Không thể hội nhập kiểu phong trào

Có lẽ hiếm khi nào, thông báo rút giấy phép các dự án chậm triển khai lại nhiều như hiện nay. Điều này cho thấy, áp lực nâng cấp chất lượng các dự án đầu tư từ phía chính quyền địa phương, cũng như nhu cầu tìm kiếm địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư sau khủng hoảng kinh tế khiến việc sàng lọc các dự án đang trở nên cấp thiết.

Nhìn lại thời điểm này những năm trước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một loạt thông báo về việc chấp nhận những siêu dự án từ chính những địa phương này đã được đưa ra. Dường như sau phong trào trải thảm đỏ với các nhà đầu tư nước ngoài, sau phong trào của các dự án tỷ USD, đang có một phong trào rầm rộ chẳng kém, nhưng ở phía đối ngược. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khi nhận định về 3 năm gia nhập WTO cũng bày tỏ băn khoăn lớn về hiệu ứng phong trào trong ứng phó với điểm yếu bộc lộ sau hội nhập. Điển hình là phong trào thảo luận và nghiên cứu về tái cấu trúc nền kinh tế vào năm 2009, khi nhu cầu nội thân về tìm mô hình phát triển cho kinh tế Việt Nam bước sang nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, khi mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế đòi hỏi những cách đi khác với cách phát triển bề rộng của những năm đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, lúc này, mọi nhu cầu về tái cấu trúc, kể cả ở cấp vĩ mô và cấp doanh nghiệp có vẻ chùng xuống, cho dù sự cấp bách trong xác định mô hình phát triển mới tiếp tục tăng cấp. Đã có quan điểm rằng, những tác động bề nổi của việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ dần qua đi, thế chân là những đòi hỏi cải thiện mang tính căn bản và dài hạn. Rất có thể mỗi năm một lần, một hội nghị đánh giá tác động sau khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ vẫn được tổ chức, nhưng khí thế hào hứng chắc hẳn sẽ không thể duy trì, nếu như phép thử năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như năng lực điều hành chính sách của Chính phủ chỉ dừng là phép thử… Sau 3 năm Việt Nam là thành viên của WTO, đây là thời điểm hàng loạt cam kết đa phương, song phương khác mà Việt Nam là thành viên có hiệu lực. Đây cũng là thời điểm các cuộc đàm phán thương mại tự do song phương, đa phương mới giữa Việt Nam và các nền kinh tế khác được bắt đầu. Có thể thấy, WTO chỉ là một phần của hội nhập, nhưng với đặc thù riêng, các cam kết của Việt Nam với tổ chức này là động lực để cải thiện hệ thống pháp luật, cải cách thể chế, mở cửa thị trường dịch vụ…, chứ không tập trung vào cắt giảm các dòng thuế như đối với các hiệp định thương mại. Chính điểm này đã khiến tác động quan trọng nhất khi Việt Nam gia nhập WTO là gia tăng niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng của doanh nghiệp trong nước… Trở lại thực trạng nhiều địa phương thông báo rút giấy phép các dự án chậm triển khai, có thể thấy hiệu quả thực tiễn của nền kinh tế không nằm ở niềm tin của các nhà đầu tư, cũng như không phụ thuộc vào khí thế háo hức với những con số về tốc độ tăng trưởng GDP, thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Hơn thế, khả năng hấp thụ các dự án, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn tiếp tục bộc lộ rõ là hạn chế chung, mà ở đó, dấu ấn về điểm yếu trong liên kết phát triển giữa các địa phương, các vùng kinh tế… thể hiện rõ. Nếu căn cứ vào mục tiêu rút giấy phép của các dự án chậm trễ của nhiều địa phương, có thể thấy rõ nhu cầu tìm kiếm các nhà đầu mới có năng lực tài chính, chuyên môn cao hơn. Và có thể các nhà đầu tư mới này sẽ không lặp lại vết chân cũ của những người đi trước, song khả năng cải thiện chất lượng đầu tư theo phong trào dường như khó khả thi, nếu như không gắn với những điểm cập nhật trong các quy hoạch phát triển vùng, ngành, địa phương… Hiện tại, cấu trúc kinh tế thế giới đang thay đổi rất mạnh. Hệ thống tài chính tiền quốc tế đang được kiểm soát chặt chẽ. Xu hướng hình thành các tập hợp đa phương riêng lẻ khá rõ ràng. Cơ cấu sản xuất của thị trường thế giới chuyển dịch theo hướng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường… Không thể khác, bước hội nhập trong giai đoạn tới của Việt Nam đòi hỏi những tính toán, chỉ đạo nhạy bén, tập trung và thống nhất, mà quan trọng nhất là xác định mô hình phát triển. Sẽ khó cho các hiệu ứng phong trào duy trì khi mô hình phát triển theo định hướng năng suất, chất lượng và bền vững được xác định. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng đồng tình rằng, với các mô hình phát triển khác nhau, các cách hội nhập của Việt Nam sẽ không thể giống nhau.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/dcadd85c7f000001001179fcfd5a6af5