Không để lãng phí nguồn lực!

Theo chương trình nghị sự tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Đây là một trong những nội dung được cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm bởi thực hiện tốt công tác này, sẽ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp, ngành và địa phương quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, việc thực hiện công tác này trong năm 2023 vẫn còn những tồn tại. Đó là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục bị chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cho thấy việc sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

Điểm nghẽn đầu tư công đã được nói đến nhiều trong thời gian qua, đã trở thành vấn đề “nóng” trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, trong đó chậm giải ngân vốn đầu tư công do công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, bất cập. Ngoài ra, trong Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 gửi đến Kỳ họp thứ Bảy này cũng chỉ rõ, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Bên cạnh đó, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị dẫn đến dự án không thể triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.

Không chỉ còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, mà việc quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua cũng còn những vướng mắc chưa được giải quyết. Còn tồn tại tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng nhà, đất, việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm, trong khi nguồn gốc nhà đất đa dạng, hồ sơ pháp lý về nhà, đất phức tạp, chưa được hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ, vẫn đang trong quá trình kiểm kê, phân loại, tổng hợp, nhất là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không, công trình thủy lợi, các loại tài sản khác quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Một biểu hiện lãng phí khác nữa cũng được nói đến nhiều trong thời gian qua, đó là vấn đề quản lý nhà đất công. Đó là vẫn còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí. Việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, đặc biệt tại các huyện, xã thuộc khu vực miền núi còn nhiều lãng phí nhưng thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý. Điều này cử tri cũng từng phản ánh ở các cuộc tiếp xúc cử tri thời gian qua.

Điều đáng nói, vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng nhà, đất, việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm, trong khi nguồn gốc nhà đất đa dạng, hồ sơ pháp lý về nhà, đất phức tạp, chưa được hoàn thiện. Qua tổng hợp của Bộ Tài chính cũng cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Câu hỏi đặt ra là, khi chưa phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý thì lấy cơ sở đâu để thực hiện? Chính chậm trễ phê duyệt phương án đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện việc sắp xếp, xử lý nhà đất công. Đây là một trong rất nhiều vướng mắc, tồn tại cố hữu vẫn chưa giải quyết được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thời gian qua. Lãng phí nguồn lực tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, và nếu không được khắc phục, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến tham nhũng tiêu cực.

Tại kỳ họp này, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường. Mong rằng, các đại biểu thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ những vướng mắc, tồn tại. Cùng với đó, hiến kế các giải pháp để tháo gỡ trong đó có việc hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan đến vấn đề này và cơ chế xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lãng phí.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khong-de-lang-phi-nguon-luc-i372480/