Không né tránh thực tế để có giải pháp hữu hiệu

LTS: Sau khi đăng vệt bài 'Quản lý đảng viên xuất ngũ-nhìn từ thực tiễn ở Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu', Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều ý kiến phản hồi của cán bộ, đảng viên các cơ quan, đơn vị, địa phương. Không chỉ đồng tình với nội dung vệt bài, nhiều ý kiến còn thông tin thêm một số vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cơ sở, chia sẻ cách làm, kinh nghiệm và đề xuất biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng quản lý đảng viên xuất ngũ trong thời gian tới.

Thiếu tướng LÊ QUANG XUÂN, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 3:

Đúc rút được nhiều bài học giá trị

Theo dõi vệt bài "Quản lý đảng viên xuất ngũ-Nhìn từ thực tiễn ở Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu" trên Báo Quân đội nhân dân, tôi thấy đây là một thực trạng rất đáng lo ngại do tình hình thực tiễn đặt ra. Quân đoàn 3 là đơn vị chủ lực cơ động của Bộ Quốc phòng, tính chất, nhiệm vụ có những điểm khác biệt so với bộ đội địa phương, việc nắm, quản lý bộ đội xuất ngũ chủ yếu là lực lượng dự bị động viên. Vì vậy, loạt bài đã cho chúng tôi thấy rõ tình hình thực trạng quản lý đảng viên xuất ngũ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, qua đó, để rút kinh nghiệm trong công tác tuyển nhận chiến sĩ mới, quản lý, huấn luyện, tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho địa phương.

Thiếu tướng Lê Quang Xuân.

Thiếu tướng Lê Quang Xuân.

Trong những năm qua, Quân đoàn 3 tiếp nhận chiến sĩ mới là con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên. Đây là địa bàn mà đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân còn nhiều khó khăn; nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số thiếu hụt, trình độ, năng lực có những hạn chế nhất định. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 luôn xác định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho địa phương. Trên cơ sở đó, các đơn vị không chỉ tiếp nhận thanh niên nhập ngũ là đảng viên, nguồn cán bộ địa phương, mà còn chủ động tạo nguồn kết nạp đảng viên trong thời gian tại ngũ. Nhiều quân nhân được chúng tôi tạo nguồn, kết nạp đảng viên sau khi xuất ngũ trở về địa phương phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, có uy tín trong cộng đồng, nhiều đồng chí phát triển thành cán bộ lãnh đạo và giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị ở địa phương, như trường hợp đồng chí Y Bên, hiện là Phó bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai). Trước khi được tín nhiệm bầu giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu, Y Bên đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 và được kết nạp Đảng trong thời gian tại ngũ.

NGUYỄN ANH SƠN (ghi)

Đồng chí NGUYỄN VĂN HÙNG, Bí thư Đảng ủy phường 10, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng):

Bố trí việc làm luôn là bài toán khó

Mỗi năm, phường 10 có từ 8 đến 12 thanh niên nhập ngũ, tỷ lệ đảng viên chiếm khoảng 20%. Việc tạo nguồn đảng viên nhập ngũ cũng như việc bố trí, sử dụng sau khi xuất ngũ trở về địa phương luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm gần đây cho thấy, công tác tạo nguồn cũng như giải quyết, bố trí việc làm cho đảng viên xuất ngũ luôn là bài toán khó. Mặc dù là một phường nội thị, dân cư đông nhưng nguồn thanh niên, đảng viên nhập ngũ khá khan hiếm vì hầu hết thanh niên sau khi tốt nghiệp phổ thông đều đi học đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc xuất khẩu lao động…

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng.

Chúng tôi đánh giá cao năng lực, trình độ của quân nhân là đảng viên xuất ngũ, do vậy thời gian qua lãnh đạo phường đã bố trí, tuyển dụng 2 đồng chí công tác tại phường với cương vị là Phó chủ tịch MTTQ và Bí thư Đoàn phường. Tuy nhiên, do biên chế hạn hẹp, trong khi các cấp chính quyền cơ sở đang thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế nên việc bố trí công tác, giải quyết việc làm cho đảng viên xuất ngũ ở địa phương gặp không ít khó khăn.

Mặt khác, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay chưa hấp dẫn được người có trình độ, trong đó có đảng viên xuất ngũ. Với cán bộ chuyên trách ở xã, phường, có biên chế, mức lương của họ được hưởng theo bằng cấp, hệ số nhưng điều này cũng không đủ trang trải cuộc sống; với những người mới tuyển dụng, bố trí thì thường là cán bộ bán chuyên trách, họ chỉ có phụ cấp, công việc lại vất vả nên càng khó khăn. Hiện phường 10 đang thiếu một phó chỉ huy trưởng quân sự, chúng tôi đã thông báo tuyển dụng rộng rãi, trong đó ưu tiên quân nhân là đảng viên xuất ngũ, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển dụng được. Do đó, để giải quyết bài toán đảng viên xuất ngũ cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG (ghi)

Thượng tá NGUYỄN HỮU THỦY, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai:

Ưu tiên cao nhất là chất lượng đảng viên

Vệt bài "Quản lý đảng viên xuất ngũ-nhìn từ thực tiễn ở Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu" trên Báo Quân đội nhân dân đã phản ánh một thực tế không chỉ ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Những năm qua, công tác tuyển chọn đảng viên nhập ngũ và quản lý đảng viên xuất ngũ luôn được lãnh đạo Quân khu 7 và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Chỉ tiêu đảng viên nhập ngũ 2% mà Quân khu 7 xác định là có cơ sở, nhằm mục đích thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng xây dựng quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời tạo nguồn cán bộ cho địa phương.

Thượng tá Nguyễn Hữu Thủy.

Thực tiễn ở Đồng Nai, chỉ tiêu tuyển chọn đảng viên nhập ngũ 2% không phải cao. Những năm qua, Đồng Nai luôn đạt và vượt chỉ tiêu này. Kinh nghiệm ở Đồng Nai cho thấy, từng địa phương phải chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, tạo nguồn và sớm kết nạp đảng viên. Đây là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền các cấp và vai trò tham mưu của cơ quan quân sự địa phương. Tùy theo đặc điểm kinh tế-xã hội, phân bổ dân cư, trình độ dân trí và địa bàn để thực hiện linh hoạt, bảo đảm chỉ tiêu, nhưng phải ưu tiên chất lượng đảng viên được kết nạp. Những mô hình phác thảo mà Báo Quân đội nhân dân nêu ra, trong đó có việc tuyển chọn đảng viên đang công tác ở địa phương nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng là một cách làm hay vừa thuận tiện chọn nguồn ngay từ cơ sở, vừa bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội.

YẾN LONG (ghi)

Thượng tá NGUYỄN VĂN HÙNG, Giám đốc Công ty 74:

Địa bàn vùng sâu, vùng xa rất cần đảng viên là quân nhân xuất ngũ

Công ty 74 (Binh đoàn 15) đứng chân trên địa bàn vùng biên giới của hai huyện Đức Cơ và Ia Grai thuộc tỉnh Gia Lai. Trong những năm qua, đơn vị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng bản làng vùng biên phát triển; củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) là đảng viên xuất ngũ.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng.

Cán bộ, đảng viên người DTTS ở các thôn, buôn luôn am hiểu về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán và điều kiện sản xuất, gần gũi với người dân. Họ cũng là người có uy tín được bà con tín nhiệm. Do đó họ thực sự là những hạt nhân, mắt xích quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tích cực xây dựng tổ chức đảng TSVM; xây dựng nông thôn mới; vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; chung sức xây dựng vùng biên giới phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh. Để có được đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, chúng tôi ưu tiên tuyển dụng chiến sĩ là đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; đồng thời thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật về trồng trọt, chăm sóc, khai thác, chế biến… từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ và không để tình trạng thôn, làng “trắng đảng viên”. Chỉ trong 3 năm gần đây, Đảng ủy công ty đã bồi dưỡng và kết nạp 14 đảng viên mới, bổ nhiệm 8 cán bộ là người DTTS, nâng tổng số đảng viên lên 320 người. Tất cả cán bộ, đảng viên trên đều phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Việc đào tạo, sắp xếp, bố trí cán bộ, đảng viên là người DTTS có đủ tiêu chuẩn vào các chức danh của đơn vị, đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, gắn với củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.

QUANG HỒI (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/khong-ne-tranh-thuc-te-de-co-giai-phap-huu-hieu-506309