Không đơn giản là “đếm đầu” tivi

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (Trung tâm) đang gây tranh cãi khi khẳng định sẽ tiếp tục triển khai thu phí tác quyền âm nhạc trên ti vi ở các khách sạn. Người đứng đầu Trung tâm, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết sẽ tiến hành thu tiền tác quyền với loại hình dịch vụ này dự kiến vào đầu tháng 10/2017.

“Phí chồng phí”

Dư luận đang xôn xao khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam quyết định thu tiền tác quyền âm nhạc trên ti vi ở các khách sạn. Theo đó, mỗi phòng sẽ phải trả phí 25.000 đồng/năm cho việc sử dụng bản quyền những tác phẩm Việt Nam và quốc tế (đã được ủy quyền cho Trung tâm thu phí). Việc này gây tranh cãi bởi theo các chủ khách sạn, họ bị thu phí tới hai lần.

Khách sạn đã ký hợp đồng với các đài truyền hình để được sử dụng dịch vụ nên đối tượng nộp tiền là nhà đài chứ không phải họ. Bên cạnh đó, nhiều chủ khách sạn đặt câu hỏi làm sao để có thể phân biệt được khách đến thuê phòng khách sạn nghe nhạc của nhạc sĩ ủy quyền hay không? Với việc đếm đầu tivi trong khách sạn, thu phí hàng năm như vậy thì sẽ có khả năng thu cả tiền của tác giả không ủy quyền.

Ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Điều hành Khách sạn London Hà Nội cho biết: “Bản thân tôi ủng hộ việc thu phí tác quyền này nếu như nó được thực hiện công khai, minh bạch. Hàng năm, khách sạn tôi phải trả 15 triệu - tiền bản quyền cho các đài truyền hình, nếu như hiện tại tiếp tục áp việc thu phí tác quyền âm nhạc theo trung tâm thì chúng tôi sẽ phải trả 2 lần phí, “phí chồng phí”. Việc thu phí như vậy do ai giám sát, số tiền đó sẽ đi đâu về đâu? Và làm thế nào để xác định được khách hàng nghe tác phẩm được ủy quyền, tác phẩm nào không?”

Quyết định thu phí tác quyền âm nhạc trên tivi của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đang gây tranh cãi. Ảnh: Phương Bùi

Liên quan đến vấn đề làm sao tiến hành đo đếm được chính xác những tác phẩm được ủy quyền, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng thừa nhận, Trung tâm chưa có đủ năng lực về tài chính để đầu tư kỹ thuật, thiết bị hiện đại nhằm đo đếm chính xác tác phẩm được sử dụng trên các kênh truyền hình.

Thay vào đó, việc phân phối, chi trả tiền sử dụng quyền “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” thu được từ hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc thông các kênh truyền hình (TV) thu được dựa vào danh sách tác phẩm tổng hợp từ các Đài, các kênh truyền hình kê khai, cung cấp (các Đài cung cấp mỗi năm 1 lần).

Trung tâm cho biết, đây là phương án phân phối tối ưu nhất mà Trung tâm đã tham khảo các tổ chức thành viên quốc tế đối với hình thức cấp phép và thu tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc thông qua thiết bị truyền tải tivi tại các phòng lưu trú khách sạn.

Cần phần mềm chiết xuất chính xác

Ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh thương mại thì phải trả tiền theo quy định của pháp luật. Nhưng việc thu như thế nào và ai thu thì lại phải bàn cụ thể hơn nữa.

Theo ông Hùng, nguyên tắc về việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc tại các khách sạn qua truyền hình là có. Nhưng vấn đề ở đây chúng ta phải có phần mềm trợ giúp chiết xuất dùng với thời lượng bao nhiêu và với bao nhiêu sản phẩm âm nhạc cho từng khách sạn, doanh nghiệp. Nhưng nếu muốn thu phí, cơ quan thu phí phải có giấy chứng nhận ủy quyền của tác giả đối với hoạt động thu phí trong trường hợp đó. Và đặc biệt, địa điểm tiến hành thu phí phải có sử dụng các tác phẩm của tác giả đã được ủy quyền thì mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu phí.

“Việc đưa ra mức giá 25.000 đồng/năm đó phải có sự đồng thuận giữa hai bên tác giả và cơ quan được ủy quyền trên giấy tờ pháp lý chứ không đơn giản chỉ là thu phí trên các sản phẩm một cách thông thường được. Việc quy định pháp luật khi thưởng thức hay sử dụng một sản phẩm nghệ thuật là đã rõ, tuy nhiên việc thu như thế nào cần phải được thể hiện rõ hơn giữa các bên tác giả và cơ quan được ủy quyền mới đảm bảo tính công bằng và minh bạch” – ông Hùng nói rõ hơn.

Cũng theo ông Hùng, tới đây, Cục sẽ phối hợp với VTV để sử dụng phương tiện phần mềm công nghệ thông tin để kiểm soát chiết xuất tần suất phát sóng các tác phẩm âm nhạc. Để từ đó, minh bạch hơn cho các bên liên quan trực tiếp được hưởng lợi như: Tác giả, nghệ sĩ biểu diễn hay nhà sản xuất tác phẩm … Bên cạnh đó, việc làm này cũng sẽ đưa ra được đánh giá khách quan nhất để đưa ra được sự đóng góp của nền công nghiệp điện ảnh cho nền kinh tế quốc dân trong thời gian qua.

Xét cho cùng Trung tâm Bảo về quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam chỉ là một tổ chức, mọi hoạt động liên quan đến nghiệp vụ thu phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Trung tâm này không có quyền tự áp đặt thu mỗi tivi trong khách sạn là 25 nghìn đồng/năm.

Cũng nên nhớ, để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hệ thống khách sạn đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu bị thu tác quyền âm nhạc, chắc chắn khách sạn sẽ tăng giá phòng. Lợi chả thấy đâu đã nhìn thấy bất lợi.

Thứ nữa, liệu Trung tâm có đủ người hay dùng biện pháp gì để đi thu tiền tại các khách sạn? Cạnh đó, khả năng quản trị tài chính sau khi thu của Trung tâm đến đâu? Đặc biệt, sau khi thu xong, Trung tâm sẽ trả tác quyền cho các tác giả (đã mất) và đang sống ra sao? Ai có thể giám sát sự minh bạch trong thu- chi của Trung tâm non trẻ này? Đây là câu hỏi cần lời giải đáp.

Xét cho cùng, khách sạn cũng là người dùng, họ đã phải trả tiền thuê bao hàng tháng. Còn nếu muốn thu, phải thu từ các doanh nghiệp làm và sản xuất chương trình mới đúng.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-don-gian-la-dem-dau-tivi-60464.html