Khởi nguồn lá đơn kêu oan của nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên (Kỳ 1)

Liệu rằng việc quyết định khởi tố bị can sau đó VKSNDTC quyết định truy tố đối với ông Dương Quang Hợp về tội 'Ra quyết định trái pháp luật' có phải 'là cảm tính'?

Kỳ 1: Lá đơn kêu oan của nguyên Viện Phó xứ “Chè”?

Chúng tôi nhận được “Đơn kêu cứu” của ông Dương Quang Hợp (nguyên là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên) về việc cơ quan điều tra VKSND TC đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hợp về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 296 BLHS.

Khởi nguồn lá đơn kêu oan?

Trong đơn gửi đến báo chí, ông Dương Quang Hợp đề rõ, với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao về việc giải quyết vụ ánh hình sự Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trên cương vị là một Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ án nêu trên, ông đã làm đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong hoạt động tư pháp và phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Sự việc bắt nguồn từ vụ án Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh bị CQĐT – CA tỉnh Thái Nguyên khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đơn thư của ông Hợp, trong quá trình điều tra vụ án trên, CQCSĐT – CA tỉnh Thái Nguyên đã kê biên tài sản đó là 12 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 31, tổ 17, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên (trung tâm chăm sóc thẩm mỹ và tổ chức tiệc cưới Quỳnh Anh) của ông Bắc và nhà đất tại tổ 12, phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên diện tích 243m2, thửa số 1352, tờ bản đồ số 4 của ông Dũng. Đây là số tài sản mà trước đó Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã bán cho ông Dương Văn Bắc và ông Nguyễn Quốc Dũng việc mua bán, chuyển nhượng đã hoàn tất, bên bán là vợ chồng Quỳnh Anh đã nhận đủ tiền, bên mua là ông Bắc và ông Dũng đã nhận tài sản là nhà đất, giữa bên mua và bên bán không có tranh chấp khiếu kiện gì.

Ông Hợp ôm đơn đi kêu cứu

Việc giao dịch mua bán chuyển nhượng giữa ông Bắc và vợ chồng Quỳnh Anh có sự chứng kiến của Ngân hàng Nông nghiệp huyện Định Hòa, tỉnh Thái Nguyên vì tại thời điểm đó số tài sản này vẫn đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Định Hóa. Còn việc mua bán giữa ông Dũng với vợ chồng Quỳnh Anh có đại diện tổ dân phố chứng kiến. Ông Hợp khẳng định việc kê biên số tài sản nêu trên của CQCSĐT là trái với quy định của pháp luật vì đã kê biên tài sản của người khác. Khi vụ án đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn được giao nên việc ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản nêu trên để trả lại tình trạng ban đầu cho ông Bắc và ông Dũng là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, đối với tài sản là 12 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 31, tổ 17, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên thuộc trung tâm chăm sóc thẩm mỹ và tổ chức tiệc cưới mà ông Hợp đã ra quyết định trả lại tài sản cho ông Dương Văn Bắc vì xét thấy giao dịch giữa vợ chồng Quỳnh Anh và ông Bắc hoàn toàn ngay tình, số tài sản này vợ chồng Quỳnh Anh đang thế chấp tại Ngân hàng Định Hóa do làm ăn thua lỗ sắp đến kỳ trả nợ lại đã mất khả năng thanh toán cho ngân hàng nên vợ chồng Quỳnh Anh thỏa thuận bán cho ông Dương Văn Bắc tài sản nêu trên bằng đúng số tiền vợ chồng Quỳnh Anh nợ Ngân hàng Định Hóa. Được sự đồng ý của ngân hàng, ông Dương Văn Bắc đã trả toàn bộ số tiền 8.328.963.167 đồng vào ngân hàng (có 06 biên lai nộp tiền) mà vợ chồng Quỳnh Anh đang nợ.

Sau khi tất toán với ngân hàng, Võ Khánh Dương rút Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngân hàng ra và sau đó vợ chồng Quỳnh Anh và ông Dương Văn Bắc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nhà đất. Tại thời điểm CQCSĐT ra lệnh kê biên thì ông Dương Văn Bắc đang làm thủ tục sang tên đổi chủ tại cơ quan có thẩm quyền.

Đối với việc kê biên nhà đất tại tổ 12, phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên diện tích 243m2, thửa số 1352, tờ bản đồ số 4 mà ông Hợp ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên trả lại tài sản cho ông Nguyễn Quốc Dũng vì xét thấy nguồn gốc thửa đất là do bà Chử Thị Nhâm (mẹ đẻ của Nguyễn Thị Quỳnh Anh) tặng cho Quỳnh Anh từ năm 1997. Vợ chồng Quỳnh Anh đã được UBND TP Thái Nguyên cấp GCNQSDĐ số AC 014031 ngày 25/03/2005. Trong quá trình kinh doanh bị thua lỗ nên vợ chồng Quỳnh Anh đã vay mượn tiền của Nguyễn Quốc Dũng (Dũng là anh trai của Quỳnh Anh) nên đã chuyển toàn bộ số tài sản nhà đất tại tổ 12, phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên cho Nguyễn Quốc Dũng việc mua bán chuyển nhượng trả tiền giữa ông Dũng với vợ chồng Quỳnh Anh có đại diện tổ dân phố chứng kiến.

Ông Hợp cho biết: Hồ sơ tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện rất rõ các giao dịch mua bán chuyển nhượng tài sản giữa vợ chồng Võ Khánh Dương; Nguyễn Thị Quỳnh Anh với ông Dương Văn Bắc và ông Nguyễn Quốc Dũng đã hoàn tất trước khi vụ án xảy ra.

Việc vợ chồng Quỳnh Anh vay tiền để phục vụ kinh doanh là hợp pháp vì không bị pháp luật cấm việc vay mượn. Toàn bộ số tiền vợ chồng Quỳnh Anh vay và có được là tiền hợp pháp và vợ chồng Quỳnh Anh được toàn quyền sử dụng mà không bị hạn chế bởi điều kiện gì, ngoại trừ bị pháp luật cấm.

Ở đây, việc vợ chồng Quỳnh Anh vay mượn tiền bắt đầu chủ yếu từ cuối năm 2007 đầu năm 2008 trong điều kiện năng lực pháp luật của vợ chồng Quỳnh Anh không hề bị hạn chế tài sản của họ hình thành hợp pháp rồi chuyển nhượng hợp pháp. Vậy thì có thể khẳng định nguồn gốc của tài sản này không bao giờ có thể cho rằng hình thành từ nguồn bất hợp pháp.

Cũng theo lời ông Hợp, trước thời điểm ông ký các quyết định hủy bỏ các lệnh kê biên này thì đã có văn bản hướng dẫn giải quyết vụ án Nguyễn Quỳnh Anh của VKSNDTC với nội dung: Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Thái Nguyên chưa chứng minh được Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, chưa chứng minh được Quỳnh Anh và Khánh Dương sử dụng tài sản vay vốn vào mục đích bất hợp pháp, chưa định giá được giá trị tài sản và khả năng thanh toán công nợ của Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương.

Tài liệu có trong hồ sơ cũng chưa có căn cứ vững chắc xác định Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, tại thời điểm khởi tố thì mới có 02 khoản vay đến hạn trả nợ với số tiền 300.000.000 đồng”.

Cũng theo lời ông Hợp kêu cứu rằng, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa điều tra làm rõ tài sản nào của vợ chồng Quỳnh Anh hình thành từ tiền vay của những người bị hại trong vụ án, tài sản nào do phạm tội mà có, là vật chứng của vụ án, tài sản nào thuộc diện kê biên... để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc đã kê biên cả những tài sản của người khác đã chuyển nhượng hợp pháp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người thứ ba ngay tình trong vụ án này đó là trường hợp của ông Bắc và ông Dũng.

Cần điều tra làm rõ

Ngoài ra, theo ông Hợp thì trong quá trình điều tra vụ án, CQCSĐT đã chưa điều tra làm rõ về một số hành vi như: hành vi cho vay nặng lãi, hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hành vi cưỡng đoạt tài sản của vợ chồng Quỳnh Anh của một số đối tượng liên quan đã được thể hiện trong lời khai của các bị can khiến quá trình giải quyết đối với vụ án này thiếu khách quan toàn diện.

Việc kê biên tài sản trái quy định pháp luật của CQCSĐT đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người đã tham gia giao dịch mua bán ngay tình với vợ chồng Quỳnh Anh, ông Dương Quang Hợp đã ký quyết định hủy bỏ lệnh kê biên với mong muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Ông Hợp chia sẻ: "Trên cương vị là Phó Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên là người gánh nặng trọng trách, nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, ông cũng khẳng định đã cố gắng hết sức mình chỉ đạo và cùng cấp dưới nghiên cứu xem xét rất kỹ để có phương án giải quyết vụ án một cách khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật. quyền lợi hợp pháp của công dân được bảo vệ, làm giảm bớt hậu quả của vụ án."

"Riêng trong vụ án Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh, việc tôi xác định lệnh kê biên kê biên của CQCSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên là trái pháp luật để chỉ đạo cấp dưới làm thủ thục ra quyết định trả lại tình trạng ban đầu đối với tài sản cho những người có liên quan là cần thiết, có cơ sở vững chắc, đúng quy định của pháp luật".

Đến ngày 03/5/2017 Cơ quan ĐT VKSTC đã ra bản kết luận điều tra về vụ án hình sự số 11/VKSTC - C1 về tội "Ra quyết định trái pháp luật" do ông Lại Viết Quang - Phó Thủ trưởng CQĐT VKSTC ký đề nghị VKSTC truy tố ông Dương Quang Hợp về tội "Ra quyết định trái pháp luật" theo khoản 3 Điều 296 Bộ luật hình sự. Cũng theo ông Dương Quang Hợp, đây là kết luận hoàn toàn không đúng với bản chất sự việc: Bản kết luận điều tra thể hiện rõ sự chủ quan, chưa phản ánh đúng sự thật. Điều tra viên đã áp đặt ý thức chủ quan để rồi đánh giá sai sự thật khách quan của vụ việc, cố ép để lái sự việc theo hướng có sự kiện phạm tội xảy ra".

Trách nhiệm của cơ quan ĐT VKSND Tối cao trong việc đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ định hướng chủ quan nhằm mục đích quy kết cho bằng được đối với ông Hợp về tội ra quyết định trái pháp luật phải được công luận và pháp luật nhìn nhận công bằng, ông Hợp thấy oan khuất và bức xúc.

Dư luận sẽ không khỏi thắc mắc, liệu rằng việc quyết định khởi tố bị can; bản kết luật điều tra của CQĐT VKSND Tối cao và sau đó VKSNDTC quyết định truy tố đối với ông Dương Quang Hợp về tội "Ra quyết định trái pháp luật" có phải "là cảm tính"? Có hay không việc các Cơ quan tố tụng VKSND tối cao "cố tình" ra quyết định đã, đang rơi vào tình trạng "trái pháp luật"? Mong rằng, với đơn thư kêu cứu này, rất nhiều nghi vấn chưa được làm rõ, đẩy ông Hợp vào tình trạng kêu oan, đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ.

Còn tiếp…

PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/khoi-nguon-la-don-keu-oan-cua-nguyen-pho-vien-truong-vksnd-tinh-thai-nguyen-p42850.html