Không để nhà của người TN thấp vào tay nhà giàu

Trong khi việc hỗ trợ thuế suất về nhà ở cho người có thu nhập thấp có nên thông qua doanh nghiệp hay không còn chưa ngã ngũ, thì mọi ý kiến đều chung quan điểm làm sao để nhà ở đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Chính phủ đề nghị áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp, thay vì mức 10% như hiện nay. Và cuộc thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTTT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TTNDN) tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua, đa số ý kiến đều nhất trí với đề xuất trên của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn có những ý kiến khác nhau xung quanh việc nên hỗ trợ trực tiếp cho người được thụ hưởng hay thông qua doanh nghiệp (DN). Giảm 50% thuế suất nhà ở Theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành, chỉ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên (HS-SV), công nhân tại khu công nghiệp (KCN) và người có thu nhập thấp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng ưu đãi về thuế TNDN với mức ưu đãi cao nhất (thuế suất 10%, miễn thuế bốn năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo). Tuy nhiên, theo tờ trình của Chính phủ, mọi dự án đầu tư xây dựng nhà ở HS-SV, công nhân tại KCN và người có thu nhập thấp sẽ không phụ thuộc vào địa bàn đầu tư và đều được hưởng ưu đãi về thuế TNDN với mức cao nhất. Chính phủ cũng đề nghị áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở cho các đối tượng trên. Một số ý kiến lại cho rằng, để tạo điều kiện về nhà ở cho người có thu nhập thấp cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng như: hỗ trợ lãi suất vay vốn, mua trả chậm, hỗ trợ kinh phí, điều kiện thế chấp... Vì trong điều kiện quản lý hiện nay, việc ưu đãi thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các đối tượng khó khăn thông qua DN và các tổ chức phát triển nhà sẽ không phát huy được hiệu quả. “Hỗ trợ DN về thuế suất thuế GTGT nhưng ai, cấp nào là người quyết định giá bán và cho thuê? Nếu là DN quyết định thì tính khả thi không cao, nhất là trong điều kiện giá biến động hàng năm, chưa chắc người thụ hưởng đã được hỗ trợ”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền phân tích. Ông Hiền đề nghị: "Nên hỗ trợ trực tiếp cho HS-SV, công nhân tại KCN và người có thu nhập thấp". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng, việc hỗ trợ thông qua DN sẽ khó phát huy hiệu quả và khó kiểm soát nếu DN chỉ chạy theo lợi nhuận. Không để người giàu hưởng lợi Cùng dự phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh cho rằng, việc hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng sẽ gặp một số vướng mắc vì giá nhà trên thị trường lúc lên lúc xuống nên khó có thể quản lý được giá bán ra. Bên cạnh đó, Chính phủ quy định không được tính phần ưu đãi của Nhà nước vào giá bán; giá cho thuê cũng chỉ được tính đủ chi phí đầu tư, quản lý và do UBND cấp tỉnh thẩm định giá bán nhà, giá thuê nhà. Do đó, việc hỗ trợ thuế suất nhà ở cho đối tượng thụ hưởng thông qua DN vẫn khả thi. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, cần có tiêu chuẩn rõ ràng để tránh tình trạng xây nhà ở cho người thu nhập thấp cho… người giàu mua. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng đưa thêm dẫn chứng: “Không ít trường hợp nhà tái định cư không đến tay người bị thu hồi đất. Thậm chí, có trường hợp, người có thu nhập thấp phải mua lại “nhà cho người thu nhập thấp” từ người có thu nhập cao”. Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị, chính sách hỗ trợ về nhà ở, chỗ ở cho các đối tượng phải thực hiện đồng bộ, đi kèm với thanh tra, kiểm soát để đảm bảo vừa khuyến khích DN đầu tư vừa đúng đối tượng thụ hưởng.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Khong-de-nha-cua-nguoi-TN-thap-vao-tay-nha-giau/200910/63604.datviet