Khốn khổ vì thủy điện

Hàng loạt nhà máy thủy điện được xây dựng tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An khiến hàng ngàn hộ dân phải di dời chỗ ở, mất đất sản xuất; sông suối bị băm nát, hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Có mặt tại hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vào những ngày giữa tháng 4-2017, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ dân bất chấp nguy hiểm làm bè nổi, dựng lều, lán trại tạm bợ ven hồ để mưu sinh.

Sống chung với... đèn dầu bên nhà máy thủy điện

Thủy điện Bản Vẽ có công suất 320 MW, là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung. Khi tiến hành xây dựng nhà máy thủy điện, khoảng 3.000 hộ dân với trên 14.000 người phải di dời, gần 5.500 ha diện tích đất bị nhấn chìm dưới nước.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chủ đầu tư chỉ bồi thường cho người dân phần diện tích đất bị ngập nước. “Gia đình tôi chuyển đến huyện Thanh Chương cả chục năm nay nhưng xuống đó không có đất sản xuất nên quay lại khu vực lòng hồ, dù bất hợp pháp nhưng kiếm được cái ăn hằng ngày… Nhiều gia đình chuyển đến nơi tái định cư (TĐC) cũng quay về nơi cũ như chúng tôi” - anh Lương Văn P. (trú xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương) phân trần.

Không có đất sản xuất, người dân liều mình quay về khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mưu sinh

Ngoài những hộ dân buộc phải di dời, TĐC nơi khác, nhiều người ở các xã của huyện Tương Dương như Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn... cũng “hy sinh” một phần lớn đất ở, đất sản xuất để xây dựng nhà máy thủy điện. Họ hy vọng sau này có điện, cuộc sống đỡ khổ hơn nhưng 7 năm nay vẫn phải sống chung với đèn dầu. Ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, trăn trở: “Xã chúng tôi “hy sinh” rất nhiều để xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Thế nhưng, ở gần nhà máy thủy điện công suất lớn mà mới chỉ có 3 bản có điện; 4 bản còn lại, người dân vẫn phải thắp đèn dầu, sống trong cảnh thiếu điện”.

Dự án thủy điện Yên Thắng (khe Huổi Nguyên, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương) còn khiến người dân khốn khổ hơn. Sau khi thu hồi đất, khởi công rầm rộ vào tháng 10-2009, chủ đầu tư không triển khai xây dựng nhà máy thủy điện, thay vào đó là hoạt động khai thác, tận thu vàng sa khoáng. Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân dọc khe Huổi Nguyên bị đào xới tan hoang, môi trường ô nhiễm, sống suối bị “bức tử”… Đến khi vàng sa khoáng hết, chủ đầu tư “tháo chạy”.

Địa phương cũng không được gì

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương có tới 6 dự án nhà máy thủy điện. Trong đó, có những nhà máy công suất rất lớn như Thủy điện Bản Vẽ (320 MW), Thủy điện Khe Bố (100 MW). Việc triển khai xây dựng ồ ạt hàng loạt dự án thủy điện lớn trong thời gian ngắn đã tạo ra nhiều hệ lụy trong công tác quản lý và môi trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: “Việc đền bù đất và bố trí đất sản xuất cho người dân thuộc diện TĐC Thủy điện Bản Vẽ còn nhiều bất cập. Thủy điện chỉ đền bù diện tích đất sản xuất bị ngập nước, đất phía trên của người dân vẫn còn. Người dân thuộc diện đã di dời, TĐC Thủy điện Bản Vẽ lấy lý do về khu vực lòng hồ nơi họ có đất để sản xuất nên gây khó khăn cho huyện. Hiện có khoảng 800 bìa đất và nhiều diện tích đất của người dân thuộc diện TĐC còn vướng mắc, không thể giải quyết dứt điểm được”.

Theo ông Hải, huyện Tương Dương có nhiều nhà máy thủy điện lớn hoạt động nhiều năm nay. Công suất của các nhà máy này chiếm hơn một nửa công suất của tất cả nhà máy trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, huyện không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về mặt tài chính từ phía chủ đầu tư các nhà máy thủy điện.

Nhiều tồn tại phải khắc phục

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra các nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và phát hiện một số tồn tại.

Theo đó, Nhà máy Thủy điện Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cần khắc phục một số vị trí tại mái đập hạ lưu phía gần vai trái bị thấm nhẹ, xử lý khe các tấm file cửa van xả tràn bị rò nước trước mùa lũ năm 2017; bổ sung trang thiết bị chữa cháy.

Nhà máy Thủy điện Nậm Pông (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền hiệu lệnh thông báo trước khi xả nước qua cống xả cát, vận hành nhà máy; lắp đặt các thiết bị quan trắc đập theo quy định.

Nhà máy Thủy điện Hạ Rào Quán (tỉnh Quảng Trị) cần lắp đặt còi báo hiệu khi vận hành phát điện và biển cảnh báo lũ phía hạ du; mở rộng hành lang thoát lũ. Nhà máy Thủy điện A Roàng (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xử lý dứt điểm sạt lở do lũ quét tại khu vực nhà máy, hoàn thành trước mùa lũ 2017...

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/khon-kho-vi-thuy-dien-2017042321305673.htm