Không gian Arập giữa Paris

Có thể gọi Jean Nouvel là kiến trúc sư của nền kiến trúc đương đại thế giới nói chung hay Pháp nói riêng khi là nhân vật tạo nên foundation Cartier, và mới đây là bảo tàng nghệ thuật Museé du Quai Branly.

Ông đã đoạt nhiều danh hiệu có uy tín trong sự nghiệp kiến trúc sư của mình, bao gồm Giải Aga Khan cho Kiến trúc (về mặt kỹ thuật, giải này được tặng cho Institut du Monde Arabe do Nouvel thiết kế), Giải Wolf trong Nghệ thuật năm 2005 và Giải Pritzker năm 2008. Nếu đã từng đến Paris, hẳn là bạn phải ghé qua những địa danh nổi tiếng như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, đồi Monmart, nếu yêu thích kiến trúc thì chắc chắn bạn sẽ qua điện Louvre, Parc de la Villet, thư viện quốc gia Pháp, trung tâm Pompidou, hay mới đây là bảo tàng Quai Branly v.v. nhưng cũng bên bờ sông Seine, ngay gần nhà thờ Notre Dame, có thể các bạn chưa đến một công trình rất thú vị, đó là viện Nghiên cứu thế giới Arập (Institut du monde Arabe). Nằm phía bên tay trái bờ sông Seine, qua cây cầu Sully (Pont du Sully) là một tòa nhà lớn với chất liệu chủ yếu là kính và kim loại. Đó chính là viện Nghiên cứu thế giới Arập (IMA) . Đây thực sự là một công trình kiến trúc rất đột phá về ý tưởng kiến trúc kết hợp một cách rất khéo léo với công nghệ kỹ thuật. Viện nghiên cứu gồm có hai phần nhà nằm song song ôm lấy một khoảng sân trong dài và hẹp, ở phía bắc là một khối cong lớn nhìn ra bờ sông, kết nối qua một khoảng sân trong là khối còn lại với mặt bằng trở nên đơn giản với hình khối chữ nhật và quay ra một quảng trường rộng nhìn ra khuôn viên một trường đại học ở phía nam. Hai khối nhà này được nối với nhau bằng không gian tầng hầm bao hết cả phần dưới của không gian sân trong. IMA gồm có bảo tàng, thư viện, giảng đường, nhà hàng, văn phòng và khu vực đỗ xe. Ta có thể bắt đầu từ một bảo tàng cố định nơi tầng 7, với những dãy hiện vật rất có giá trị miêu tả lại quá trình phát triển nghệ thuật và khoa học trong thế giới Islamic. Tại đây có cả những cổ vật được cho là xưa nhất của thế giới Islamic, chúng ta có thể thực sự bất ngờ trước những tác phẩm điêu khắc, những bình lọ cổ có nguồn gốc từ Carthage (một thành phố cổ phía bờ biển Bắc Phi, được xây dựng bởi người Phoenic, người Roman đã xâm chiếm, xây dựng và người Islam đã san phẳng vào năm 697). Xuống tầng dưới, những cổ vật gắn với quá trình phát triển về sau này như những quả cầu sao, máy đo độ cao thiên thể, la bàn, đồng hồ mặt trời, v.v. và những ảnh hưởng của văn minh phương Tây thời Trung cổ như các dụng cụ cân đong, pha chế, nghiền các loại thuốc. Tuy nhiên, phần giá trị nhất của bảo tàng nằm ở tầng dưới cùng với cơ man là những viên gạch trang trí thủ công, đồ đồng, đồ sắt mỹ thuật và đặc biệt là những tấm thảm nổi tiếng của văn minh Hồi giáo, được đem về từ khắp nơi trên thế giới. Ở những tầng khác là thư viện chứa sách và các tư liệu multimedia cho những nhà nghiên cứu Hồi giáo, kế bên là một không gian dành cho các triển lãm luôn được thay đổi. Tại đây còn có một cửa hàng chuyên về sách và có rất nhiều những CD nhạc Arập đặc sắc. Bên cạnh những không gian mang tính chất nghiên cứu, học thuật là những không gian dành cho sự thoải mái, thư giãn: ở tầng 9 là nơi bạn có thể hài lòng với khung cảnh của bờ sông Seine, nếu nhìn rộng hơn có thể thấy phần sau của nhà thờ Notre Dame. Bên cạnh không gian sân thượng này là khu nhà hàng, càphê theo kiểu Trung Đông. Với mặt đứng rất lớn phía nam được cấu thành bởi hàng nghìn (chính xác hơn là 30.000) những “ống kính” với thiết kế cảm ứng được với ánh sáng bên ngoài và cả mảng mặt đứng này rất ấn tượng với hình ảnh làm ta liên tưởng ngay đến tấm màn hoa văn rất đặc trưng của Hồi giáo. Tấm màn vĩ đại với hàng nghìn “ống kính” hoạt động với hệ thống đóng mở cơ khí theo nguyên tắc của ống kính máy ảnh nhằm khống chế ánh sáng vào tòa nhà. Cách sử dụng độc đáo hệ thống “ống kính” này vừa giải quyết được việc điều khiển ánh sáng tự nhiên và cũng đồng thời đem lại vẻ đẹp về giải pháp và rất đặc biệt của tòa nhà. Không những thế, giải pháp này còn đem lại cho các nhà thiết kế một ví dụ về sáng tạo một lớp vỏ “thông minh” (có thể thay đổi theo môi trường, thời tiết) cho công trình kiến trúc. Tuy nhiên, rất tiếc là hệ thống này không hoạt động được đúng như Nouvel thiết kế và hệ thống đóng mở này đã không còn hoạt động được nữa. Dù sao đi nữa, về mặt thẩm mỹ, mặt đứng phía nam này thật sự đẹp cả về hình khối và sự liên quan với nội dung công trình. Và nếu ta lùi ra xa khỏi chi tiết thì sự tương tác giữa hai khối nhà qua phần sân trong, sự tương tác giữa công trình và khung cảnh bên ngoài được nghiên cứu kỹ và rất tinh tế về mặt tỷ lệ đem lại sự thành công của công trình. Cổng vào chính Lối vào sân trong giữa hai khối nhà. Sân sau của khối nhà phía nam nhìn ra khoảng trống nối với khu nhà trường đại học Cận cảnh mảng tường kính phía nam.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/kien-truc-doi-song/the-gioi-kien-truc/120420/khong-gian-arap%c2%a0giua-paris.html