Không thể trả 1,5 triệu USD một cách phi lý

Sau nhiều lần tống đạt phán quyết thông qua đại sứ quán hai nước, CG đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm thi hành án.

(LĐ) - Tại cuộc họp ngày 6.3.2006 của Ủy ban trọng tài - trong đó chỉ có bên nguyên đơn là CG đến dự, mà không có bất kỳ đại diện nào của bị đơn là Oleco - CG đã dẫn ra Hiến pháp Việt Nam để yêu cầu đưa Chính phủ Việt Nam trở thành bị đơn. Theo CG, tài chính và tất cả các yếu tố cấu thành Cty Oleco thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam. Vì thế, Ủy ban trọng tài đã đồng ý với yêu cầu của CG và yêu cầu bị đơn là Oleco và nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trả cho CG số tiền theo phán quyết của trọng tài. Về phía Oleco, luôn duy trì quan điểm: Hợp đồng của Oleco ký với CG là loại hợp đồng có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, nếu Oleco có vi phạm hợp đồng thì mức bồi thường tối đa chỉ bằng khoản bảo lãnh đó. Việc Oleco thực hiện hợp đồng đều đặt dưới sự quản lý, giám sát của CG. Giả sử Oleco có làm cho CG thiệt hại quá mức bảo lãnh thì CG phải có trách nhiệm thông báo cho Oleco dừng ngay việc thực hiện hợp đồng. Nếu CG để thiệt hại quá mức bảo lãnh thì CG phải tự chịu. Vụ việc đã xảy ra gần 15 năm, Cty Oleco trước đây do thiệt hại hợp đồng với CG quá lớn đã phải bán DN, chuyển sang cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp của Việt Nam. Mới đây nhất - giữa tháng 8.2009, theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Kuwait, ông Lê Xuân Luyện - Tổng GĐ hiện thời Oleco - đã nhận lời sang Kuwait thương thảo về vụ việc. CG có cử đại diện đến dự, nhưng sau đó xin tạm dừng đàm phán để xin ý kiến lãnh đạo Cty. Tuy nhiên, sau đó CG im lặng, không nối lại đàm phán. Đây là cách thức đàm phán mà CG đã áp dụng giống như những lần trước đây. Về việc này, Oleco đã gửi công văn báo cáo với Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait, khẳng định hai bên không thể đàm phán được. Cty Oleco đề nghị Đại sứ quán Việt Nam không nhận bất kỳ văn bản nào của CG, đồng thời Oleco cũng đề nghị được hỗ trợ để yêu cầu CG trả lại cho Oleco 173.329,016DK tiền bảo lãnh hợp đồng và bảo hành công trình. Thực tế Oleco là DN bị thiệt hại chứ không phải CG Sau chuyến đàm phán lần 4 (cuối tháng 8.2009) bất thành, ông Lê Xuân Luyện - TGĐ Cty Oleco đã trao đổi với PV Lao Động quan điểm giải quyết vụ việc. Xin ông cho biết diễn tiến mới nhất về vụ việc này? - Tại cuộc thương thảo cuối tháng 8.2009, tôi đã nói rõ với CG rằng chúng tôi thiện chí, mong lần này hai bên giải quyết dứt điểm, đồng thời khẳng định đây sẽ là cuộc thương lượng cuối cùng cho dù kết quả thế nào. Ngay sau khi CG không liên lạc lại, ngầm ý từ chối đề nghị của chúng tôi, tôi đã làm công văn gửi Đại sứ quán VN tại Kuwait, khẳng định vụ việc này không thể đàm phán được. Cả 4 lần đàm phán, CG đều không nhân nhượng Oleco bất kỳ điểm nào, thậm chí số tiền họ đòi bồi thường ngày càng cao. Chúng tôi đã đề nghị Đại sứ thông báo cho các cơ quan VN là Bộ NN PTNT và Bộ Ngoại giao biết đây là việc của hai DN, hai DN phải tự giải quyết. Chúng tôi rất muốn giải quyết dứt điểm sớm để không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ông có cho rằng, vì Oleco đã không cử trọng tài tham dự vụ kiện nên đã bị xử ép? - Oleco thực hiện hợp đồng có bảo lãnh của ngân hàng, nên nếu Oleco có gây thiệt hại thì cũng chỉ phải bồi thường trong phạm vi bảo lãnh. Nhưng CG đã lợi dụng Oleco ký hợp đồng không chặt chẽ, không nắm rõ pháp luật Kuwait, nên đã xử đơn phương và đưa vào những khoản yêu cầu bồi thường rất phi lý. Từ chỗ chỉ yêu cầu bồi thường 258.634DK (khoảng 931.000USD) vào năm 1999, đến khi đưa ra trọng tài, CG đã yêu cầu bồi thường tới 877.803DK (3,16 triệu USD). Trọng tài đã xử Oleco bồi thường 400.000DK (gần 1,5 triệu USD). Mặc dù Oleco không thực hiện hết hợp đồng với CG, nhưng thực tế Oleco là DN bị thiệt hại chứ không phải CG. Tuy nhiên về lý thì mình thua họ. Ông có nghĩ là Oleco đã chưa tìm hiểu kỹ về đối tác cũng như luật pháp quốc tế không? - Hiện chúng tôi đã tham vấn ý kiến trọng tài quốc tế và đã nghĩ đến việc xem xét trình tự tố tụng của vụ kiện này đã hợp pháp hay chưa, từ đó nếu cần thiết mới có thể lật lại được. Khi ký hợp đồng này (năm 1996), đúng là Oleco còn rất non kinh nghiệm. Cộng với sự chủ quan, Oleco đã sơ hở để bị gài bẫy ở nhiều điều khoản trong hợp đồng. Oleco đã không lường hết được các khả năng rủi ro. Vậy, Oleco sẽ định giải quyết thế nào với khoản phạt 400.000DK (gần 1,5 triệu USD) của CG, thưa ông? - Hiện, CG đang bám vào lý do duy nhất để buộc Oleco phải bồi thường là trước đây Oleco là DN nhà nước, do Nhà nước là chủ sở hữu, nên Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Họ vẫn bám vào lý do này. Tuy nhiên, hiện Oleco đã chuyển đổi sở hữu, nên tôi cho rằng họ khó có thể bắt Oleco phải bồi thường. Hiện tại, Cty chúng tôi vẫn còn hơn 173.000DK (tương đương 445.000USD - theo tỉ giá năm 1996) tiền bảo lãnh hợp đồng và bảo hành công trình mà phía CG đang nắm giữ. - Xin cảm ơn ông ! N.L thực hiện >> 1,5 triệu USD tiền phạt lơ lửng trên đầu Oleco Ngọc Bảo

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/khong-the-tra-15-trieu-usd-mot-cach-phi-ly/200910/160131.laodong