Không thể chấm dứt hợp đồng lao động trước tuổi 35

Một trong những vấn đề bức xúc được các đại biểu thảo luận tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào sáng ngày 13/9 liên quan đến báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới là nỗi lo lao động nữ bị chấm dứt hợp đồng lao động trước tuổi 35.

Tin từ Văn phòng Quốc hội cho hay, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới chưa có nhiều chuyển biến lớn và vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh quochoi.gov.vn)

Trong tổng số 22 chỉ tiêu của 7 mục tiêu, có 3 chỉ tiêu đạt kế hoạch và duy trì ổn định, nhưng có đến 50% số chỉ tiêu chưa có số liệu hoặc số liệu chưa phù hợp với tiêu chí. Thậm chí, chỉ tiêu tỷ lệ nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới đạt 48% (so với kế hoạch là 40% cho mỗi giới) ngay từ năm đầu thực hiện Chiến lược và duy trì bền vững đến nay.

Không những thế, theo báo cáo thẩm tra, một vấn đề nổi lên hiện nay là tình trạng nhiều lao động nữ trong các khu công nghiệp bị doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động khi đến tuổi 35.

Đề cập vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, qua khảo sát thấy đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp rất khó khăn, nhất là lao động nữ trên 35 tuổi phải bỏ việc, đây là thực tế mà các cơ quan có thẩm quyền phải đặc biệt quan tâm.

Giải trình rõ hơn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Tính đến ngày 1/7/2017 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 54,5 triệu người. Trong đó, lao động nam 28,3 triệu người (chiếm 52%), lao động nữ 26,2 triệu người (chiếm 48%).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh thêm, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Điều đó dẫn đến tình trạng lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam.

“Không những thế, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề lớn đáng báo động cho thị thường lao động hiện nay. Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy, có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Lý do chính được đưa ra là do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.Vấn đề này Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu cho rằng, Bộ Luật Lao động hiện hành quy định rất rõ ràng nam 60, nữ 55 tuổi nghỉ hưu (trừ các ngành nghề, lĩnh vực đặc thù), nên không có lý do gì doanh nghiệp tự ý chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ trước tuổi 35.

Theo nhiều ý kiến, để không xảy ra trình trạng này, Tổ chức Công đoàn đóng vai trò quan trọng. Công đoàn với tư cách là cơ quan bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, nếu phát hiện trường hợp nào bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng trước tuổi 35 phải báo cáo với chính quyền sở tại để giải quyết kịp thời hoặc kiện thẳng ra tòa. Vì đó là hành vi vi phạm trắng trợn pháp luật về lao động.

H.Phạm- N.Doăng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-the-cham-dut-hop-dong-lao-dong-truoc-tuoi-35-60103.html