Không thể đưa vào 'khuôn' hình sự hóa

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc vừa có báo cáo rà soát về Bộ luật Hình sự năm 2015 gửi Ủy ban Tư pháp, bởi đây là dự luật còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 sẽ được thông qua ngày 23-11 tới.

Dựa trên hợp đồng vay và cho vay

Theo Điều 201, tội cho vay lãi nặng xác định hành vi dựa trên 2 căn cứ chính: lãi suất cao gấp 5 lần lãi suất cao nhất và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Và quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 lãi suất để bắt đầu truy cứu trách nhiệm hình sự là 100%/năm. VCCI cho rằng, trên thực tế các NH thường không cho vay các khoản vay giá trị nhỏ, thời gian ngắn do không đáp ứng được điều kiện của NH. Do đó, người cần vay vẫn buộc phải tìm đến những người cho vay ngắn ngày, thủ tục đơn giản, linh hoạt, đổi lại phải chịu lãi suất cao. Đây là hoạt động bình thường khi nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể với quy mô rất nhỏ.

Về bản chất, dù lãi suất cao nhưng đây vẫn là quan hệ hợp đồng tự do thỏa thuận: có sự đồng thuận chung cả các bên tham gia; không bên nào bị đe dọa, cưỡng ép; các bên tham gia trên cơ sở thông tin đầy đủ, chính xác, không bên nào bị lừa dối, che giấu thông tin; không làm thiệt hại đến quyền lợi của bên thứ ba. Do đó, Nhà nước chỉ nên hình sự hóa hành vi khi bên cho vay đe dọa, cưỡng ép để đòi nợ.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng, thay vào đó là áp dụng các biện pháp quản lý khác. Thí dụ tại Anh, nếu khoản vay có lãi suất cao hơn mức nhất định, người đi vay không có nghĩa vụ phải trả tiền cho người cho vay. Tại Hoa Kỳ, những người hành nghề cho vay những khoản nhỏ phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và phải đăng ký với cơ quan nhà nước, thường xuyên báo cáo về hoạt động cho vay (hoạt động tài chính vi mô). Việc xử phạt (hành chính hoặc hình sự) đối với hành vi cho vay lãi nặng tại các quốc gia này chỉ đặt ra khi người cho vay không đăng ký, báo cáo với cơ quan nhà nước; có hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp khác để đòi nợ; hoặc có liên quan đến việc rửa tiền, tiêu thụ tài sản trộm cắp (đối với dịch vụ cầm đồ). Đây đều là những cách làm rất khoa học, vẫn bảo đảm ngăn ngừa các tác động xấu của việc cho vay lãi nặng, nhưng đồng thời duy trì các lợi ích từ sự linh hoạt và tiện lợi của dịch vụ tín dụng này.

Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thu hẹp phạm vi xử lý tội cho vay lãi nặng. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng khi người cho vay với lãi suất cao thực hiện hoạt động cho vay một cách thường xuyên, liên tục, vì mục đích thu lợi mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề tổ chức tài chính vi mô.

Nhầm lẫn giữa "trốn" và "nợ"

Theo Điều 216, nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động là nghĩa vụ tài chính bắt buộc mà doanh nghiệp phải thực hiện, tương tự như nghĩa vụ thuế. Sự khác biệt nằm ở chỗ thuế nộp vào ngân sách nhà nước, còn bảo hiểm nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội. Đối với nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp phải thực hiện 2 bước gồm kê khai thuế và nộp tiền vào ngân sách. Tội danh trốn thuế chỉ xử lý đối với trường hợp có gian lận trong việc kê khai thuế chứ không xử lý đối với sai phạm trong hành vi nộp tiền vào ngân sách. Điều này là hợp lý vì doanh nghiệp đã trung thực trong việc kê khai thuế, nhưng vì nhiều lý do khác nhau chưa nộp tiền về ngân sách chỉ được coi là nợ thuế, chứ không được coi là trốn thuế. Nhà nước chỉ tiến hành đòi tiền thuế như một khoản nợ với lãi suất chậm nộp và nhiều biện pháp đòi nợ, chứ không xử lý hình sự.

Trong khi đó, đối với tội trốn đóng bảo hiểm, căn cứ để xử lý lại là hành vi "gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên". Việc xác định hành vi này có nguy cơ nhầm lẫn giữa "trốn" và "nợ" nghĩa vụ tài chính. Theo luật trong trường hợp doanh nghiệp ghi sổ sách và khai báo nghĩa vụ nộp bảo hiểm của mình một cách đầy đủ, chính xác, trung thực, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chậm nộp tiền bảo hiểm quá hạn 6 tháng thì vẫn có thể bị xử lý hình sự. Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm vẫn có thể tiến hành đòi nợ doanh nghiệp như một khoản nợ bình thường khác thông qua các biện pháp bao gồm cả tòa án dân sự. Do đó, dự luật nên quy định theo hướng chỉ xử lý hình sự đối với hành vi doanh nghiệp gian dối khi khai báo nghĩa vụ nộp bảo hiểm, còn việc nợ tiền bảo hiểm không xử lý hình sự.

Không hình sự hóa sa thải trái luật của doanh nghiệp

Điều 162 xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi sa thải trái pháp luật đối với người lao động, hoặc cưỡng ép, đe dọa, buộc người lao động phải thôi việc. Các yếu tố này cần có thêm là "vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân" và "làm cho người bị sa thải, thôi việc hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn". Việc áp dụng tội danh này trong trường hợp buộc công chức, viên chức thôi việc, sa thải người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước có thể hợp lý, song nếu áp dụng cho khối doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn phù hợp. Bởi lẽ, quan hệ hợp đồng lao động là quan hệ dân sự, việc chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải trái pháp luật đã có các biện pháp chế tài về dân sự điều chỉnh (nhận người lao động trở lại làm việc, bồi thường theo Điều 42 của Bộ luật Lao động).

Bên cạnh đó, việc xác định yếu tố vụ lợi hay động cơ cá nhân của người ra quyết định sa thải là quan hệ giữa người này và đơn vị đã đứng ra thuê lao động. Thí dụ, nếu một vị giám đốc ra quyết định sa thải trái pháp luật đối với một nhân viên, dù là vì vụ lợi hay động cơ cá nhân, cũng được coi là quyết định của công ty đó, bởi vị giám đốc là người đại diện hợp pháp. Do đó, nếu việc ra quyết định vì vụ lợi hay động cơ cá nhân vị giám đốc đó phải chịu trước chủ sử dụng lao động (là công ty), chứ không phải là vấn đề Nhà nước cần can thiệp. Lập luận này cũng lý giải vì sao tội này áp dụng với cán bộ, công chức hợp lý, vì trong trường hợp này chủ sử dụng lao động đối với cán bộ, công chức chính là Nhà nước. Do đó, VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo thu hẹp phạm vi của Điều 162, không hình sự hóa đối với trường hợp sa thải trái pháp luật của doanh nghiệp.

Hà My (ghi)

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161029/khong-the-dua-vao-khuon-hinh-su-hoa.aspx