Không lơ là với nhập siêu

(baodautu.vn) Gần đây, dư luận ít đề cập hơn chuyện nhập siêu. Lý do rất đơn giản là vì, tổng mức nhập siêu đang dưới ngưỡng cho phép (dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xung quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều điều đáng bàn và rõ ràng, không thể lơ là với các biện pháp kiềm chế nhập siêu.

Trước hết, phải thừa nhận rằng, ít nhất trong 3 tháng gần đây, nhập siêu đã có xu hướng giảm hơn so với đầu năm. Nếu như các tháng 2, 3, 4, nhập siêu luôn ở mức trên 1 tỷ USD (tương ứng 1,33 tỷ USD, 1,16 tỷ USD và 1,16 tỷ USD), thì sang tháng 5, nhập siêu chỉ còn 870 triệu USD, tiếp tục giảm xuống 740 triệu USD trong tháng 6. Tuy có tăng lên chút đỉnh, với 980 triệu USD trong tháng 7 và ước khoảng 900 triệu USD trong tháng 8/2010, song vẫn dưới ngưỡng 1 tỷ USD. Một xu hướng đáng mừng. Đáng mừng hơn nữa, sau 8 tháng đầu năm, nhập siêu đang dừng ở mức 8,15 tỷ USD, bằng 18,3% kim ngạch xuất khẩu, ở dưới ngưỡng an toàn của điều hành vĩ mô. Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, trong 3 tháng (6, 7 và 8), nhập siêu có xu hướng giảm tốc là do có sự hỗ trợ của việc tái xuất vàng. Nếu không tính sự tăng trưởng đột biến trong kim ngạch xuất khẩu vàng, thì tháng 6, nhập siêu sẽ lên tới 1,287 tỷ USD. Con số này trong tháng 7 và tháng 8, tương ứng là 996 triệu USD và 1 tỷ USD. Tính chung, nếu không kể xuất khẩu vàng, nhập siêu 8 tháng đầu năm là 9,7 tỷ USD, bằng 21,8% kim ngạch xuất khẩu. Nói vậy để thấy, nếu xét về mặt cân đối ngoại tệ, nhập siêu vẫn đang trong vòng kiểm soát; nhưng nếu xét về bản chất, thì nhập siêu hiện vẫn rất đáng lo và điều đó cũng có nghĩa rằng, các biện pháp kiềm chế nhập siêu chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, cũng chưa thể vội yên tâm, khi mà khả năng trong những tháng cuối năm, nhập siêu sẽ tăng cao hơn. Nguyên nhân trước hết phải nhắc tới xu hướng trong những tháng cuối năm, thường doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu, vừa để phục vụ nhu cầu sản xuất, vừa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Hai tháng cuối năm ngoái, nhập siêu tính theo tháng thậm chí xấp xỉ 2 tỷ USD. Theo một dự báo vừa được công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu trong năm nay sẽ tăng khá mạnh, đạt khoảng 67,5 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm ngoái. Nhưng dù dự báo tốc độ tăng nhập khẩu không bằng xuất khẩu, chỉ khoảng 16,5%, đạt 81,5 tỷ USD, song cân đối lại, nhập siêu trong năm nay có thể sẽ lên tới 14 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2009. Và nếu dự báo này thành hiện thực, thì nhập siêu sẽ bằng khoảng 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Không cao hơn bao nhiêu so với mục tiêu đề ra (20%), nhưng việc thêm một lần nữa, mục tiêu kiềm chế nhập siêu có thể không đạt kế hoạch càng khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của những biện pháp kiềm chế nhập siêu đã và vẫn đang được thực hiện năm này qua năm khác. “Sống chung” với nhập siêu là điều khó tránh với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nhưng có lẽ, lại một lần nữa phải nói tới việc cần tìm ra những biện pháp hợp lý và hiệu quả hơn để thu hẹp khoảng cách của cán cân thương mại.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietthuongmai/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/thuongmai/xuatnhapkhauhoinhap/b70d28757f00000100d448b3a3248257