Không thể 'chạy chọt' để có số định danh cá nhân đẹp

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án 896 báo cáo công tác và cho ý kiến kế hoạch triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 và hướng kiện toàn Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì, Đại diện Bộ Công an đã khẳng định không thể chạy chọt để có số định danh cá nhân đẹp.

Làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Ninh Bình. ảnh: ninhbinh.gov.vn)

Gần 2,7 triệu trường hợp đã được cấp thẻ căn cước

Tại cuộc họp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án 896 năm 2016, Phó Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cho biết, công tác triển khai cấp số định danh cá nhân đang được các cơ quan triển khai tích cực.

Tính đến ngày 25/11/2016, trên phần mềm đăng ký khai sinh đã ghi nhận 320.508 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 260.288 trường hợp đăng ký khai sinh mới và được cấp số định danh cá nhân.

Việc cấp thẻ căn cước công dân đã được Bộ Công an triển khai tại 16 tỉnh, thành bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Bình. Đến nay, số lượng căn cước công dân được cấp đạt mốc 2,7 triệu trường hợp.

Về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo việc thí điểm tổ chức triển khai thu thập thông tin dân cư tại một số tỉnh, thành phố như Thừa Thiên Huế, Sơn La, Hà Nam, Hòa Bình. Tại Hải Phòng, Bộ Công an đã hoàn thành việc triển khai thí điểm, tổ chức Hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai toàn quốc.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến vấn đề nguồn vốn, nhà thầu; chất lượng rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư của một số bộ còn chưa triệt để.

Ông Phan cho biết, nguyên nhân đó là do việc rà soát của một số bộ, ngành còn mang tính hình thức nên chưa đảm bảo tính đầy đủ, chính xác của các thông tin theo yêu cầu. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành với Văn phòng Ban Chỉ đạo còn thiếu tích cực, nhiều nội dung công việc phải đôn đốc nhiều lần, chất lượng chưa cao.

Chọn số định danh cá nhân là ngẫu nhiên

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến của các bộ, ngành băn khoăn khi cấp số định danh cá nhân sẽ có trường hợp chọn số đẹp, từ đó gây nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Cảnh sát khẳng định việc cấp số định danh cá nhân hoàn toàn không thể lựa chọn số đẹp cho riêng mình vì việc cấp số định danh cá nhân là hoàn toàn ngẫu nhiên.

Giải thích rõ hơn, Phó Cục trưởng Cục C72, Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết, việc cấp số định danh cá nhân được quy định cụ thể tại Luật Căn cước công dân, Nghị định 137 của Chính phủ và Thông tư 07 của Bộ Công an.

Theo đó, sau khi thu thập những trường dữ liệu của công dân gồm cả công dân mới đăng ký khai sinh và công dân đã đăng ký thường trú vào Hệ thống dữ liệu quốc gia về dữ liệu dân cư, hệ thống sẽ tự động tiếp nhận thông tin và “sinh” ra số định danh cá nhân theo cấu trúc và trình tự đã được quy định cụ thể. Việc “sinh” số định danh cá nhân hoàn toàn ngẫu nhiên: 6 số đầu mặc định gắn với mã vùng, mã quốc gia, giới tính năm sinh, còn 6 số cuối là ngẫu nhiên tự động hệ thống không thể có sự can thiệp của cán bộ quản lý.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, kết thúc năm 2016, Đề án đã đi được nửa chặng đường trong quá trình triển khai và đã đạt được một số thành quả khả quan, giải quyết được các vướng mắc trong suốt quá trình triển khai. Phó Thủ tướng cũng biểu dương sự cố gắng của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Ban Chỉ đạo đã có một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Đề án.

Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong năm 2017, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Văn phòng Ban Chỉ đạo cần sớm hoàn thiện trình Phó Thủ tướng ký Công văn hướng dẫn việc thành lập Ban Chỉ đạo tại các địa phương để làm cơ sở cho địa phương thực hiện một cách đồng bộ. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, năm 2016, mặc dù Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được xây dựng, tuy nhiên các bộ, ngành đã cố gắng bảo đảm tiến độ cấp số định danh cá nhân từ ngành 01/01/2016. Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2017, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện, phát huy, mở rộng số lượng địa phương được triển khai cấp số định danh cá nhân, bảo đảm các thông tin của công dân được thu thập chính xác, số định danh cá nhân được cấp theo một quy trình khoa học và đúng quy định.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/khong-the-chay-chot-de-co-so-dinh-danh-ca-nhan-dep-318875.html