huyện cũ. Du khách có thể tắm sông, câu cá. Kết thúc chuyến đi, du khách sẽ được ghé thăm một bản người Thái, tham gia vòng xòe, xem biểu diễn văn nghệ. Trong suốt chuyến đi, du khách được phục vụ các bữa ăn chính gồm các món đặc sản của người dân bản địa”.

Du khách thích thú tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: PBS

Du lịch sông nước nên yếu tố an toàn cho du khách được Phong đặt lên hàng đầu. "Sự an toàn và mức độ hài lòng của quý khách là quyết định sự sống còn của HTX. Do đó, khi xếp tour chúng tôi chỉ nhận đủ số lượng khách phù hợp với tải trọng thiết kế của thuyền, cấp đủ áo phao cho khách” - Phong nói.

Ở khâu quảng bá hình ảnh, Phong tận dụng mạng xã hội và sự truyền miệng của những người khách đã sử dụng sản phẩm của HTX. Phong và các cộng sự lập trang facebook: DulichsinhthaiQuynhNhai giới thiệu hoạt động của HTX và cảm nhận của du khách. “Kênh quảng cáo chủ yếu của chúng tôi là qua mạng xã hội facebook và zalo. Nó rất hữu ích vì chi phí quảng cáo thấp, lượng người xem nhiều và có thể tương tác bất cứ lúc nào ” - Phong cho biết thêm - “Quan trọng nhất là tạo sự hài lòng của khách hàng, họ sẽ là kênh quảng cáo tốt nhất cho HTX của chúng tôi. Chúng tôi đều là những người trẻ, có nhiệt huyết và sẵn lòng phục vụ tốt nhất các nhu cầu của khách. Nhiều đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh đến đây, sau đó vẫn quay lại nhiều lần, vì họ cảm nhận được sự chân tình, chu đáo của chúng tôi”.

Nhìn lại gần 2 năm hoạt động, Giám đốc Phong bảo may mắn chưa bị thất bại lần nào, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi phải vừa học, vừa làm. Thời gian đầu, thu nhập thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống, có người muốn bỏ cuộc, nhưng chúng tôi đã ngồi lại với nhau bàn bạc để tìm ra lối đi riêng. Một điều may mắn là chúng tôi luôn nhận được sự tư vấn, động viên của thầy cô trường Đại học Tây Bắc, đặc biệt là thầy Hùng Xuân Trọng, mỗi khi gặp khó khăn” - Phong chia sẻ.

Tương lai phía trước vẫn còn nhiều vất vả, nhưng Phong và các cộng sự rất vững tâm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc tổ chức các tua du lịch tốt nhất cho du khách. Chúng tôi rất mong sẽ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để xây dựng điểm đến, đầu tư tàu 2 tầng vận chuyển khách và một nhà hàng nổi” - Phong cho biết.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoi-nghiep-o-vung-long-ho-thuy-dien/