Không thể thành công dân toàn cầu mà không mang theo bản sắc của dân tộc

Gặp nhau trong quán trà nhỏ ở một chung cư cũ, cái dáng nhỏ thó của Quyên như lọt thỏm giữa không gian của quán.

Gặp nhau trong quán trà nhỏ ở một chung cư cũ, cái dáng nhỏ thó của Quyên như lọt thỏm giữa không gian của quán. Khác xa với hình dung của tôi về một người gần đây bỗng “đình đám” bởi những ý tưởng táo bạo. Ngồi với Quyên để nghe chuyện nghề, nghe những trăn trở, những tham vọng… Quyên là Vưu Lệ Quyên, Phó tổng giám đốc Biti’s - thế hệ mới của Biti’s.

Vưu Lệ Quyên

* Nhiều người bảo Biti’s giờ đã khác xưa. Bạn nghĩ, mình đang ở đâu trong cái “khác xưa” đó?

Tôi nghĩ Biti’s chẳng “khác xưa” lắm đâu, trong tiềm thức của một thế hệ người Việt vẫn còn nhớ đến chúng tôi, tôi tin thế. Biti’s vẫn là một thương hiệu “rất Việt”, tôi chỉ là một người, trong số những người đang tham gia vào việc “khác xưa” ấy, nếu có.

Đứng trong cái “khác xưa” hôm nay của công ty gia đình mình, tôi chỉ góp một phần rất nhỏ để “trẻ hóa” cách tiếp cận khách hàng. Tôi ước ao, mỗi một sản phẩm của Biti’s đều phải mang một ý nghĩa nhất định nào đó, chứ không đơn giản chỉ là một đôi giày, đôi dép.

* Cổ tích ngày nay giờ đã ít nhiều mai một, không còn giữ được “vị thế” như ngày trước. Trẻ em đã không còn sống nhiều trong miền cổ tích như các thế hệ trước. Vậy điều gì đã khiến Quyên chọn đưa yếu tố cổ tích vào việc kinh doanh?

Ngay từ thế hệ của tôi - khi Disney hay Marvel còn chưa phổ biến, thì hiểu biết về cổ tích và những câu chuyện dân gian cũng chưa đủ nhiều và sâu sắc; đừng nói đến thời đại công nghệ hiện nay. Vì thế, nếu chúng ta không có những nỗ lực đặc biệt, thế hệ sau sẽ dần lãng quên những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Tôi luôn theo đuổi ước mơ mang lại hạnh phúc cho trẻ thơ qua các sản phẩm của mình. Ngày trước, những câu chuyện cổ tích từng mang lại niềm vui cho thế hệ bố mẹ, thì nay tôi và cộng sự cũng muốn mang đến niềm vui đó cho thế hệ con cháu. Cổ tích về cô Tấm, Thánh Gióng sẽ không còn là câu chuyện kể mỗi đêm mà trở thành một sợi dây gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình.

* Chọn một điều “xưa cũ”, Quyên có lo vấp phải sự thờ ơ của trẻ em hiện đại? Cả cha mẹ nữa, công việc bận rộn cũng không cho phép họ ấp ủ ước mơ cổ tích cùng con?

Tôi chẳng ngại đâu. Những điều thật sự tốt đẹp luôn có giá trị vượt thời gian. Thời gian không thể khiến chúng hao mòn, mà ngược lại, sẽ chứng minh thêm sức sống của chúng. Tôi tin tưởng vào các ông bố bà mẹ. Họ là những người đã lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích, nên hiểu được vẻ đẹp của tâm hồn dân tộc ẩn trong đó và luôn muốn truyền đạt lại cho con mình những cái hay nhất, đẹp nhất.

* Vì sao Quyên lại chọn Tấm Cám, Thánh Gióng và con Rồng cháu Tiên mà không phải là công chúa Elsa hay nàng Bạch Tuyết? Trẻ em vẫn thích thú những nhân vật Disney quen thuộc mà?

Sẽ như thế nào nếu trẻ em ngày nay không biết gì về văn hóa dân gian, về nguồn gốc dân tộc? Chúng ta không thể trở thành công dân toàn cầu mà không mang theo bản sắc riêng của dân tộc mình! Một lý do khác, cổ tích Việt có sức hấp dẫn rất lớn.

Tấm Cám vẫn lên phim, làm nhạc và được hàng triệu người yêu thích, không riêng gì trẻ em. Vấn đề là những nhân vật tưởng chừng đã rất quen thuộc đó vẫn chưa được khai thác hiệu quả để “thổi” thêm sức hấp dẫn vào, biến thành những nhân vật “vạn người mê”.

Thành thật mà nói, việc thực hiện ý tưởng và sứ mệnh này không hề đơn giản. Muốn chứng minh sức mạnh của văn hóa dân gian, cần nhiều thời gian và công sức. Tôi nghĩ, các bạn trẻ ngày nay không hời hợt với văn hóa dân gian đâu! Từ sâu trong tâm thức, mỗi người trẻ đều rất yêu mến những giá trị Việt, bởi chúng ta lớn lên từ lời ru, câu hát, từ những câu chuyện cổ tích mẹ kể, từ các trò rồng rắn, ô ăn quan…

Chỉ là trước sự tràn ngập của những hình thức giải trí hiện đại, văn hóa dân gian ít được người trẻ đề cập đến thôi. Chương trình Bước chân cổ tích đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ những người trẻ: hàng triệu lượt xem, bình luận và chia sẻ. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu của thế hệ trẻ với văn hóa dân tộc. Cái còn thiếu lúc này là phải có ai đó tiên phong đưa văn hóa dân gian vào các hình thức giải trí, giáo dục gần gũi hơn trong cuộc sống.

* Nhưng liệu “mang thế giới cổ tích đến với trẻ em Việt” là một tham vọng quá lớn?

Đó đúng là một tham vọng lớn, chỉ có thể thấy được phần nào kết quả trong từ 3-5 năm tới. Nhưng, nếu Disney có thể khiến cả thế giới chao đảo với những câu chuyện thần tiên của mình, góp phần tạo nên ước mơ của hàng triệu trẻ em toàn cầu thì tại sao Việt Nam lại không thể làm lan tỏa vẻ đẹp cổ tích của dân tộc mình?

* Nhưng, chỉ bằng những đôi giày nhỏ, làm sao bạn có thể truyền tải được các bài học cổ tích cho trẻ em?

Những đôi giày nhỏ chẳng có cách nào nói hết được cái hay của cổ tích. Tuy nhiên, theo từng bước chân của trẻ mỗi ngày, đôi giày sẽ đồng hành, nhắc nhở và khắc sâu các giá trị văn hóa vào tâm hồn con trẻ.

Vì thế, tôi không chỉ đặt nỗ lực vào những đôi giày mà còn kết hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đưa giá trị văn hóa dân gian vào trường học qua các trò chơi, cuộc thi kể chuyện… Đó là cả một hệ sinh thái mà chúng tôi đang theo đuổi nhằm truyền tải những bài học ý nghĩa từ văn hóa dân gian Việt cho trẻ em.

* Trẻ em không mấy hứng thú với văn hóa dân gian như các thế hệ trước. Đây có phải là lỗi của người lớn?

Thật đau lòng khi phải thừa nhận một phần là lỗi của chúng ta - những người lớn, những người làm cha mẹ. Trong quá trình trưởng thành, mọi thứ nơi trẻ đều chịu ảnh hưởng từ bố mẹ, người thân và thầy cô giáo. Chẳng phải chúng ta từng yêu văn hóa dân gian? Vậy thì tại sao ngày nay chúng ta lại dễ dãi chọn cho con những cách giải trí tiện lợi như ti vi, điện thoại, máy tính bảng thay vì dành thời gian kể chuyện hay chơi đùa cùng con?

* Quyên còn muốn nói gì thêm với các ông bố bà mẹ - những người đã vô tình quên mất dù là thời đại nào, trẻ cũng cần được lớn lên trong cổ tích, trong vẻ đẹp của văn hóa dân tộc?

Cổ tích không chỉ là cái nôi, là nguồn gốc văn hóa của người Việt mà còn là nền tảng giúp cha mẹ gắn kết con cái với tổ tiên, nguồn cội dân tộc. Còn gì tuyệt vời hơn khi khoảng cách thế hệ được thu ngắn lại nhờ cầu nối của những câu chuyện dân gian. Từ đó, tình yêu văn hóa dân gian của trẻ cũng sẽ được khắc sâu cùng tình yêu thương của cha mẹ trong suốt thời thơ ấu.

Đoàn Tâm
(thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/khong-the-thanh-cong-dan-toan-cau-ma-khong-mang-theo-ban-sac-cua-dan-toc-107859/