Không còn 'tháng 5 bán để đi chơi'

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào tháng 5 với tuần đầu VN-Index tăng khá tốt sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Mặc dù thị trường có chút điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 8-5 nhưng trong phiên này, cả hai sàn chứng khoán có 277 triệu cổ phiếu và chứng chỉ được giao dịch thành công, đạt tổng trị giá gần 5.900 tỷ đồng - phiên có giá trị giao dịch cao nhất từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy lượng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, mặc dù giới đầu tư thường bị ám ảnh bởi câu ngạn ngữ “Sell in May and go away” (Bán trong tháng 5 và đi chơi).

Thị trường chứng khoán sau lễ tăng khá tốt. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhiều thông tin hỗ trợ thị trường

VN-Index tính từ tháng 12-2016 đến mức đỉnh trong năm 2017, được xác lập trong ngày 11- 4 từ mức 650 điểm đến 730 điểm, VN-Index đã tăng 12,6% và TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong vòng 1 năm, chỉ sau thị trường Argentina và Luxembourg (do trang web Indexq.org thống kê). Mặc dù kết thúc tháng 4-2017, VN-Index chỉ tăng hơn 10% so với đầu năm, nhưng dòng tiền tham gia chủ động kích thích thanh khoản tăng mạnh và nhiều cổ phiếu bứt phá.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), cho biết “câu thần chú” “Bán trong tháng 5 để đi chơi” đã không còn ứng nghiệm từ năm 2016, vì tháng 5-2016 VN-Index tăng khá ấn tượng - 4%, và đưa ra nhận định tháng 5 năm nay cũng vậy. Ông Bình phân tích 3 yếu tố hỗ trợ TTCK trong thời gian tới để giữ chân nhà đầu tư. Thứ nhất, tổng cung tiền M2 (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại ngân hàng) đang duy trì ở mức cao. Theo ước tính đến 20-2-2017, tăng trưởng M2 vượt tăng trưởng tín dụng khoảng 65.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng quý 1-2017 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Điều này khiến lãi suất có xu hướng hạ nhiệt. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh, còn khoảng 4%/năm so với mức gần 5%/năm trước đó. Thứ hai, khối nhà đầu tư nước ngoài có động thái mua ròng khá lớn. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng trên thị trường cổ phiếu 5.300 tỷ đồng (năm 2016 bán ròng gần 10.000 tỷ đồng), trong bối cảnh FED tăng lãi suất. Thứ ba, dòng tiền xuất hiện mạnh trong giai đoạn vừa qua cho thấy, TTCK đang là kênh đầu tư hiệu quả, thay thế kênh đầu tư bất động sản vốn dĩ đã tăng mạnh trong những năm vừa qua.

Phân tích yếu tác động bên ngoài ảnh hưởng đến thị trường, ông Barry Weisblatt, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho rằng chiến thắng của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là thông tin tích cực cho Việt Nam khi xoa dịu các lo ngại về sự bất ổn của Liên minh châu Âu - EU; đồng thời xóa tan lo ngại về “Frexit” (Pháp rời khỏi EU) và tạo ra triển vọng kinh tế ổn định hơn cho cả Pháp và EU trong tương lai. Thực tế cho thấy, sau khi ông Emmanuel Macron thắng cử, TTCK châu Á đã đồng loạt tăng điểm. Và yếu tố này cũng là thông tin tích cực cho TTCK Việt Nam. Bởi lẽ, khi kết quả ngược lại sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nước Pháp và EU, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến FTA Việt Nam - EU (quá trình đàm phán đã được hoàn thành hơn một năm trước).

Mặc dù nhìn nhận sự tích cực của thị trường, nhưng các chuyên gia nghiên cứu thị trường cũng lưu ý, đây là giai đoạn chuyển giao và nhà đầu tư cần thận trọng. Hiện mức độ phân hóa trong diễn biến giá cổ phiếu rất cao. Trong giai đoạn chỉ số chung tăng điểm, không ít cổ phiếu liên tục giảm giá và ngược lại. Do vậy, bên cạnh xu hướng chung của toàn thị trường thì việc nhà đầu tư lựa chọn doanh nghiệp và chiến lược phù hợp là yếu tố quan trọng trong việc đem lại hiệu quả cho danh mục đầu tư.

Tháng 5 đón chứng khoán phái sinh

Bên cạnh nhiều thông tin hỗ trợ thị trường như đã phân tích ở trên, cuối tháng 5-2017, TTCK Việt Nam sẽ đón nhận sản phẩm phái sinh đầu tiên là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index (rổ 30 cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản hàng đầu trên thị trường) được nhận định sẽ tạo thêm lực đẩy cho thị trường cơ sở, nhất là với các cổ phiếu nằm trong nhóm VN30.

Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 4-2017 đã cấp 206 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, gồm 163 cá nhân và 43 tổ chức, giảm nhẹ so với tháng kỷ lục trước đó (228 mã) nhưng vẫn là con số cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây. Đồng thời, VSD đã hủy 1 mã số giao dịch của nhà đầu tư tổ chức. Tĩnh lũy kế đến hết tháng 4-2017, đã có 21.003 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch, gồm 17.714 cá nhân và 3.289 tổ chức.

Cụ thể, từ ngày 1-5-2017, Thông tư số 23/2017 do Bộ Tài chính ban hành ngày 16-3-2017 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2016 về chứng khoán phái sinh nhằm tháo gỡ khó khăn pháp lý để thị trường này phát triển bắt đầu có hiệu lực. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, về cơ bản, với việc ra đời Thông tư 23/2017 thì khung pháp lý cho TTCK phái sinh đã hoàn chỉnh theo hướng cởi mở, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Theo đánh giá của Bộ phận Chiến lược thị trường Chứng khoán Bảo Việt (BVS), việc hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index sẽ được triển khai vào cuối tháng 5 sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường, tạo thêm các sản phẩm mới để các nhà đầu tư có thể lựa chọn, qua đó sẽ giúp làm tăng thêm tính hấp dẫn của TTCK trong thời gian tới.

Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết, họ sẽ tự tin giao dịch hơn nếu có một công cụ phòng ngừa rủi ro đi kèm. Mặc dù vậy, đại diện Công ty Chứng khoán HSC lại cho rằng, không dễ gì các nhà đầu tư thích ứng và có thể giao dịch nhanh với những sản phẩm mà trước đây họ chưa biết đến bao giờ. Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn Công ty Chứng khoán MBS, cũng cho rằng còn quá sớm để đoán xem nhà đầu tư có phản ứng tích cực với các sản phẩm phái sinh hay không.

NHUNG NGUYỄN

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/khong-con-thang-5-ban-de-di-choi-443997.html