Không thể để tiếp tục “lọt lưới” tội phạm về môi trường

(Công lý) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 được trình xin ý kiến tại phiên họp Chính phủ tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, các ý kiến góp ý cho thấy một số vấn đề cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Có cần sửa vấn đề truy cứu TNHS pháp nhân?

Trong quá trình rà soát BLHS 2015, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề truy cứu TNHS pháp nhân cần phải sửa, nếu không đó sẽ là một chế định “treo”, không thể áp dụng trên thực tế. Hơn nữa, vi phạm về lĩnh vực môi trường hiện nay của các pháp nhân nếu không bị xử lý hình sự sẽ rất nguy hiểm cho xã hội, khi mà dạng tội phạm này ngày càng nguy hiểm, “nóng” ở khắp mọi nơi.

Dự thảo BLHS 2015 đã bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế. Cụ thể, bổ sung vào Điều 86 của BLHS quy định về việc tổng hợp hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội. Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với lĩnh vực đó; nếu các hình phạt đã tuyên là cùng đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với từng lĩnh vực cụ thể thì không tổng hợp.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã cụ thể hóa thêm nội dung viện dẫn các khoản trong các tội danh cụ thể mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự bằng từng tình tiết tăng nặng cụ thể trong các khoản tương ứng phù hợp với pháp nhân thương mại phạm tội; bổ sung Điều 89 của BLHS về xóa án tích cho pháp nhân thương mại bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc số lĩnh vực. Theo đó, pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 05 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.

Công bố quyết định khởi tố vụ án chôn lấp chất thải có nguồn gốc từ Formosa

Tuy nhiên, tại phiên họp của Hội đồng thẩm định diễn ra vừa qua, đại diện cho VKSNDTC, ông Hoàng Anh Tuyên (Trưởng phòng pháp luật hình sự, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) cho rằng việc bổ sung như vậy chưa đầy đủ. Việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân là đặc biệt cần thiết bởi nó liên quan chặt chẽ tới việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, liên quan đến thẩm quyền xét xử của Tòa nào, Tòa án cấp nào… Thêm vào đó, không phân loại tội phạm cũng không xác định được có tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay không, cũng không xác định được xóa án tích thế nào. Nếu không có tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì việc xóa án tích không có ý nghĩa gì cả”- ông Tuyên khẳng định.

Trước đó, khi dự thảo Bộ luật sửa đổi đang trong quá trình xây dựng, nhiều ý kiến đồng tình với việc đưa nội dung xử lý hình sự pháp nhân - một quy định hoàn toàn mới trong Bộ luật này.

TS. Hoàng Văn Hùng (giảng viên khoa Pháp luật Hình sự - Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, hiện nay Việt Nam là một trong những nước thành viên của WTO nên không thể mãi bảo thủ cho cái cũ. Ở các nước tiên tiến họ đã áp dụng truy tố hình sự đối với pháp nhân có hành vi vi phạm từ rất lâu. Nếu không kiên quyết, không xử lý mạnh tay, vô tình chúng ta đang cổ xúy cho việc làm sai trái của những con người núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân. Khi có sai phạm họ đổ lỗi cho người này, bộ phận kia... và điều đó rất nguy hiểm. Còn PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC nhận định, các vi phạm pháp luật nghiêm trọng đó được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Phổ biến là các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thuế, kinh doanh , tài chính, ngân hàng ... Chính vì vậy cần phải xử lý hình sự đối với pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo tính răn đe.

Tội gây ô nhiễm môi trường: Mức định lượng vẫn quá cao

BLHS 2015 đã quy định TNHS đối với pháp nhân, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại nếu mức định lượng làm căn cứ truy cứu TNHS không được hạ mức xuống thì sẽ tiếp tục không xử lý hình sự được loại tội phạm này.

Tại khoản 1 điều 235 BLHS 2015 quy định các mức định lượng cụ thể đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường đối với từng đối tượng chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, chất phóng xạ, bụi, khí thải… làm căn cứ truy cứu TNHS, tuy nhiên, quy định này gây ra nhiều tranh luận. Có ý kiến cho rằng các mức định lượng quy định tại khoản 1 điều luật này làm căn cứ truy cứu TNHS là quá cao, dẫn tới thực tế khó có thể thực hiện truy cứu TNHS. Ý kiến này đề nghị nghiên cứu điều chỉnh hạ thấp các mức định lượng này cho phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm. Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng, quá trình xây dựng BLHS 2015, vấn đề này đã được thảo luận kỹ, đặc biệt đã xin ý kiến các bộ, ngành hữu quan (Bộ TNMT, Bộ Công an…). Hơn nữa, đây là vấn đề về chính sách hình sự đã được QH khóa XIII thông qua nên đề nghị giữ nguyên như quy định BLHS 2015.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã quy định theo hướng giảm mức định lượng làm căn cứ để truy cứu TNHS đối với tội gây ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn: “Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên; Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần; Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;…”, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Các ý kiến cho rằng mức định lượng như dự thảo lần này vẫn là quá lớn, dễ “lọt lưới” loại tội phạm về môi trường. Đại tá Đoàn Tất Kỉnh, Phó Cục trưởng Cục C44 (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an) cho rằng: “Chỉ cần xả thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 2,3 lần thì cá đã chết hàng loạt rồi, nếu quy định như dự thảo, phải gấp từ 10 lần trở lên mới xử lý hình sự được, thì cá còn chết đến đâu?”.

Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, chúng ta chưa truy cứu TNHS được một vụ gây ô nhiễm môi trường nào, dù đó là những vụ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng như Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải, Tung Kuang (Hải Dương) xả thải gây ô nhiễm môi trường và bây giờ là Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung… Lý do bởi khi đó chúng ta vướng những quy định pháp luật, bởi BLHS trước 2015 không đặt vấn đề truy cứu TNHS pháp nhân, nếu đặt vấn đề truy cứu TNHS đối với cá nhân thì người này phải “đã bị xử phạt hành chính”. Trong khi các quyết định xử phạt hành chính trong những trường hợp trên chỉ áp dụng đối với công ty (pháp nhân).

Nhiều chuyên gia quan ngại rằng, nếu mức định lượng làm căn cứ truy cứu TNHS không được hạ mức xuống thì chúng ta sẽ tiếp tục không xử lý hình sự được vụ gây ô nhiễm môi trường nào.

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/thoi-su/khong-the-de-tiep-tuc-lot-luoi-toi-pham-ve-moi-truong-171966.html