Khởi sắc diện mạo nông thôn mới

Trở về vùng ngoại thành Hà Nội hôm nay, mọi người không khỏi ngỡ ngàng về diện mạo nông thôn mới, sự đổi thay của các miền quê.

Những con đường thôn, xóm được bê tông hóa, những ngôi trường, trạm y tế và nhà văn hóa được xây dựng khang trang, to đẹp hơn. Sản xuất nông nghiệp cũng đã được cơ giới hóa với nhiều máy gặt, máy cấy mạ khay và áp dụng nhiều tiến bộ KHKT... Do vậy, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, điều kiện sản xuất được thuận lợi, đời sống văn hóa tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Từ những thành tựu này mà Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Cũng chính từ chương trình xây dựng nông thôn mới nhân dân rất phấn khởi, kỳ vọng và nhân lên niềm tin vào mỗi chủ trương, chính sách của Đảng - Nhà nước trong giai đoạn mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng hoa lan của Công ty TNHH hoa Anh Trí.

Sáng tạo, thống nhất cao trong chỉ đạo

Để triển khai Chương trình số 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, Thành ủy Hà Nội đã tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiệu quả từ chương trình này đã được chỉ rõ, những ưu điểm, hạn chế cũng được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong 5 năm tới. Cùng với sự sáng tạo, thống nhất, quyết liệt trong chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền là sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đoàn thể. Đặc biệt, sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân nơi đây đã góp phần không nhỏ làm lên những kỳ tích xây dựng nông thôn mới hôm nay của Thủ đô Hà Nội. Bởi, không ai khác chính người dân các địa phương xây dựng nông thôn mới được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình này. Cũng chính họ là người được phát huy quyền làm chủ, được trực tiếp bàn bạc, góp ý mở rộng các cung đường, rồi tự nguyện đóng góp công, của và hiến đất làm đường, nên nhân dân có trách nhiệm hơn cùng tham gia giám sát, đóng góp thi công hoàn thành các công trình.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải:

“Ngay từ những tháng đầu năm 2016, Thành ủy đã khẩn trương xây dựng các chương trình nhằm cụ thể hóa và lãnh đạo tổ chức thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá để phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI diễn ra trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, cạnh tranh gay gắt, tác động đến tất cả các lĩnh vực nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Do vậy, phát huy kết quả đạt được, Hà Nội cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm và phải có những giải pháp khắc phục sớm các hạn chế”.

Giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi xã đầu tư khoảng trên 79,6 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây mới, nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Xây mới, nâng cấp 151 trạm xá, 789 trường học, 75 nhà văn hóa và Trung tâm thể thao xã, 352 nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn. Đến nay đã có 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 52,07%; 22 xã đang trình thành phố công nhận xã chuẩn; Huyện Đông Anh, Đan Phượng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Trì, Hoài Đức đang trình trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Do vậy, 5 năm qua ngoài ngân sách đầu tư gần 63,6 nghìn tỷ đồng, Hà Nội còn huy động nguồn vốn từ sự đóng góp xã hội hóa của người dân, doanh nghiệp (quy đổi thành tiền) 10,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới (tỷ lệ này rất cao so với cả nước).

Nhân dân tin tưởng, yên tâm đầu tư sản xuất quy mô lớn

Thực tế cho thấy, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, tăng cường. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, chi bộ được nâng lên và có nhiệm vụ cụ thể để chỉ đạo, có tiêu chí cụ thể để đánh giá. An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững. Nhờ chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền mà công tác dồn điền, đổi thửa đạt hiệu quả cao, tạo thuận lợi cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Từ đây nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thành phố đã chuyển đổi được trên 62,6 nghìn ha cây trồng sang mô hình chuyên canh (chiếm 37,5% diện tích đất canh tác). Chuyển đổi 10 nghìn ha sang mô hình thâm canh thủy sản (chiếm gần 98% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản). Mô hình rau an toàn, hoa, cây ăn quả, vùng chăn nuôi gia cầm, thủy sản đạt giá trị cao từ 0,5 đến1,5 tỷ/ha/năm, thậm chí có mô hình đạt gần 2 tỷ/ha/năm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp đôi so với năm 2011, số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng văn hóa được chú trọng cả về chất và lượng, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy. Đó là kết quả rất đáng phấn khởi, tạo nên những khởi sắc, sự đổi thay cơ bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng nên Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nhiệt tình, gương mẫu, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của mỗi người dân. Với nỗ lực và quyết tâm cao trong chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND cùng sức mạnh niềm tin của nhân dân được nâng cao, thời gian tới Hà Nội sẽ tạo được kỳ tích mới, tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Huyện ủy Đông Anh:

“Từ năm 2011 đến nay, vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của huyện là 2.642 tỷ đồng (ngân sách trung ương, thành phố 340,5 tỷ đồng; Huyện 1.310 tỷ đồng; Xã 505,4 tỷ đồng; Chương trình lồng ghép 103,2 tỷ đồng; Xã hội hóa 182,6 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp 200,5 tỷ đồng). Ngoài ra nhân dân hiến 48,58ha đất trị giá hàng trăm tỷ đồng, 2 xã còn lại sẽ phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trình thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không bằng lòng với thành tích huyện đạt nông thôn mới, Huyện ủy đang tập trung chỉ đạo nâng cao tiêu chí theo bộ tiêu chí mới của trung ương và xây dựng xã điển hình, kiểu mẫu nông thôn mới của huyện”.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng:

“Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện nông thôn mới Đan Phượng là diện tích các vùng sản xuất chuyên canh tăng nhanh với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện các xã đều dành quỹ đất để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vào khu chăn nuôi tập trung, phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất chăn nuôi ngày càng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp. Để sản phẩm nông nghiệp thực sự mang lại giá trị bền vững, huyện tập trung tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VIETGAP. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mũi nhọn”.

Liên Châu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/861346/khoi-sac-dien-mao-nong-thon-moi