Không được làm thế, phải tội chết...

(Trái hay Phải)- Ngày hôm qua, câu chuyện gây sốc nhất trên rất nhiều các diễn đàn, các trang mạng xã hội là việc một bài báo cho biết việc nhân viên phục vụ vì không được khách “bo” nên đã nhổ nước miếng, đi tiểu vào đồ ăn của khách! Ôi chao, có lẽ sự tàn tệ trong văn hóa ứng xử giữa người với người có lẽ chỉ đến thế mà thôi.

Quán nhậu vỉa hè (ảnh minh họa)

Đọc xong bài báo có cái tên nguyên văn thế này: “Không được “bo”, nhân viên nhổ nước bọt vào lẩu, đi tiểu vào bia”, có lẽ ai cũng như ai, thấy ghê tởm, phẫn nộ, bức xúc như khi bất thình lình bị ai đó gí vào mặt xác một con chuột chết đã trương lên và bốc mùi.

Thoạt đầu, tôi và có lẽ cũng nhiều người, cảm thấy nghi ngờ về tính xác thực trong thông tin của bài báo, bởi nó không xuất phát từ ghi nhận thực tế trực tiếp kiểu bắt tận tay, day tận trán mà chỉ được viết ra từ một câu chuyện trên diễn đàn voz, do chính một thành viên hào hứng kể ra.

Rằng anh này đang làm nhân viên chạy bàn cho một quán nhậu lẩu dê ở Thủ Đức (TP.HCM), lương thấp, công việc cực nhọc nên bị ức chế, chủ yếu trông đợi vào tiền “bo” từ việc phục vụ khách. Thế nhưng với các vị khách không chịu bo, hoặc có bo nhưng keo kiệt thì anh nhân viên này có cách “xử tội kín” là nhổ nước miếng hoặc đi tiểu vào thức ăn của khách. Kết thúc câu chuyện của mình, anh cho biết: “Ở quán không chỉ có mình em có hành động như vậy mà hầu như ai cũng làm, âu cũng là bài học cho những kẻ dám bỏ tiền đi nhậu mà lại keo kiệt bủn xỉn không chịu bo cho nhân viên”.

Đấy, chuyện là thế đấy. Tôi đọc xong nhưng không dám tin, tưởng là chuyện “chém gió” cho vui của mấy gã trai rỗi việc mà thôi. Nhưng trên khắp các diễn đàn, người ta đã chứng minh đó là chuyện có thật hẳn hoi, thông qua chính những người đã có những hành vi tương tự như anh phục vụ trong bài báo tường thuật lại với bạn bè của mình.

Biết nói thế nào đây nhỉ. Sự tàn tệ trong văn hóa ứng xử của người với người có lẽ cũng chỉ đến thế là cùng. Tôi vẫn nhớ người Việt mình có một chữ rất hay, đó là “phải tội”, và lối ứng xử này, qua nhiều thế hệ đã được nâng lên thành một văn hóa, rất nhân văn và thấm thía.

Tôi nhớ bà tôi, mẹ tôi vẫn hay nói rằng, việc xấu nào mình làm cho người khác, cho dù người đó không biết, cũng chẳng ai biết cả thì cũng không được làm, vì như thế thì “phải tội chết”. Một người bán hàng ăn làm đồ ăn bẩn cho khách, khuất mắt trông coi, ai biết đấy là đâu, nhưng cũng không được, “phải tội chết”. Một người thợ xây xây cái nhà cho chủ, bị đối xử không được tử tế lắm, xây dối trá qua quýt cho chủ, không được, “phải tội chết”. Một người thầy thuốc bốc thuốc cho bệnh nhân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về y khoa của họ, cho những thứ quàng xiên vào thang thuốc để kiếm tiền, ai biết đâu, nhưng cũng không được, “phải tội chết”...

Ba cái từ đơn “phải tội chết” tôi được bà, mẹ răn dạy giản đơn như vậy đấy, nó theo tôi từ khi tôi còn thơ bé, đến lúc trưởng thành, tôi cũng sẽ dạy lại với các con tôi. Những đứa bé, nói với chúng về lương tâm thì thật là mơ hồ và khó hiểu, nhưng nói với chúng, con không được làm thế, “phải tội chết”, nghe mới gần gũi và dung dị thấm thía làm sao.

Cái văn hóa ứng xử “phải tội chết” mà chúng ta được thừa hưởng từ những các thế hệ đi trước đó, là một trong hàng triệu triệu những vân vi li ti để kết hợp thành cái gọi là “tính người”. Những chuẩn mực đạo đức bất thành văn, không một ai chằng buộc vào nhau, cưỡng ép nhau nhưng nó đã như một mạch nước lành, cứ tự thấm vào qua từng đời, từng kiếp.

Nhưng đến giờ, điều đó có còn không? Rõ ràng chúng ta đã quá lơ là, chểnh mảng trong việc giáo dục con người, để đến bây giờ, cả cộng đồng đang phải gánh chịu hậu quả. Người phục vụ nhổ nước miếng, tiểu vào đồ ăn của khách còn lên mạng huênh hoang khoe như một chiến công. Ấy là cái ác, cái tệ bạc ở mức sơ khai nhất. Còn những cái ác tinh vi hơn có mặt ở khắp nơi, trong những công trình gian dối, trong những xảo thuật lừa nhau để lấy tiền, những cái bẫy dồn người lành vào chỗ chết.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cảm nhận rõ sự thiếu hụt và trống vắng khủng khiếp của lương tâm con người trong đời sống này. Mỗi cá nhân là một con ốc bé tí ti trong cả guồng máy khổng lồ của xã hội, con ốc ấy làm tròn vai trò của nó, giữ đúng trọng trách và nhiệm vụ của nó, guồng máy sẽ quay đều, còn nếu không, tất cả sẽ hỏng hóc theo phản ứng dây chuyền và sụp đổ.

Không muốn có một cái nhìn quá bi quan nhưng tôi đang chứng kiến sự sụp đổ ấy mỗi ngày một nhiều lên quanh mình, những quan chức vô cảm, tham nhũng, những nhân viên công vụ lợi dụng chức quyền để kiếm lợi, bất chấp tất cả, những người nông dân thật thà chân chỉ nhất giờ cũng làm vườn hai thửa, bên cho mình ăn và bên bán cho thiên hạ. Ai chết mặc ai.

Cho dù mọi thứ mất đi, thì cái còn lại và trường tồn mãi mãi vẫn phải là lương tâm con người, là những điều tốt đẹp mà mỗi người, trong suốt cuộc đời mình có thể mang đến cho đồng loại. Vì thế tôi cảm thấy ghê rợn khi đọc những câu chuyện như kiểu của người nhân viên phục vụ bàn hào hứng kể ở trên. Ghê rợn khi phải chứng kiến những ti tiện, độc ác và đểu giả như những rễ cây phình to đang bóp nghẹt, đang hút hết nhựa lành trong đời sống này.

Liệu có còn kịp để chúng ta chống lại nó không. Kịp chứ. Chưa khi nào là muộn cả nếu những người mẹ người cha thương xuyên nói với con cái mình nhiều hơn về cái “văn hóa phải tội” của người Việt. Và khó khăn hơn là việc họ sẽ phải cố gắng sống thế nào cho con cái nhìn vào, để chúng có niềm tin.

Làm sao để giữ được lương tâm của mỗi người không bị những thứ uế tạp của cuộc sống làm cho tồi tệ và bốc mùi lên như vậy, nếu mỗi chúng ta không tự gắng lên mà cứu lấy mình?

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201308/khong-duoc-lam-the-phai-toi-chet-2218555/