Không có sự cố, không phải là V.League

V.League 2017 được xác định là bản lề để chấn chỉnh bóng đá nội nhưng qua nửa lượt đi, 2 lần VFF phải ra thông báo chỉ đạo để “dẹp loạn”.

Hình ảnh xấu xí và xấu hổ của Long An trên sân Thống Nhất. Ảnh: Duy Anh

Nghịch lý ở chỗ, “loạn” lại bắt nguồn từ chính các CLB với những người đang làm bóng đá hoặc được trao trọng trách đứng đầu, xuất phát từ ý thức và đặc biệt là nghi ngờ tiêu cực, khiến cả giải đấu bị “vấy bẩn” trong sự mất kiểm soát của chính VFF lẫn VPF, Ban tổ chức giải.

V.League thành “cái chợ”

Phản ứng, chỉ trích và những sự cố khi từ khán giả, cầu thủ, HLV, lãnh đội rồi trọng tài và BTC luôn sẵn sàng ở thế đối đầu với nhau. Lượt đi V.League 2017, gần như vòng đấu nào cũng xuất hiện vấn đề tai tiếng, ầm ỹ.

Ngay ngày khai mạc, công tác trọng tài thành tiêu điểm khi Than Quảng Ninh bị từ chối quả penalty và lo ngại “đánh mất niềm tin” trong khi ở Cần Thơ, HLV Vũ Quang Bảo cũng ý kiến về quả 11m bị trọng tài từ chối. Đến vòng 2, đó là tình huống hy hữu khi trọng tài Hiền Triết “tẩu hỏa nhập ma”, 2 lần giơ biển báo bù giờ khiến Long An cho rằng có vấn đề và khán giả nổi giận mạt sát trọng tài. Trong khi đó, sân Nha Trang cũng nổi sóng với “sự cố Omar” dẫn đến “án điểm” 8 trận cho hành vi khiếm nhã của tiền đạo FLC Thanh Hóa rồi sau đó là cuộc phản công của đội bóng xứ Thanh khiến án phạt phải giảm xuống để xoa dịu tình thế. Những ầm ỹ chưa lắng xuống thì vòng 4, thêm “vụ Samson” xuất hiện khi cú bỏ bóng đánh người của chân sút nhập tịch này không bị coi là lỗi từ trọng tài, giám sát đến BTC lẫn Ban trọng tài, Ban kỷ luật nhưng rồi trước sức ép và cả chỉ đạo từ cấp trên, án kỷ luật bù được đưa ra như một trò đùa.

Vòng 5, đến lượt SLNA làm ầm ỹ, cho rằng có tiêu cực khi công nhận bàn thắng của Quảng Nam dù thủ môn Nguyên Mạnh bị phạm lỗi rồi gửi văn bản yêu cầu xem xét công tác trọng tài, không sử dụng trọng tài Trung Kiên B nữa. Trong khi đó, sân Lạch Tray với màn đồng ca chửi trở thành nỗi hổ thẹn của V.League xuất phát từ quả 11m trọng tài Hiền Triết thổi cho Hà Nội và sau đó, Hải Phòng phải đá trên sân không khán giả ở vòng 8.

Một trong những sự vụ đáng xấu hổ nhất lượt đi, đó là sự cố đình công của Long An ở sân Thống Nhất. Cho rằng trọng tài Trọng Thư thổi ép, thiên vị trắng trợn chủ nhà TPHCM, cả đội khách phản đối khiến trận đấu gián đoạn, sau đó quay lại sân đứng im cho đối thủ ghi bàn tạo ra một tấn trò hề khiến V.League nổi tiếng trên toàn thế giới, kéo theo đó là hàng loạt án phạt chưa từng có trong lịch sử giải đấu.

Sang đến vòng 10, lại phản ứng trọng tài và làm loạn ở Hàng Đẫy, khi FLC Thanh Hóa phản ứng với bàn thắng việt vị bị từ chối mà HLV Petrovic đòi tẩn cả trọng tài, còn đội bóng xứ Thanh quy chụp tiêu cực, dù sau đó phải xin lỗi do phản ứng sai. Đến vòng 11, Quảng Nam thất bại ở sân Pleiku bởi bàn thắng rơi vào thế việt vị rõ ràng, gửi văn bản khiếu nại tới VFF, VPF, Ban trọng tài rồi BTC yêu cầu xem xét rồi nghi ngờ tiêu cực khi người đứng đầu đội bóng này có một phát ngôn kinh điển “trọng tài được đào tạo ở trường mù”. Như một trào lưu, vòng 12 đến lượt HAGL gửi đơn kiến nghị sau sự cố đáng xấu hổ khi các thành viên BHL, BLĐ nhảy vào sân phản ứng, kêu gọi cầu thủ không thi đấu nữa. Và vòng 13, có thêm Sài Gòn với thư kiến nghị đòi công bằng lẫn “dằn mặt”, gây sức ép với BTC sau bàn thắng được xem là hợp lệ không việt vị nhưng bị từ chối ở trận hòa trên sân Thanh Hóa.

Giải đấu “nhìn đâu cũng thấy vi trùng”

Vài ngày trước khi mùa giải 2017 khởi tranh, Chủ tịch VFF có văn bản chỉ đạo việc chấn chỉnh bóng đá chuyên nghiệp, sau hiệu lệnh phải thay đổi, làm sạch và nghiêm với những vấn nạn sân cỏ Việt Nam mà thất bại của ĐTQG ở trận lượt về bán kết AFF Cup 2016 trở thành hồi chuông báo động. Và lượt đi mới qua nửa đường, thêm một văn bản từ người đứng đầu VFF chỉ đạo việc chấn chỉnh công tác trọng tài bên cạnh việc kêu gọi tinh thần xây dựng, ý thức chuyên nghiệp vì cái chung. Thế nhưng việc phản ứng rồi các sự cố vẫn cứ xuất hiện, các đội bóng thi nhau phản kháng, cứ có chuyện là gửi văn bản với đơn thư khiếu nại, kiến nghị rồi làm ầm ỹ lên khiến V.League “như cái chợ” .

Đúng là công tác trọng tài chưa tốt với nhiều sai sót nhưng có một điều đáng nói, việc phản ứng đã trở thành thói quen và phản ứng dây chuyền, là cách để tất cả đổ lỗi, trút trách nhiệm. Và nguy hiểm nhất, ai cũng có thể nghi ngờ, quy kết tiêu cực mà trọng tài chỉ là lý do trực tiếp.

Kỳ lạ thay, một giải đấu chuyên nghiệp, đội nào cũng phản ứng và nghi ngờ trọng tài tiêu cực. Mà tiêu cực do đâu, nếu không phải xuất phát từ chính các đội bóng rồi những người có trách nhiệm làm công tác tổ chức? Thế nhưng ai cũng kêu, luôn trong tình trạng phản kháng và cho rằng mình “bị hại” nên tất cả cùng “chạy” và cuối cùng V.League lẫn bóng đá Việt Nam nhuốm một màu nhìn đâu cũng thấy tiêu cực.

Nghịch lý đó, xuất phát từ việc người ta chấp nhận “sống chung với lũ” do mất niềm tin vào tính công bằng của cuộc chơi. Nó biểu hiện ở việc trước cuộc họp khi những quan chức đang làm bóng đá chuyên nghiệp ngồi lại với nhau và bên trên ý kiến về trọng tài, còn bên dưới thì cứ cười tủm “kêu thì cứ kêu, bắn thì cứ bắn” rồi “hòa cả làng”. Nó thể hiện ở chính những phát ngôn không cần giữ gìn của người đang giữ chức danh Phó Chủ tịch VFF như bầu Đức, hay một ủy viên Ban Chấp hành VFF như ông Lê Nguyên Hồng.

Có lẽ để hết những ầm ỹ, V.League và bóng đá Việt cần một câu hỏi thẳng thắn như Trưởng ban Thanh tra Tô Hiền hơn 20 năm trước: “Ai sạch, giơ tay lên?”.

GIANG ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/khong-co-su-co-khong-phai-la-vleague-657232.bld