Không được phép coi là chuyện nhỏ

“Mỗi ngày, có ít nhất ba em bé Việt Nam bị những kẻ tội lỗi làm nhục. Ba, là ít hay nhiều, theo bạn? Ba, là đáng quan tâm hay chỉ là chuyện nhỏ, với bạn?” - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) từng chua xót đặt ra câu hỏi nhức nhối này trong một bài viết. Và cũng chính bà, quyết liệt trong chính câu trả lời: “Chỉ cần đặt mình vào vị trí nạn nhân và gia đình, bạn sẽ thấy một cũng là con số không được phép, vì đó là tất cả cuộc đời của một con người. Vì thế, đừng nói với tôi, rằng đó là chuyện nhỏ”.

Xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) là một tội ác đặc biệt nghiêm trọng và bị cả xã hội lên án. Thật ngạc nhiên khi vẫn còn ai đó quan niệm rằng, đó là chuyện nhỏ?

Là người sáng lập và hiện là Giám đốc điều hành của CSAGA, tôi và các cộng sự đã theo đuổi công việc đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ các nạn nhân bị xâm hại tình dục trong suốt gần hai thập kỷ qua. Từ đường dây nóng, CSAGA đã nhận và phải trả lời rất nhiều cuộc điện thoại hết sức đau lòng. Nạn nhân - có. Gia đình của người bị hại - có. Người trưởng thành chia sẻ về những đau đớn thể xác và tinh thần phải gánh chịu suốt những năm tháng ấu thơ từng là nạn nhân của XHTDTE - cũng có rất nhiều.

Hai năm qua, chúng tôi đặt bạo lực tình dục là đối tượng trọng tâm. Và riêng năm 2017 là đấu tranh không khoan nhượng với loại hình tội phạm XHTDTE. Chiến lược mà CSAGA đề ra là từ việc đồng hành, mời luật sư hỗ trợ trực tiếp cho những vụ việc cụ thể, chúng tôi tìm hiểu và phân tích để tìm ra lý do tại sao quy trình tìm lại công lý cho các nạn nhân, đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng thường chậm chạp, kéo dài dai dẳng đến thế. Nhiều vụ việc đã được báo chí lên tiếng mạnh mẽ, mạng xã hội đồng loạt vào cuộc nhưng một vài năm vẫn không chuyển động được chút gì. Có vào cuộc trực tiếp mới thấy, các nạn nhân còn quá nhỏ, việc có được thông tin, tìm ra và lưu giữ bằng chứng không đơn giản chút nào.

Đó là còn chưa kể, trong nhận thức của khá nhiều đối tượng trong xã hội, đây vẫn là chuyện nhỏ. Không chỉ “còn ai đó”, như câu hỏi bạn đưa ra đâu, rất nhiều đấy. Bao năm tiếp xúc với những vụ việc đau xót này, tôi đã phải chứng kiến thái độ vô cảm của khá nhiều đơn vị, cá nhân nằm trong cả hệ thống bảo vệ trẻ em lẫn hệ thống thực thi pháp luật. Vô cảm thực sự, như thể với họ, những đứa trẻ bị xâm hại chưa phải là vấn đề lớn, chưa đáng để họ quan tâm. Vì thế, cũng chính họ với định kiến “chuyện nhỏ” ấy, đang tìm cách làm nhẹ vụ việc bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy hai phía (người bị hại và thủ phạm) chọn thương lượng dân sự trong một vụ án hình sự, như một cách thức giải quyết phổ biến nhất hiện nay.

Thương lượng dân sự trong một vụ án hình sự, nghe có vẻ không đúng luật chút nào, thưa bà?

Đáng buồn là người Việt chúng ta vẫn có cách nghĩ “trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, theo kiểu xuê xoa, giải quyết cho xong. Việc đặt nặng trinh tiết cũng như mặc định vai trò thụ động trong quan hệ tình dục của người phụ nữ cũng khiến cho cái nhìn của xã hội về vấn đề bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em dễ bị xem nhẹ. Đó là chưa kể quan niệm đã ăn sâu qua nhiều thế hệ, rằng nạn nhân thường là người có lỗi, rằng phải ăn mặc khêu gợi, cử chỉ lẳng lơ thế nào mới lãnh hậu quả như thế. Bởi thế, tội phạm trong nhiều trường hợp không bị lên án đúng mức mà người bị hại còn bị cảm giác xấu hổ, nhục nhã đeo bám, dằn vặt cả đời. Ngoài ra, không ít vụ việc, ngay cả khi nạn nhân và gia đình đã chọn cách dũng cảm lên tiếng cũng vẫn chìm vào im lặng một cách khó hiểu. Việc theo đuổi vụ kiện ngốn quá nhiều thời gian, tâm sức mà hành trình gian nan ấy lại tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ rơi vào ngõ cụt nên không ít người bị hại nản lòng.

Vì hàng loạt lý do đó, khá nhiều trường hợp gia đình nạn nhân đã phải chấp nhận thương lượng dân sự trong một vụ án hình sự - một cách thức giải quyết trái luật. Một thầy giáo xâm hại nữ sinh với mục đích đổi tình lấy điểm. Thủ phạm thừa nhận hành vi và đưa ra khoản tiền đền bù 70 triệu đồng. Một gia sư cưỡng hiếp cô bé học sinh tiểu học, số tiền để vụ việc rơi vào im lặng là 400 triệu đồng. Ở cả hai trường hợp, kẻ phạm tội không hề phải chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật. Chúng ta không thể nhân nhượng, xuê xoa cho hình thức xử lý này, khi nguyên tắc tối thượng là mọi việc đều phải được thực thi và xử lý theo pháp luật. Bởi khi đồng tiền đủ sức bao che cả loại tội ác đặc biệt nghiêm trọng này thì cũng đồng nghĩa với một thông điệp tiêu cực đã được đưa ra: cứ thoải mái lạm dụng, XHTDTE đi vì chỉ cần chi tiền là xong hết!

Thay đổi nhận thức là một hành trình dài và rất đỗi gian nan. Vai trò của truyền thông, trong hành trình ấy, là không hề nhỏ. Để tác động tích cực hơn trong việc thay đổi nhận thức, truyền thông cần phải làm gì, thưa bà?

Hoạt động truyền thông, trong thời gian này cũng đã có nhiều biến chuyển tích cực. Nhưng để mang tính chiến lược, có tác động mạnh mẽ và sâu rộng tới cả xã hội thì câu trả lời là: chưa.

Nhắc lại thí dụ kể trên, chính báo chí chuyển tải thông tin hai thủ phạm đã dùng tiền mua sự im lặng của người bị hại, đưa tỉ mỉ số tiền thương lượng nhưng không đặt ra vấn đề trách nhiệm trước pháp luật của những kẻ đồi bại ấy ở đâu. Cách đưa tin nửa vời ấy sẽ khiến quan niệm “có tiền là xong hết” mà tôi đề cập ở trên càng được khẳng định.

Những tít bài kiểu như “cô gái bị cưỡng hiếp được xin cưới” khác nào cho rằng kẻ phạm tội đang hạ cố bố thí cho nạn nhân một ân huệ? Những bài viết mang định kiến lệch lạc (khi miêu tả nạn nhân là những cô bé phổng phao, xinh xắn, ăn mặc sành điệu...) theo quan niệm lỗi thuộc về người bị hại. Đặc biệt, hãy dừng ngay những bài báo tái hiện chân dung kẻ phạm tội (từng rất hiền lành, mực thước, được nhiều người yêu mến...) hay nhấn vào yếu tố có dấu hiệu hoặc đã từng có tiền sử tâm thần, như một cách vô ý chạy tội cho chúng. Hành vi đó là phạm pháp, là tội ác. Tội phạm đó phải được pháp luật xử lý nghiêm minh. Tôi có thể khẳng định, rất hiếm tội phạm bị tâm thần.

Và những “hiền lành, mực thước” trong quá khứ không hề là bảo chứng cho một hoặc nhiều lần phạm tội XHTDTE về sau. Có ý kiến cho rằng luật của ta còn nhẹ, tính răn đe chưa cao nhưng tôi nghĩ, xử lý theo khung hình phạt hiện hành cũng đã hiệu quả lắm rồi. Điều cần nhất là phải xử thật nghiêm một số vụ án trọng điểm, theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật để cảnh tỉnh và răn đe những đối tượng có ý định phạm tội sau này.

Tọa đàm chủ đề Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng, ngày 14-3-2017 nhằm thể hiện rõ quan điểm,

tiếng nói của các tổ chức xã hội trước nạn xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp. Ảnh | Vũ Phúc

Đã có rất nhiều đứa trẻ, nhiều gia đình chọn cách im lặng. Bởi những nguyên nhân tôi đã liệt kê ở trên và bởi cả sự kỳ thị lắm khi vô cùng độc ác của người đời. Để xoa dịu những vết thương của đứa trẻ, phải giúp chúng hiểu rằng, các bé không có lỗi. Và thay vì những định kiến giới nặng nề đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều thế hệ kể trên, hãy giúp các bé coi đó là một tai nạn (như bao tai nạn có thể không may gặp phải trong đời) để giảm thiểu tối đa áp lực tâm lý và khiến cuộc sống tương lai của các bé nhẹ nhàng hơn.

Thông qua các phương tiện truyền thông, những người nổi tiếng từng là nạn nhân bị XHTDTE hãy dũng cảm chia sẻ nỗi đau quá khứ; người có ảnh hưởng sâu rộng tới công chúng hãy lên tiếng mạnh mẽ nhằm mang lại một môi trường an toàn cho trẻ em..., tất cả sẽ giúp người bị hại dễ dàng quyết định lên tiếng, thay vì im lặng chịu đựng nỗi đau và để kẻ thủ ác ngang nhiên tồn tại, trở thành nguy cơ hiện hữu cho cả cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/tieu-diem/item/32403402-khong-duoc-phep-coi-la-chuyen-nho.html