Không để đường lậu khuynh đảo thị trường

(VEN) - Hiện nay, đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam đang ồ ạt vào Việt Nam khiến cho việc tiêu thụ của các nhà máy đường trong nước gặp khó khăn.

Trước tình hình này, mới đây, Hiệp hội Mía - đường Việt Nam đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương với nội dung đề nghị các cơ quan chức năng chống buôn lậu và gian lận thương mại có biện pháp kiên quyết triệt để ngăn chặn việc nhập và tiêu thụ đường lậu để bình ổn thị trường. Hiệp hội Mía - đường Việt Nam nhận định: Niên vụ 2009-2010, sản lượng đường công nghiệp trong nước dự kiến đạt 950.000 tấn, cộng với sản lượng đường thủ công quy đường kính trắng ước đạt 50.000 tấn thì tổng sản lượng đường ước đạt khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2010 khoảng 1,3 triệu tấn. Như vậy, lượng đường thiếu hụt được đánh giá vào khoảng 300.000 tấn. Trước thực tế này, ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã báo cáo và được Chính phủ cho phép nhập 200.000 tấn đường trong hạn ngạch thuế quan (vượt mức 64.000 tấn cho năm 2010 theo cam kết WTO), một mặt để giữ ổn định cung cầu đường trong nước, mặt khác ghìm giá đường nội địa đang được coi là quá cao. Theo diễn biến thị trường, hiện giá đường thế giới đang dần hạ nhiệt. Do đó, giá đường kính trắng bán buôn trong nước (đã bao gồm thuế VAT) từ mức 17.000đ và trên 17.000đ/kg (tháng 1/2010) đã giảm xuống còn 15.000đ đến 15.500đ/kg. Theo đánh giá, hiện nay đang là thời điểm giữa vụ sản xuất đường trong nước nên lượng đường của các nhà máy sản xuất ra khá dồi dào với mức sản xuất hàng tháng đều vượt so với nhu cầu và để dành một phần cho dự trữ. Liên quan đến việc nhập khẩu đường, Hiệp hội Mía - đường Việt Nam đã từng kiến nghị Nhà nước nên cho đấu thầu công khai giữa các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước để ràng buộc họ phải bán đường theo giá quy định, góp phần hạ giá đường trong nước xuống và ổn định thị trường mỗi khi có tình trạng khan đường, sốt giá. Như vậy vừa đảm bảo công bằng, khắc phục được tình trạng “xin - cho”, vừa tránh nảy sinh tiêu cực và tránh độc quyền. Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam phân tích: Tại thời điểm cách đây gần 2 tháng, khi giá đường thế giới cao cũng đã kéo giá đường trong nước tăng theo, bởi tại thời điểm đó, mặc dù chủ trương nhập 200.000 tấn đường đã có nhưng đường chưa về, cộng thêm đường nhập lậu thời gian này cũng chưa nhiều nên chưa tác động nhiều đến thị trường đường trong nước. Tuy nhiên, đến nay, khi lượng đường nhập khẩu chính thức sắp về trong khi đường lậu ồ ạt vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam khiến giá đường trong nước bị tác động mạnh, gây khó khăn nghiêm trọng cho việc tiêu thụ đường của các nhà máy và cả DN kinh doanh đường. Bên cạnh việc đề nghị các cơ quan chức năng chống buôn lậu và gian lận thương mại có biện pháp kiên quyết triệt để ngăn chặn việc nhập và tiêu thụ đường lậu để bình ổn thị trường, hiệp hội cũng kiến nghị Nhà nước có những chính sách hỗ trợ hợp lý đối với ngành đường trong nước bởi sức cạnh tranh của ngành mía đường trong nước còn yếu so với các nước xuất khẩu đường mạnh. Theo ông Phái, đã có không ít ý kiến đề xuất chủ trương về lâu dài Nhà nước nên quan tâm chú trọng từ khâu sản xuất đến thu mua, tiêu thụ mía cho nông dân, bởi hiện nay các vùng trồng mía trên cả nước còn khá manh mún, chưa tập trung; chưa áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và việc đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế... dẫn tới các vùng mía còn khó khăn, năng suất, chất lượng chưa cao… “Phải gỡ cho cây mía bằng cách Nhà nước quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch vùng mía một cách nghiêm túc, đảm bảo cho các nhà máy đủ nguyên liệu để sản xuất đường cũng như hướng dẫn, thông tin thị trường kịp thời, tránh việc mất cân bằng cung cầu”, ông Phái đề xuất. Ngoài ra, để can thiệp nhằm giữ ổn định giá mía đường, các tổ chức thu mua cần mua mía với giá có lợi cho nông dân theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1 tấn mía trữ đường tại ruộng có giá bán tương đương giá của 60kg đường kính trắng trước thuế tại kho nhà máy đường). Đó chính là cơ sở quan trọng giúp ngành mía đường phát triển bền vững”, ông Phái nhấn mạnh./. Nguyễn Tiến Dũng Liên quan đến việc nhập khẩu đường, Hiệp hội Mía - đường Việt Nam đã từng kiến nghị Nhà nước nên cho đấu thầu công khai giữa các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước để ràng buộc họ phải bán đường theo giá quy định, góp phần hạ giá đường trong nước xuống và ổn định thị trường mỗi khi có tình trạng khan đường, sốt giá. Như vậy vừa đảm bảo công bằng, khắc phục được tình trạng “xin - cho”, vừa tránh nảy sinh tiêu cực và tránh độc quyền.

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/13153/seo/khong-de-duong-lau-khuynh-dao-thi-truong/language/vi-vn/default.aspx