Không có cơ sở dừng làm thủ tục hải quan đối với các sản phẩm Coca-Cola

(HQ Online)- Việc Công ty Coca-Cola Việt Nam ghi nhãn cảnh báo “dành riêng cho thị trường Việt Nam/ Không được XK” trên các sản phẩm là vấn đề thuộc quy trình nội bộ nhằm quản lý hàng hóa theo thị trường của Công ty, không phải là cơ sở xác định phạm vi quyền đối với các nhãn hiệu của Công ty theo quy định của pháp luật, Cục SHTT nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phúc đáp những vướng mắc của Tổng cục Hải quan trong thực thi bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm nước giải khát mang nhãn hiệu của Chủ sở hữu quyền THE COCA- COLA COMPANY, Cục SHTT (Bộ KH&CN), nếu những lô hàng nước giải khát mang hiệu Coca- Cola do các DN khác XK là sản phẩm do chính Công ty Coca-Cola Việt Nam đưa ra thị trường Việt Nam thì hành vi XK đó không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu THE COCA-COLA COMPANY theo quy định. Do đó, cơ quan Hải quan không có cơ sở ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan, vì không có bằng chứng về việc có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Theo Tổng cục Hải quan, đơn vị nhận được phản ánh từ Hải quan địa phương trong quá trình thực thi bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm nước giải khát mang nhãn hiệu của Chủ thể quyền THE COCA- COLA COMPANY. Theo đó, 10 nhãn hiệu của Chủ sở hữu quyền COCA- COLA COMPANY đã được chuyển quyền sử dụng cho Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam và được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Trên cơ sở các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nêu trên, Công ty Luật TNHH LNT& thành viên (được ủy quyền của Công ty Coca-Cola Việt Nam) đã có đơn đề nghị áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan về SHTT đối với các nhãn hiệu này và được cơ quan Hải quan chấp nhận với thời hạn đến 18-3-2017. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Công ty Luật LNT& thành viên đã yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan với rất nhiều lô hàng XK mặt hàng nước giải khát do Công ty Coca-Cola Việt Nam sản xuất mà người XK không nằm trong danh sách các nhà XK được ủy quyền do Công ty Luật TNHH LNT& thành viên cung cấp trong hồ sơ.

Công ty Luật TNHH LNT& thành viên cho rằng, việc yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan nói trên là đúng quy định của Luật SHTT tại Khoản 5b, Điều 125 về quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối với sở hữu công nghiệp và Khoản 2b, Điều 144 về hợp đồng sử dụng đối với sở hữu công nghiệp. Ngoài ra Công ty Luật này cũng cho rằng trên mỗi sản phẩm nước giải khát của Công ty Coca-Cola Việt Nam có in dòng chữ “không được XK, chỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam” cũng là để Công ty Coca-Cola Việt Nam thực hiện quyền SHTT của mình.Trong khi đó, các DN XK lại cho rằng, hàng hóa của họ không vi phạm quyền SHTT, là hàng mua từ các đại lý, siêu thị trong nước, có đầy đủ hóa đơn GTGT.

Phúc đáp những vướng mắc trên của Tổng cục Hải quan, Cục SHTT cho biết, theo quy định của Điều 123 Luật SHTT, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu, ngăn cản người khác sử dụng nhãn hiệu và có quyền định đoạt đối với nhãn hiệu.

Trong đó, hành vi “sử dụng”, theo giải thích tại Điều 124 Luật SHTT là các hoạt động gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ; NK hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ. Do vậy, Cục SHTT cho rằng, hoạt động XK không thuộc độc quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Cũng theo Cục SHTT, Khoản 2b Điều 125 Luật SHTT quy định chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó có nhãn hiệu không có quyền ngăn cấm người khác lưu thông, NK, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài. Trong đó, “sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp” được hiểu là sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp, đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài (Khoản 2, Điều 21 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, được sử đổi theo Nghị định 122/2010/NĐ-CP). Như vậy, Cục SHTT cho rằng, với các quy định nêu trên cho thấy cả THE COCA-COLA COMPANY và Công ty Coca-Cola Việt Nam đều không có quyền ngăn cấm các chủ thể kinh doanh không nằm trong danh sách các nhà XK được ủy quyền của Công ty Coca- Cola Việt Nam, tiến hành việc lưu thông, NK, khai thác công dụng và XK các sản phẩm nước giải khát mang nhãn hiệu liên quan đã được đưa ra thị trường một cách hợp pháp (bao gồm cả thị trường Việt Nam và nước ngoài).

Việc Công ty Coca-Cola Việt Nam ghi nhãn cảnh báo “dành riêng cho thị trường Việt Nam/ Không được XK” trên các sản phẩm là vấn đề thuộc quy trình nội bộ nhằm quản lý hàng hóa theo thị trường của Công ty, không phải là cơ sở xác định phạm vi quyền đối với các nhãn hiệu của Công ty theo quy định của pháp luật, Cục SHTT nhấn mạnh.

Theo Cục SHTT, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 73 của Luật Hải quan 2014 quy định, chủ thể quyền SHTT có quyền đề nghị cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT và cơ quan Hải quan chỉ thực hiện các biên pháp nên trên khi chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp; có đơn đề nghị; đưa ra bằng chứng là chủ sở hữu hợp pháp quyền SHTT và đưa ra bằng chứng về việc vi phạm quyền SHTT và đã nộp một khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng để bảo đảm bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh trong trường hợp đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng.

Do vậy, Cục SHTT cho rằng, đối với trường hợp những lô hàng nước giải khát mang nhãn hiệu Coca-Colo do các DN khác (không nằm trong danh sách các nhà XK được ủy quyền của Công ty Coca-Cola Việt Nam) XK là sản phẩm do chính Công ty Coca-Cola Việt Nam đưa ra thị trường Việt Nam, thì hành vi XK không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của THE COCA-COLA COMPANY/Công ty Coca-Cola Việt Nam theo quy định của pháp luật về SHTT và do đó, cơ quan Hải quan không có cơ sở ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan, vì không có bằng chứng về việc có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khong-co-co-so-dung-lam-thu-tuc-hai-quan-doi-voi-cac-san-pham-coca-cola.aspx