Khởi nguồn đầu tư vào thị trường viễn thông

Việc Luật Viễn thông chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lựi hơn cho sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông.

Ngày 1/7/2010 tới đây, Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 23/11/2009 (Luật Viễn thông) sẽ chính thức có hiệu lực và thay thế Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10. Kinh doanh viễn thông Hoạt động kinh doanh viễn thông được phân chia rạch ròi như sau: Hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông nhằm mục đích sinh lợi; Hoạt động kinh doanh hàng hóa viễn thông chú trọng vào hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cho thuê phần mềm và vật tư, thiết bị viễn thông nhằm mục đích sinh lợi. Đầu tư vào lĩnh vực viễn thông Kể từ khi Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 7/11/2007, đối với hầu hết các dịch vụ viễn thông cơ bản, các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép thành lập liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam với phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh đối với các dịch vụ không có hạ tầng mạng, còn đối với các dịch vụ có hạ tầng mạng, tỷ lệ này sẽ bị hạn chế ở mức 49%. Sắp tới, vào ngày 7/11/2010, đánh dấu 3 năm gia nhập WTO, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép mở rộng phạm vi đầu tư của mình, được quyền liên doanh và tự do chọn đối tác với phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 65% vốn pháp định của liên doanh. Ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký đầu tư thông thường, để được phép cung cấp các loại dịch vụ viễn thông, nhà đầu tư phải tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Song, dù cánh cửa viễn thông mở rộng hơn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò chi phối trong việc nắm giữ cổ phần trong doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng - yếu tố mang tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Danh mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối sẽ do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Giấy phép viễn thông Giấy phép viễn thông được phân chia thành hai loại, bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông. Trong đó, giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm: giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm, được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông; có thời hạn không quá 10 năm, được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng. Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định, phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, các biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin để được cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Trong khi đó, các điều kiện đặt ra đối với việc cấp phép nghiệp vụ viễn thông chủ yếu dựa vào các cam kết của nhà đầu tư về sự tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, về môi trường biển, chịu sự kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa tuyến cáp trong vùng biển Việt Nam và chịu mọi chi phí cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn… Quản lý cạnh tranh Viễn thông là một trong những lĩnh vực tồn tại sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, vì vậy Nhà nước đặc biệt chú trọng đến việc quản lý cạnh tranh đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng mà Nhà nước cần quản lý cạnh tranh, Danh mục doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, quy định và tổ chức thực hiện biện pháp quản lý nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông khi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% - 50% trên thị trường dịch vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Dương Thị Mai Hương Cty Luật Việt (www.luatviet.com)

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20100519113721830cat67/khoi-nguon-dau-tu-vao-thi-truong-vien-thong.htm