Không đề cử, lấy đâu để từ chối!

Một góc Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Internet

(HNM) - Gần đây, một số blog đưa ra thông tin: Ngày 12-4-2010, tại Paris, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã từ chối công nhận Phố cổ Hà Nội là di sản văn hóa thế giới với lý do “UNESCO đã có những điều tra độc lập và không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Hà Nội có những di sản như hồ sơ đã đệ trình”. Thông tin này sau đó được một số trang website đăng lại, gây hiểu lầm cho bạn đọc. Tuy nhiên, đó là thông tin hoàn toàn không chính xác, bởi đến thời điểm này, TP Hà Nội chưa bao giờ lập hồ đề cử khu phố cổ Hà Nội là di sản văn hóa Thế giới. Chưa từng xây dựng hồ sơ, sao có thể bị từ chối! Trước những thông tin trên, ngày 18-4, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản số 207/UBND-VP gửi UBND thành phố Hà Nội và các ngành chức năng các cơ quan báo chí về việc xếp hạng di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội. Văn bản nêu rõ: "Đến thời điểm này, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND Thành phố Hà Nội chưa có văn bản nào trình Chính phủ về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản Thế giới đối với khu phố cổ Hà Nội". Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long - Phó Ban quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội, cho biết: Khu phố cổ Hà Nội, thường gọi là "Hà Nội 36 phố phường”, hình thành từ đầu thế kỉ XV, giới hạn phía bắc là phố Hàng Đậu, phía nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía đông là phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và phía tây là phố Phùng Hưng. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo với những mái ngói rêu phong cổ kính, những ngôi nhà nhỏ hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau tạo nên không gian kiến trúc cổ đa dạng, sinh động. Thông qua những yếu tố văn hóa phi vật thể như làng nghề, phố nghề, sinh hoạt lễ hội, phong cách sống, ẩm thực, phố cổ Hà Nội có những nét riêng hiếm nơi nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới có được. Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 5-4-2004, khu phố cổ Hà Nội được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Theo ông Phạm Tuấn Long, UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm và BQL phố cổ Hà Nội đã phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng các phương án bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể để Khu phố cổ Hà Nội xứng tầm là di tích lịch sử quốc gia. Do đó, tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Khay... được chỉnh trang, 14 lễ hội truyền thống thuộc 10 phường được nghiên cứu phục dựng phục; dự án giãn dân khu phố cổ đang được triển khai... Tất cả những việc làm này vì mục đích để phố cổ Hà Nội đẹp hơn cho hôm nay và mai sau mà vẫn giữ được những giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa vốn có. Ông Long cũng nhấn mạnh, mặc dù Phố cổ Hà Nội có giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật nhưng việc xây dựng hồ sơ đề cử Khu phố cổ Hà Nội là di sản văn hóa thế giới mới chỉ là ý tưởng, các cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội chưa có bất cứ kế hoạch hay văn bản chính thức nào đề nghị Chính phủ về việc này. Do đó, một số một số báo mạng và lấy thông tin từ các blog nêu UNESCO từ chối công nhận Khu phố cổ Hà Nội là di sản văn hóa thế giới là sai sự thật. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội đề nghị: Khi báo chí thông tin cần căn cứ vào những nguồn tin chính thống, tránh đưa tin sai sự thật. Hy vọng vào Hồ sơ về Hoàng thành Thăng Long và Hội Gióng Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, nói: Trước ngưỡng cửa 1000 năm, Hà Nội mong muốn có nhiều công trình, nhiều di sản văn hóa được thế giới biết đến, vinh danh, nhưng lập hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận một di sản văn hóa phải tuân theo quy trình cụ thể, rõ ràng. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, đến thời điểm này, ngoài 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 9-3 vừa qua, Hà Nội mới đệ trình Hồ sơ về Hoàng thành Thăng Long và hồ sơ Hội Gióng (Phù Đổng - Sóc Sơn) là di sản văn hóa thế giới. Cả hai bộ hồ sơ này được xây dựng theo lộ trình rất rõ ràng, đã tới UNESCO. Theo đánh giá của các chuyên gia, Hoàng thành Thăng Long là nơi tái hiện bề dày lịch sử Việt Nam tới 1.300 năm, xuyên suốt các vương triều từ tiền Thăng Long cho đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn... là trung tâm quyền lực - chính trị quốc gia tồn tại liên tục, xuyên suốt trong các thời kỳ lịch sử và cũng là là nơi các nền văn hóa Bắc Á và Đông Nam Á gặp nhau... Do đó, Hoàng thành Thăng Long có đầy đủ 6/6 tiêu chí để công nhận một di sản văn hóa vật thể mà UNESCO đưa ra, nhưng nổi bật ở tiêu chí thứ 2, thứ 3 và thứ 6. Đó là di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc một vùng văn hóa của thế giới trong sự phát triển của kiến trúc hoặc kỹ thuật, công trình nghệ thuật kỳ vĩ, các công trình quy hoạch đô thị hay các công trình tạo dựng cảnh quan; di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc vừa mất đi; di sản có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiện hay truyền thống trong cuộc sống hiện tại với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa có giá trị nổi bật toàn cầu. TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhận xét: "Hồ sơ Hoàng thành Thăng Long là một trong những hồ sơ mang tính hoàn chỉnh, bài bản nhất từ trước đến nay, bởi giá trị ngoại hạng của nó rất tiêu biểu, nên nó thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế. UNESCO lần đầu tiên hỗ trợ kinh phí đưa các chuyên gia của mình vào Việt Nam giúp chúng ta xây dựng hồ sơ đó". Trong buổi gặp lãnh đạo thành phố Hà Nội mới đây, GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng hồ sơ Hoàng thành Thăng Long - vui mừng thông báo: Hồ sơ đề cử Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào danh sách di sản văn hóa thế giới có kết quả khả quan. Dự kiến, Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét công nhận vào tháng 8-2010 tại Brazil. Đối với Hồ sơ hội Gióng, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng phó Cục Di sản văn hóa cho biết, các chuyên gia UNESCO đã thẩm định chuyên môn vào cuối tháng 1-2010, nhiều hy vọng được đón nhận di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/1000_nam_thang_long/323351/khong-de-cu-lay-dau-de-tu-choi!.htm/