Không đủ tiền mua đất, mất tiền đặt cọc

Mới đây, trong đơn phản ánh gửi Báo Người Lao Động, anh Hồ Đức Anh (ngụ phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM) thắc mắc về tính pháp lý của phiếu đặt chỗ có giá trị như hợp đồng hay không và việc nhận lại tiền đặt cọc khi không có khả năng mua bất động sản.

Cụ thể, anh Đức Anh cho biết khi nhận được tờ quảng cáo mua nền đất giá 249 triệu đồng của Công ty CP Bất động sản (BĐS) Vạn An Phát (30% giá của nền đất, giá thực tế 700-820 triệu đồng/nền), thấy phù hợp với điều kiện của gia đình nên ngày 23-10-2016, vợ chồng anh đi tham quan dự án cùng với 200 khách hàng khác của công ty. Được “rỉ tai” vợ là viên chức sẽ được hỗ trợ gói vay ưu đãi với lãi suất thấp, vợ chồng anh Đức Anh đặt bút ký phiếu đặt chỗ mua nền đất với số tiền 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngày 24-10-2016, khi đến tìm hiểu thông tin về các gói vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Đức Anh được biết gói vay mua đất hoặc xây nhà đã kết thúc, chỉ còn lại gói vay mua nhà. “Do không đủ tiền mua đất, vợ chồng tôi đến Công ty CP BĐS Vạn An Phát xin hoàn lại tiền cọc nhưng được trả lời theo quy định thì không trả lại hoặc nếu trả thì chỉ hỗ trợ 50% số tiền đã đặt cọc” - anh trình bày.

Đại diện Công ty BĐS Vạn An Phát cho biết ban đầu anh Đức Anh đăng ký mua 2 lô đất, mỗi lô đặt cọc 20 triệu đồng. Sau đó, anh đến thông báo không đủ tài chính để mua 2 lô đất nên công ty đã chuyển 20 triệu đồng vào lô còn lại thành đặt chỗ 40 triệu đồng, hẹn hôm sau lên thanh toán đợt 1. Hôm sau, anh Đức Anh nói do không đủ tài chính nên không mua nữa và đòi nhận lại tiền cọc. Theo giải thích của Vạn An Phát, trong trường hợp này, khách hàng vi phạm hợp đồng trước nên công ty không thể hoàn lại tiền cọc. “Nếu có yêu cầu gì nữa thì khách hàng có thể lên làm việc trực tiếp với công ty để giải quyết cho thỏa đáng” - đại diện công ty cho biết.

Theo các chuyên gia pháp lý, phiếu đặt chỗ hay giấy đặt cọc là để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, có hiệu lực pháp lý và phương thức thanh toán trên giấy đặt cọc cũng có giá trị pháp lý. Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo quy định tại điều 364 Bộ Luật Dân sự về đặt cọc khi các bên giao kết hợp đồng, có thể xem phiếu đặt chỗ mà anh Đức Anh đã ký với Công ty CP BĐS Vạn An Phát thể hiện ý chí tự nguyện của các bên, nếu không mua thì mất cọc. Tuy nhiên, nếu anh Đức Anh chứng minh được dự án mà công ty này bán chưa được phép giao dịch trên sàn (chưa san lấp mặt bằng, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng...) thì có quyền yêu cầu trả lại tiền cọc hoặc khởi kiện ở tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.

Sỹ Đông

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/khong-du-tien-mua-dat-mat-tien-dat-coc-20170101221436653.htm