“Không có khả năng xảy ra cuộc chiến liên Triều”

VIT - Giới chuyên gia Nga không nghĩ rằng vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc sẽ kích động cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên và nhận định cuộc điều tra thảm họa này không cung cấp đủ bằng chứng.

Tàu hộ tống Cheonan trọng tải 1.200 tấn bị đánh chìm gần Giới tuyến Bắc tranh chấp tại Biển Hoàng Hải hôm 26/3, cướp đi sinh mạng của 46 thủy thủ. Sau khi công bố kết quả điều tra, Seoul cáo buộc Triều Tiên đã nã một quả ngư lôi từ tàu ngầm nhằm vào Cheonan. Hôm 24/5, Hàn Quốc đã đóng băng quan hệ kinh tế và thông tin liên lạc trên biển với quốc gia láng giềng. Quyết định này là cú đòn khác nhằm vào nền kinh tế khó khăn của Triều Tiên do phải chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân vốn gây nhiều tranh cãi lâu nay. Triều Tiên đã trả đũa hôm 25/5 bằng thông báo rằng họ đã cắt đứt tất cả các quan hệ với Seoul và ra lệnh cho lực lượng vũ trang gồm 1,2 triệu quân sẵn sàng chiến đấu. Hai ngày sau, họ tuyên bố ngừng thỏa thuận ngăn chặn các cuộc đụng độ hải quân ngoài khơi bờ biển phía Tây. “Triều Tiên đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế và có thể không muốn lao vào cuộc xung đột quân sự. Hàn Quốc cũng không thể làm được điều này, nhưng có những lý do khác nhau”, Alexander Zhebin, người phụ trách các vấn đề Triều Tiên thuộc Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 27/5. Ông cho biết thêm, theo một thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc, trong trường hợp xung đột quân sự nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, binh lính của Hàn Quốc sẽ tự động hành động dưới sự chỉ huy của Mỹ. “Do đó bất kì cuộc xung đột nghiêm trọng nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được bắt đầu khi có sự tán thành của Mỹ hoặc dựa trên sáng kiến của Washington”, ông khẳng định. Chuyên gia khác, Pavel Leshakov – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Moscow, cũng nhất trí với quan điểm trên. “Sẽ không nổ ra cuộc chiến, nhưng các cuộc đọ súng có thể xảy ra ngay cả khi tồn tại một thỏa thuận ngưng bắn giữa hai miền Triều Tiên”, Leshakov cho biết. Ông cho biết thêm, Hàn Quốc và Triều Tiên hiện không phải bên bờ vực cuộc chiến như thời điểm năm 1994 khi lực lượng Mỹ vạch kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên hiện trong tình trạng nửa vời, “không có chiến tranh và cũng không có hòa bình”, kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc 1950-53 với việc kí kết thỏa thuận đình chiến giữa Triều Tiên và Mỹ. Hàn Quốc hiện có kế hoạch đệ trình lên Liên Hợp Quốc lệnh trừng phạt Triều Tiên do nước này bị cáo buộc liên quan tới vụ chìm tàu hộ tống Cheonan. “Ngay cả khi vấn đề này được đưa ra để cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thảo luận thì HĐBA sẽ dè dặt khi đưa ra quyết định”, một chuyên gia khác về Triều Tiên, Georgy Toloraya, nhận định. Theo chuyên gia này, vấn đề chìm tàu Cheonan không liên quan đến lệnh trừng phạt quốc tế. “Đưa vấn đề này lên HĐBA LHQ để thảo luận sẽ chỉ mang đến nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời”, chuyên gia Leshakov nhấn mạnh. Giới chuyên gia có chung quan điểm rằng, chiến dịch chống lại Triều Tiên có thể nhằm thay đổi thể chế chính trị tại quốc gia này. Tuy nhiên, ý định đó không có khả năng thành công.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/mmuctin/quocte/la77229/default.html