Không quân VN có dây chuyền sửa chữa lớn máy bay Su-27

(Quốc Phòng) - Ngày 25/10 đã diễn ra lễ khai trương "Dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30" của Nhà máy A32, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Theo QĐND, tại Đà Nẵng hôm 25/10, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dự lễ khai trương "Dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30" của Nhà máy A32, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Dây chuyền công nghệ này là cơ sở quan trọng bảo đảm lâu dài cho hoạt động hiệu quả, an toàn, có độ tin cậy cao của máy bay Su-27/30 và các thế hệ tiếp theo.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thượng tướng Trương Quang Khánh biểu dương sự cố gắng của Nhà máy A32 và ngành kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân đã phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo kết hợp học hỏi chuyên gia nước ngoài để nâng cao khối lượng tự trang, tự chế thiết bị, tiết kiệm kinh phí mà vẫn bảo đảm số lượng, chất lượng các hạng mục công nghệ tương đối hiện đại và đồng bộ.

Thượng tướng đánh giá đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển của ngành kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc bảo quản, sửa chữa các vũ khí, trang bị công nghệ cao, bảo đảm sức chiến đấu và SSCĐ của quân đội.

Cho dù hiện nay, các nước cho ra đời khá nhiều loại chiến cơ hiện đại mới. Nhưng thực sự dòng máy bay Su, đặc biệt là Su-30MK2 của Việt Nam vẫn được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ưu thế trên không của Mỹ và Australia, có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh Không quân ở châu Á-Thái Bình Dương.

Các nhà quân sự đánh giá rằng, dòng Su có nhiều ưu thế hơn các dòng máy bay tiêm kích chủ lực thế hệ 4 của Mỹ, thậm chí có thể thách thức các siêu chiến cơ khác của Trung Quốc.

Một chiếc Sukhoi Su-30MK2 của Không quân Việt Nam cất cánh bay huấn luyện.

Năm 1994, Việt Nam đã đặt mua từ Nga 5 chiếc Su-27SK và 1 chiếc Su-27UBK đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 ở châu Á và đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu tiêm kích tốt nhất thế kỷ 20 này. Đến năm 1996, Việt Nam lại đặt mua tiếp 2 chiếc Su-27SK và 4 chiếc Su-27UBK, tuy nhiên trong quá trình vận chuyển đến Việt Nam, chiếc An-124 chở theo 2 chiếc Su-27UBK đã gặp nạn, sau đó phía Nga bồi thường cho Việt Nam 2 chiếc Su-27PU tiền thân của Su-30.

Cuối năm 2003, Việt Nam tiếp tục trở thành khách hàng đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu tiêm kích Su-30MK2 bằng hợp đồng mua 4 chiếc Su-30MK2 tương tự như biến thể Su-30MKK xuất khẩu cho Trung Quốc với một vài cải tiến về hệ thống điện tử và trang bị ghế phóng mới.

Đến năm 2009, Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 8 chiếc Su-30MK2, một biến thể được thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ đánh biển. Năm 2011 Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 12 chiếc Su-30MK2 trị giá 1 tỷ USD.

Hiện Không quân nhân dân Việt Nam có 24 chiếc Su-30MK2. Tuy nhiên ngày 20/8/2013 vừa qua, Việt Nam đã quyết định mua thêm 12 chiếc Su-30MK2 nâng tổng số Su-30MK2 của Việt Nam lên 36 chiếc.

Cùng với lực lượng Su-30MK2, Không quân Việt Nam có 12 chiếc Su-27 SK/UBK/PU đưa Việt Nam trở thành quốc gia có phi đội tiêm kích Sukhoi đông đảo nhất khu vực Đông Nam Á.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/quoc-phong/khong-quan-vn-co-day-chuyen-sua-chua-lon-may-bay-su-27-34099.html